Tại buổi gặp mặt, đại diện trí thức Việt Kiều và thanh niên, sinh viên Việt Nam tại New York đã báo cáo với Thủ tướng về tình hình sinh sống, làm việc, học tập; các hoạt động của cộng đồng người Việt Nam tại New York. Các đại biểu cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại New York luôn thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; luôn hướng về tổ quốc; vui mừng và tin tưởng đất nước tiếp tục phát triển. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trả lời các câu hỏi của các đại biểu về các vấn đề quan tâm.
Trả lời về chính sách, giải pháp của Việt Nam để thu hút đầu tư nước ngoài, Thủ tướng cho biết, Việt Nam có đường lối đúng đắn, phù hợp với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước; có hệ thống luật pháp ổn định, phù hợp với thế giới, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bao gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin, hạ tầng giáo dục, y tế…; xây dựng hệ sinh thái, môi trường kinh doanh phù hợp với điều kiện Việt Nam và xu thế của thế giới; chuẩn bị, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao; có các chế độ liên quan nhà cửa, bảo hiểm… để nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào Việt Nam.
Đối với việc thu hút “chất xám” vào lĩnh vực công, Thủ tướng Chính phủ cho biết, việc thu hút chất xám vào lĩnh vực công luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Theo đó, tạo điều kiện, đảm bảo lợi ích cả về vật chất và tinh thần cho người làm việc trong lĩnh vực công phù hợp với điều kiện đất nước. Trong đó có điều kiện làm việc đầy đủ, hiện đại; môi trường làm việc minh bạch, thân thiện; từng bước nâng cao đời sống cho những người làm việc trong lĩnh vực công…
Thủ tướng cho biết, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ với nhiều ưu đãi để yên tâm công tác, cống hiến cho đất nước. Tuy nhiên điều kiện đất nước còn có những khó khăn, nên có thể chưa đáp ứng hết các yêu cầu. Thủ tướng mong muốn các bạn trẻ có năng lực, ý chí, tình cảm vào khu vực công làm việc. “Nếu có năng lực, trí tuệ, tình cảm, làm việc ở bất cứ nơi nào miễn là có ích cho bản thân, gia đình, cho xã hội, đặc biệt là hướng về đất nước, đóng góp cho đất nước đều được hoan nghênh, ghi nhận”, Thủ tướng khẳng định.
Đối với việc ứng xử với người có hai quốc tịch, Thủ tướng cho biết, không riêng gì Việt Kiều mà ngay cả đối với người nước ngoài ở Việt Nam đều được đối xử công bằng như người Việt Nam ở trong nước. Đơn cử, khi dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người, những người nước ngoài ở Việt Nam đều được bảo vệ, chăm sóc, phòng chống dịch như người Việt Nam. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài, luôn khẳng định người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; luôn tạo điều kiện để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và giúp đồng bào có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống ở nước sở tại và đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước. “Bản thân tôi, mỗi khi công tác ở nước ngoài và tiếp xúc với lãnh đạo các nước đều đề nghị lãnh đạo các nước tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước sở tại được sinh sống, lao động, học tập an toàn, thuận lợi”, Thủ tướng cho biết.
Trả lời câu hỏi về chống biến đổi khí hậu, Thủ tướng cho biết, đây là vấn đề toàn cầu, nên phải có cách tiếp cận toàn cầu; vấn đề có tác động toàn dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam là nước đang phát triển, 1 trong 5 nước chịu tác động lớn nhất bởi biến đổi khí hậu, do đó cần sự công bằng, công lý quốc tế trong chống biến đổi khí hậu. Thủ tướng cho biết, tại COP26, Việt Nam chính thức công bố cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hiện nay, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các cam kết tại COP26, thành lập các tổ công tác để thực hiện các cam kết. Trong đó có việc điều chính nhiều chính sách, quy hoạch, kế hoạch để phù hợp với cam kết và chống, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đối với việc truyền thông, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Việt Nam có rất nhiều đặc điểm đáng tự hào với lịch sử lâu đời như tinh thần quật cường, đoàn kết, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, người Việt Nam có trí tuệ, tình cảm, ý chí, nghị lực… Mặc dù có xuất phát điểm thấp, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như hiện nay. Do đó, người Việt Nam ở nước ngoài hoàn toàn có thể tự hào để quảng bá hình ảnh đất nước. “Bản thân mỗi người Việt Nam ở nước ngoài hãy là hình ảnh sống động nhất đại diện cho hình ảnh đất nước”, Thủ tướng chỉ rõ.
Kết thúc cuộc đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, ông thực sự tự hào về trí tuệ, năng lực, phẩm chất, tình cảm của người Việt Nam thông qua những người có mặt tại buổi đối thoại.
Thủ tướng cho biết trải qua nhiều thăng trầm, trên tinh thần gác lại quá khứ, hướng đến tương lai, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đang phát triển tốt đẹp. Thủ tướng mong muốn bằng chính cuộc sống, việc làm, mỗi người Việt Nam tại Hoa Kỳ tiếp tục khẳng định giá trị con người Việt Nam trên đất nước Hoa Kỳ; quảng bá hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa Việt Nam; tiếp tục đóng góp cho gia đình, cho tổ quốc; làm cầu nối, vun đắp cho quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trên nguyên tắc tôn trọng, công bằng, công lý, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển.