Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư không được phép chủ quan, thỏa mãn, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, yếu kém cần phải khắc phục.
"Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tập trung khắc phục những yếu kém tồn tại cũng như phát huy kết quả đạt được để tham gia vào một Chính phủ kiến tạo, vì dân. Đồng thời, tập trung cải cách hơn nữa, hoàn thiện thể chế và tuyệt đối xóa bỏ tâm lý xin-cho trong thực thi nhiệm vụ... để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh", Thủ tướng đề nghị.
Cùng đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tập trung, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong công tác tham mưu các chính sách nhằm đổi mới, cải cách phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững; tích cực tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới cho đất nước, khơi thông được nguồn lực cho đầu tư phát triển quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần khẩn trương hoàn thành các dự án luật được giao và triển khai các luật đã được thông qua, nhất là Luật Đầu tư công sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật PPP; hoàn thiện cơ chế, công khai cơ chế để sử dụng hiệu quả nguồn lực, nhất là chất lượng hiệu quả đầu tư công.
“Đối với công tác quản lý, giải ngân vốn đầu tư công hiện nay đã có tiến bộ nhiều so với những năm trước nhưng vẫn còn chậm, cả giải ngân ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Do vậy, Bộ cần tổ chức nghiên cứu, tham mưu các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tìm hiểu nguyên nhân khách quan, chủ quan của tình trạng trên”, Thủ tướng nêu rõ.
Cách đây gần 3 năm, ngay đầu nhiệm kỳ của Chính phủ, ngày 21/4/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đây cũng là cơ quan đầu tiên của Chính phủ được Thủ tướng đến làm việc trong nhiệm kỳ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau 3 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, không chỉ cơ quan Bộ, mà toàn ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê đã có nhiều chuyển biến rất tích cực. Đặc biệt, Bộ đã mạnh dạn đề xuất gỡ bỏ những quy định ràng buộc dễ dẫn tới xin - cho, lợi ích nhóm, phù hợp với nguyên tắc thị trường như bãi bỏ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án BOT, BT, bãi bỏ quy hoạch sân golf...
Nhờ đó, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện đáng kể, tinh thần khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia góp phần quan trọng trong thành tựu thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và đăng ký thành lập mới doanh nghiệp thời gian qua.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong năm “bứt phá” 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung phát triển bứt phá về lực lượng sản xuất, trọng tâm là phát triển mạnh khu vực tư nhân, nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn lực gắn liền với đổi mới, sáng tạo, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng.
Đồng thời, gia tăng tốc độ bứt phá của tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Cùng đó, nhanh chóng hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo.
Từ đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bứt phá của các cực tăng trưởng, các địa phương đầu tàu của cả nước, trọng tâm là hai thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; 4 vùng kinh tế trọng điểm; phát triển nhanh các ngành mũi nhọn trên nền tảng công nghệ 4.0 gắn kết với thị trường quốc tế…