Bão số 3 vượt dự báo và khả năng ứng phó
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương điểm lại tình hình bão, mưa lũ; đánh giá công tác dự báo, chỉ đạo, tổ chức phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3; các bài học kinh nghiệm cho công tác phòng, chống thiên tai; các nhiệm vụ, giải pháp ổn định tình hình, hỗ trợ nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông; có cường độ tăng rất nhanh và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài; phạm vi ảnh hưởng rộng, thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài; vùng tâm bão Quảng Ninh, Hải Phòng gió mạnh cấp 13-14, giật cấp 16, 17.
Hoàn lưu bão gây mưa lớn, tại 26 tỉnh, thành phố phía Bắc, phổ biến 250 - 450mm, có nơi trên 550mm, thậm chí 700mm. Mưa lớn khiến lũ lên cao tại tất cả các hệ thống sông, và hầu hết vượt báo động 3, đặc biệt lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái đã vượt đỉnh lũ lịch sử tồn tại 53 năm.
Mưa lớn gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại các tỉnh, thành phố phía Bắc, nhất là tại Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Hòa Bình…, đặc biệt tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai. Nhiều hồ thủy lợi, thủy điện đạt mức lịch sử, đe dọa an toàn của đập, trong đó, hồ Thủy Điện Thác Bà đứng trước tình huống xấu nhất là phải phá đập phụ đảm bảo an toàn công trình…
Nhìn lại công tác chỉ đạo ứng phó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngay sau khi bão đổ bộ, Bộ Chính trị, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã họp, ban hành Kết luận chỉ đạo về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ. Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị, các cuộc họp, ban hành 11 Công điện khẩn; lãnh đạo Chính phủ đã kiểm tra trực tiếp tại các địa phương để chỉ đạo công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3.
Các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng đã phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng trực tiếp ứng phó tại hiện trường. Trong đó, các bộ, ngành ban hành 51 công điện, văn bản; các địa phương ban hành 356 công điện, tổ chức 146 đoàn công tác trực tiếp đến hiện trường; lực lượng quân đội, công an đã huy động gần 300.000 cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ; triển khai trên 180 triệu lượt tin nhắn cung cấp thông tin bão, lũ cho người dân; tổ chức sơ tán, di dời trên 173.000 người đến nơi an toàn; nhân dân đã chủ động, đồng hành, ủng hộ và tin tưởng vào Đảng, Nhà nước để ứng phó và khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, với cường độ mạnh lịch sử, bão số 3 và hoàn lưu của bão đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người, tài sản của nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 27/9, bão số 3 và hoàn lưu gây lũ lụt, sạt lở làm 318 người chết, 26 người mất tích, 1.976 người bị thương. Thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước ước tính trên 81 nghìn tỷ đồng. Trong đó, khoảng 282 nghìn căn nhà, 3.755 trường học, điểm trường bị hư hỏng, tốc mái, bị ngập, vùi lấp; khoảng 285 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, hư hại; 189.982 ha rừng bị thiệt hại; 11.832 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; khoảng 5,6 triệu con gia súc, gia cầm bị chết.
Nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại như: 14 sự cố đường dây 500kV, 40 sự cố đường dây 220kV, 190 sự cố đường dây 110kV; 1.678 sự cố đường dây trung thế; 8.290 tuyến cáp quang bị hư hại; 210 cột ăng ten viễn thông bị gãy đổ; 9.235 trạm BTS bị mất liên lạc; đã xảy ra 796 sự cố đê điều trên 15 tỉnh, thành phố; 820 vị trí trên các tuyến đường quốc lộ bị ách tắc và nhiều tuyến đường nội tỉnh bị sạt lở; tuyến đường sắt phía Bắc bị ách tắc tại đoạn Đoan Thượng - Lào Cai; khoảng 3.517 công trình thủy lợi, cấp nước bị hư hỏng…
Công tác hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão lũ, ổn định đời sống được triển khai chủ động, kịp thời. Các hạ tầng được khắc phục cơ bản. Chính phủ quyết cấp 400 tấn gạo và 350 tỷ đồng cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai. Đặc biệt, với tinh thần đoàn kết, truyền thống tương thân, tương ái, “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”, “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều", tính đến hết ngày 23/9, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ, chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương với tổng số tiền là 1.714 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ; Ban Vận động cứu trợ cấp tỉnh, thành phố của 26 địa phương đã tiếp nhận 1.654,3 tỷ đồng; nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã quyên góp kinh phí, hiện vật để hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão, lũ lụt; nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã cam kết hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả thiên tai.
