Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải; Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh Bình Định.
Báo cáo của Tỉnh ủy Bình Định tại buổi làm việc cho biết, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định đã đoàn kết, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, triển khai quyết liệt các giải pháp và đạt được kết quả tích cực về kinh tế - xã hội.
Tỉnh Bình Định đạt và vượt kế hoạch 19/19 chỉ tiêu chủ yếu; GRDP ước tăng 8,57%, cao nhất từ trước tới nay; GRDP bình quân đầu người ước đạt gần 70,7 triệu đồng, tăng 11,59%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,05%. Thu ngân sách trên 15,6 nghìn tỷ, tăng 7,5%. Xuất khẩu đạt 1,55 tỷ USD, tăng 16,3%, xuất siêu hơn 1,08 tỷ USD.
Du lịch phục hồi tích cực, đón trên 4,12 triệu lượt khách, tăng hơn 2,8 lần. Tổng mức thực hiện vốn đầu tư phát triển hơn 46,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8%. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 90,97% kế hoạch. Có 87/113 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 133 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên.
An sinh xã hội được quan tâm. Cải cách hành chính được đẩy mạnh, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.
Tỉnh Bình Định đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành xem xét cho phép nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát; tuyến Quốc lộ 19 nối cảng Quy Nhơn với khu vực Bắc Tây nguyên, Nam Lào - Đông Bắc Campuchia và Thái Lan; xem xét các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ kinh phí để Bình Định tu bổ, tôn tạo các công trình văn hóa lịch sử, nhất là các tháp Chăm, di tích Đề thời Tây Sơn tam kiệt...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu đánh giá tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Định; phân tích các tiềm năng, thế mạnh và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển tỉnh Bình Định; giải đáp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.
Các đại biểu cho rằng điểm quan trọng nhất để Bình Định phát triển là phải phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để kết nối, khơi dậy các cực tăng trưởng và mở ra không gian phát triển mới, nhất là kinh tế biển, du lịch, logistics...
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định đã đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu và đạt được kết quả tích cực về kinh tế - xã hội, góp phần vào thành tựu chung của cả nước.
Thủ tướng bày tỏ ấn tượng bởi Bình Định đã chủ động phát triển hạ tầng; thực hiện tốt phương thức hợp tác công tư trong một số dự án như trong đầu tư bệnh viện đa khoa tỉnh; chủ động có chính sách xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách, người thu nhập thấp... "Đây là những mô hình hay, cần nhân rộng mạnh mẽ, rộng rãi", Thủ tướng khuyến khích.
Thủ tướng cho rằng, Bình Định có vị trí chiến lược, giao thương thuận lợi; có lịch sử lâu đời, vùng đất kinh đô của một số triều đại; có nền văn hóa đặc sắc; có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế biển; có tiềm năng lớn về du lịch biển đảo, văn hóa, lịch sử với hệ thống đảo, bán đảo, mũi đá, cảnh quan đẹp, bãi tắm nổi tiếng; nhiều tài nguyên khoáng sản quý và tiềm năng phát triển năng lượng; người Bình Định có tinh thần đoàn kết, yêu nước, cần cù, sáng tạo, có khát vọng vươn lên, mảnh đất của “đất võ, trời văn”.
“Với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội, nguồn lực phong phú là điều kiện, tiền đề để Bình Định bước vào thời kỳ phát triển mới, tạo sự bứt phá vươn lên trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng duyên hải Nam Trung bộ”, Thủ tướng chỉ rõ.
Để phát huy tốt hơn tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh, bền vững, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Bình Định tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển vùng và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh. Trong đó phải chú trọng thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm thể chế, hạ tầng chiến lược và đào tạo nguồn nhân lực, cải cách hành chính. "Trong hạ tầng chiến lược phải chú ý phát triển hàng không, đầu tư Cảng hàng không Phù Cát, các tuyến cao tốc kết nối, hệ thống cảng biển...", Thủ tướng chỉ rõ.
