Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại với các tập đoàn kinh tế Pháp

Tại trụ sở Hội đồng Giới chủ Quốc tế Pháp (MEDEF), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sáng 25/9 (giờ địa phương) đã đối thoại với các tập đoàn kinh tế hàng đầu của Pháp. Đây là lần đầu tiên một sự kiện quy mô lớn giữa hai bên được tổ chức. Sự kiện này hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội và triển vọng to lớn để hai bên cùng nhau phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp. Ảnh: Đức Tám – TTXVN


Phát biểu tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết cùng với cộng đồng các nhà doanh nghiệp, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Pháp đang phát triển mạnh mẽ. Trong 10 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 2,7 lần, đạt hơn 3,5 tỷ USD năm 2012. Đầu tư của Pháp vào Việt Nam đến cuối năm 2012 đạt trên 3 tỷ USD (đứng đầu các nước Liên minh châu Âu - EU) và đang tăng lên nhanh chóng…

Giới thiệu một số nét chính về tiềm năng và chính sách của Việt Nam trong thu hút đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam mong muốn và sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực mà Việt Nam và Pháp có thế mạnh và cũng có nhu cầu nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Pháp; tin tưởng cùng với việc quan hệ hai nước bước lên tầm cao mới, các nhà đầu tư và doanh nghiệp Pháp sẽ tìm thấy nhiều cơ hội làm ăn tại thị trường Việt Nam và trở thành một phần quan trọng trong công cuộc phát triển của Việt Nam. Đồng thời các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam cũng được biết đến nhiều hơn ở thị trường Pháp và thông qua Pháp đến với người tiêu dùng châu Âu và thế giới.

Trả lời câu hỏi của đại diện tập đoàn GDF Suez về chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết trong bối cảnh hiện nay, các nguồn năng lượng truyền thống (thủy điện, than, khí) của Việt Nam đang ngày càng suy giảm trong khi nhu cầu năng lượng vẫn tiếp tục tăng cao. Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách, cơ chế khuyến khích nhằm đảm bảo cung cấp đủ năng lượng phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Một trong những chính sách ưu tiên hiện nay của Việt Nam là đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng như: Tăng cường phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sinh học và điện hạt nhân; ưu tiên nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đảm bảo an ninh cung cấp khí và phục vụ phát triển các nhà máy điện sử dụng loại khí này; khuyến khích đầu tư ra nước ngoài để tìm kiếm nguồn năng lượng sơ cấp (than, khí) để bù đắp lại lượng nhiên liệu sơ cấp thiếu hụt...

Đề cập tới câu hỏi của Tập đoàn Groupe SEB liên quan đến quy hoạch của Chính phủ Việt Nam về phát triển mạng lưới các cơ sở bán lẻ quy mô lớn trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Việt Nam đã có kế hoạch phát triển các cơ sở bán lẻ như siêu thị, trung tâm thương mại cả nước đến 2020 và tầm nhìn đến 2030.

Tính đến cuối năm 2012, ở Việt Nam chỉ có khoảng 700 siêu thị các loại tại 60/63 tỉnh, thành phố và khoảng 120 trung tâm mua sắm tại 40/63 tỉnh. Tính chung cả về số lượng và mật độ các cơ sở bán lẻ hiện đại, nhất là loại hình cơ sở bán lẻ quy mô lớn so với dân số gần 90 triệu của Việt Nam là rất thấp, thậm chí một số địa phương chưa có sự hiện diện của các loại hình cơ sở bán lẻ hiện đại. Đây là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư vào dịch vụ phân phối nói chung cũng như bán lẻ hiện đại nói riêng ở Việt Nam...

Liên quan đến câu hỏi của Tập đoàn Systra về những dự án nào là dự án mới trong hạ tầng giao thông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Chính phủ Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, tư vấn như Systra tham gia tích cực vào các dự án hạ tầng giao thông bằng nguồn vốn Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA) và tín dụng ưu đãi của các tổ chức quốc tế như: Dự án đường bộ cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, Dầu Giây – Phan Thiết...

Ngoài ra, một số công trình đang trong quá trình lựa chọn tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát như đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (bằng nguồn vốn tài trợ hỗn hợp của Ngân hàng Thế giới -WB và Cơ quan Hợp tác Quốc tế của Nhật Bản - JICA), dự án đường bộ Bến Lức – Long Thành (bằng nguồn tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB), các dự án đường sắt nội đô của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh...

Tại buổi đối thoại Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã trả lời câu hỏi về những vấn đề cụ thể mà các tập đoàn Pháp đang quan tâm.


TTXVN/Tin tức
Lễ đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Pháp
Lễ đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Pháp

Chiều 24/9 (theo giờ Việt Nam), Lễ đón chính thức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được tổ chức trọng thể tại Điện Invalides ở thủ đô Paris.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN