Dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao 50 căn nhà tình nghĩa tặng nạn nhân chất độc da cam/dioxin và 500 triệu đồng cho Trung tâm Bảo trợ xã hội nuôi dưỡng, dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ chia sẻ và tri ân những người đã tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, chịu nhiều mất mát đau thương. Thủ tướng biểu dương những nỗ lực cố gắng và tinh thần đoàn kết, chủ động sáng tạo vì nạn nhân chất độc da cam của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp, thể hiện vai trò, trách nhiệm của Hội trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chăm lo, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.
Để đẩy nhanh công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, thiết thực chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, góp phần vào công tác bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững của đất nước, Thủ tướng đề nghị, Hội tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 43 ngày 14/5/2015 của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học và Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học. Hội cần bám sát nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, chủ động tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Hội, xác định trọng tâm, trọng điểm và giải pháp thực hiện cụ thể theo tinh thần “Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi” như lúc sinh thời Bác Hồ từng căn dặn.
Cùng với đó, Hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí và truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thảm họa da cam, trong đó tập trung tuyên truyền về dịp kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam cả trong nước và quốc tế, làm cho nhân dân trong nước và thế giới hiểu rõ hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam, về công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học, tích cực hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động giúp đỡ nạn nhân, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu, Hội tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức Hội các cấp vững mạnh, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội, hướng về cơ sở, gắn bó với nạn nhân; chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao kiến thức công tác cho cán bộ Hội, xây dựng đội ngũ cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, nhiệt tình với Hội, đồng cảm với nạn nhân như với người thân của mình. Hội kịp thời phát hiện những thiếu sót, bất cập trong thực thi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; thực hiện tốt vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội về các chính sách, chế độ đối với nạn nhân chất độc da cam.
Cụ thể, Hội chú trọng công tác huy động các nguồn lực xã hội, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp Hội. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, Hội cần làm tốt vai trò quy tụ nhân tâm, kết nối cộng đồng, động viên toàn xã hội chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, trước mắt chăm lo Tết Tân Sửu 2021 cho nạn nhân chất độc da cam. Hội kịp thời động viên, cổ vũ, khuyến khích, lan tỏa những tấm lòng vàng vì nạn nhân chất độc da cam.
Phát huy tốt tinh thần “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam", đến nay, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã có bước phát triển nhanh, hình thành hệ thống tổ chức hội thành viên ở tỉnh, huyện và cơ sở; hoạt động hiệu quả, uy tín và vị thế được khẳng định. Hội thường xuyên chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của các ban, bộ, ngành Trung ương tham mưu và đề xuất với Đảng, Nhà nước về các chủ trương, chính sách, chế độ đối với người hoạt động kháng chiến và con cháu của họ bị nhiễm chất độc hóa học.