Bình Định cần bám sát tình hình thực tiễn để phản ứng chính sách tốt hơn; phát huy tinh thần tự lực, tự cường với khí thế Tây Sơn; tiếp tục thực hiện phân cấp, phân quyền; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; chú trọng công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tỉnh Bình Định phải tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch; tiếp tục thực hiện chương trình Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, nhất là các ngành kinh tế biển; thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển xanh, bền vững, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh liên kết vùng để khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh, tạo không gian và nguồn lực cho phát triển...
Trong đó, phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế then chốt, khuyến khích công nghệ cao, công nghiệp xanh, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, công nghiệp - đô thị ven biển...; xây dựng hạ tầng đồng bộ, kết nối và nâng cao hiệu quả hoạt động khi kinh tế Nhơn Hội, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm nông, lâm, thủy sản địa phương.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, Bình Định phải phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh các sản phẩm OCOP; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; phát triển ngành thủy sản hiện đại, hiệu quả, bền vững, trọng tâm là nuôi tôm công nghệ cao và khai thác cá ngừ đại dương; hỗ trợ ngư dân bám biển, khai thác xa bờ, ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.
Về phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại thế mạnh, Thủ tướng đề nghị tỉnh đầu tư và kêu gọi đầu tư phát triển vận tải biển, logictics, kho bãi, tài chính, ngân hàng, bưu chính, viễn thông...; tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch, dịch vụ; phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên; hình thành các tuyến, cụm du lịch.
Bình Định lưu ý bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, lịch sử, giá trị tốt đẹp của người Bình Định; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo người có công, đối tượng yếu thế; thực hiện tốt hơn công tác giảm nghèo, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm các sai phạm.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của Bình Định, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đây đều là những đề xuất chính đáng; cơ bản đồng tình xem xét; giao các bộ, ngành phối hợp với tỉnh Bình Định giải quyết.
Tuy nhiên việc giải quyết các đề xuất phải trên cơ sở bối cảnh chung của cả khu vực và toàn quốc và đúng quy định; nếu khó khăn, vướng mắc do quy định thì các bộ, ngành xem xét, tháo gỡ, vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.
Đối với các dự án đầu tư, Thủ tướng đề nghị tỉnh kêu gọi, thu hút đầu tư theo hình thức hợp tác công tư vừa giảm đầu tư của Nhà nước vừa huy động được các nguồn lực xã hội vào đầu tư, quản lý, vận hành, phát triển hiệu quả dự án.
* Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã tới khảo sát, dự lễ khánh thành các công trình phát triển hạ tầng của tỉnh Bình Định, trong đó có dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định - phần mở rộng được đầu tư xây dựng theo hình thức hợp tác công - tư. Công trình có quy mô 600 giường bệnh với đầy đủ các tiêu chuẩn khác nhau, phù hợp với nhu cầu của từng bệnh nhân; tổng vốn đầu tư khoảng 1.300 tỉ đồng, trong đó tỉnh Bình Định góp 80 tỉ đồng.
Làm việc với lãnh đạo bệnh viện, Thủ tướng ghi nhận đến thời điểm này có thể đánh giá đây là một mô hình hợp tác công tư thành công, người dân được hưởng lợi; các bác sĩ, nhân viên y tế có thêm động lực làm việc, cống hiến, vừa bảo đảm y đức “thầy thuốc như mẹ hiền”, vừa cạnh tranh lành mạnh, phát huy tối đa năng lực; việc đầu tư xây dựng bệnh viện, mua sắm trang thiết bị, máy móc được triển khai nhanh hơn, tiết kiệm nguồn lực cho nhà nước, các thủ tục được tiến hành công khai, minh bạch, bệnh viện có nguồn thu để tái đầu tư.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu nhân rộng mô hình thành công này và áp dụng sang nhiều lĩnh vực như khác để phát huy cao nhất hiệu quả đầu tư; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.