Tối 12/12 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thủ đô Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản, dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản và Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản tại Tokyo từ ngày 12-15/12 theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.Đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại sân bay có Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng cùng đông đảo cán bộ, nhân viên, cộng đồng người Việt tại Nhật Bản.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Phu nhân đến Sân bay Haneda Tokyo. Ảnh: Đức Tám/TTXVN |
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm hai nước Việt Nam - Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao nhằm góp phần tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản, đặc biệt là hợp tác kinh tế, đầu tư, viện trợ phát triển cũng như sự phối hợp giữa Việt Nam và Nhật Bản tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Thời gian qua, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, trong đó, kinh tế là một trong những điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước đầu tiên trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011); là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam và cũng là nhà đầu tư số một tại Việt Nam (cả về tổng vốn đầu tư và vốn đã giải ngân).
Quang cảnh lễ đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Sân bay Haneda Tokyo. Ảnh: Đức Tám/TTXVN |
Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam với kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2012 đạt 24,7 tỷ USD, 11 tháng đầu năm nay đạt 22,933 tỷ USD. Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999. Ngoài ra, Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư (tháng 12/2004), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt-Nhật (VJEPA) (tháng 10/2009)... cũng đã tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước. Hiện hai bên đang hợp tác triển khai Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...
Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác về văn hoá thông tin, giáo dục đào tạo, khoa học-công nghệ, lao động, du lịch,... thời gian qua cũng đạt được những kết quả hết sức tích cực.
Trong dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ Đối thoại ASEAN-Nhật Bản và Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 5.
Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ Đối thoại ASEAN-Nhật Bản nhằm đánh giá thành quả của quan hệ ASEAN-Nhật Bản trong 4 thập kỷ qua và thảo luận phương hướng thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản trong thời gian tới, tranh thủ sự hỗ trợ và hợp tác của Nhật Bản dành cho ASEAN trong xây dựng cộng đồng, liên kết kinh tế, tăng cường kết nối, phát triển nhân lực, thu hẹp khoảng cách...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 5, qua đó, Việt Nam tiếp tục có những đóng góp thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả cơ chế hợp tác Mekong-Nhật Bản trong giai đoạn tới.
Theo chương trình ngày 13/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có các cuộc gặp với các doanh nghiệp, hiệp hội về lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ hàng đầu của Nhật Bản.
TTXVN/Tin tức