Các đại biểu đánh giá, mặc dù công tác dự báo thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đúng quy định, sát tình hình, diễn biến; công tác triển khai phòng, chống, ứng phó được tổ chức kịp thời, quyết liệt, hiệu quả… Tuy nhiên, do bão số 3 và mưa lũ hoàn lưu có tính chất cực đoan, bất thường, chưa có tiền lệ, vượt dự báo, trong khi công nghệ dự báo, cảnh báo sớm về tình hình sạt lở chưa đủ sâu rộng; sức chống chịu của cơ sở hạ tầng chưa đủ lớn; có người còn chủ quan hoặc thiếu kỹ năng ứng phó với bão lũ ở mức độ cao… Lãnh đạo các bộ, ngành đề xuất cần đầu tư nâng cao khả năng dự báo; quy hoạch dân cư vùng nguy cơ; tiếp tục tập trung khắc phục hậu quả do bão số 3 và mưa lũ, sạt lở gây ra, sớm ổn định đời sống, sản xuất.
Đặt sức khỏe, tính mạng nhân dân lên trên hết, trước hết
Kết luận Hội nghị, điểm lại tình hình diễn biến, mức độ của bão số 3 và mưa lũ, sạt lở, những thiệt hại nặng nề về người, tài sản; đồng thời nêu kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ, nhất là trong dự báo, cảnh báo; thông tin, tuyên truyền; lãnh đạo, chỉ đạo; tổ chức phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, hạn chế tối đa thiệt hại, nhất là về người, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ những mặt còn hạn chế, yếu kém để cùng rút kinh nghiệm, làm tốt hơn khi xảy ra tình huống thiên tai phức tạp sau này.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ rõ 5 bài học kinh nghiệm trong công tác ứng phó với thiên tai. Trong đó, dự báo, cảnh báo phải kịp thời, chính xác, từ sớm từ xa; công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát thực tiễn, sát sao, quyết liệt, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, tất cả vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân; đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhà nước, nhân dân lên trên hết, trước hết để huy động mọi nguồn lực vào công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ; các bộ, ngành, địa phương phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các chỉ đạo của các cấp để chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; đặc biệt, coi trọng công tác truyền thông, thông tin dự báo, cảnh báo, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả với thiên tai.
Thời gian tới, với tinh thần “không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, bị đói rét, thiếu nước uống, không có chỗ ở; học sinh phải được đến trường; nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân; khẩn trương khôi phục sản xuất, kinh doanh; tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát", Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện và 06 nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3.
Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành liên quan tiếp tục xem xét phân bổ kinh phí hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ bảo đảm đời sống cho người dân, sớm hỗ trợ các hộ dân xây dựng lại nhà cửa bị sập đổ để người dân có chỗ ở, chỗ sinh hoạt, hoàn thành trước 31/12/2024; rà soát lại thiệt hại và tổ chức khắc phục hạ tầng về giao thông, điện, viễn thông, thủy lợi; khẩn trương khôi phục hạ tầng tại các cơ sở giáo dục, y tế, cụ thể là các trạm xá, trường học, hoàn thành trong tháng 10/2024.
Cùng với đó hoàn thiện thể chế về hỗ trợ, khắc phục thiên tai, hoàn thiện trong tháng 10/2024; hoàn thiện các tổ chức, nguồn nhân lực theo Luật Phòng thủ dân sự để chủ động ứng phó với các tình huống; tiếp tục rà soát các chính sách cho các đối tượng bị ảnh hưởng; sơ kết, tổng kết đề xuất khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác phòng, chống, thích ứng, khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời xử lý những cá nhân, tập thể làm không tốt, thậm chí vi phạm…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình, xây dựng quy hoạch, phương án, giải pháp lâu dài nâng cao khả năng ứng phó, phòng, chống thiên tai. Đặc biệt, các bộ, ngành liên quan phối hợp cùng tỉnh Phú Thọ xây dựng dự án, triển khai xây dựng lại cầu Phong Châu xong chậm nhất trong năm 2025, nếu cần cơ chế, chính sách thì báo cáo Chính phủ xem xét.