Lấp khoảng trống pháp lý, kẽ hở để tránh sách nhiễu, tiêu cực
Thông tin về kết quả sau gần ba năm hoạt động, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, cho biết, Tổ công tác đã tiến hành 61 cuộc kiểm tra tại 20/22 bộ ngành, một cơ quan thuộc Chính phủ, 13 địa phương, 10 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Trong đó có 27 cuộc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ giao và 34 cuộc kiểm tra chuyên đề.
Tổ công tác đã hoạt động tích cực, hiệu quả, góp phần tạo ra những thay đổi quan trọng trong việc triển khai, thực hiện nhiện vụ Chính phủ, Thủ tướng giao và trong công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính. Đến nay, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã được khắc phục về cơ bản và có chuyển biến tích cực. Năm 2017 đã có 51/60 văn bản quy định chi tiết ban hành đạt 85%; năm 2018 có 118/122 văn bản quy định chi tiết được ban hành, đạt 96,72%. Qua kiểm tra Tổ công tác đã phát hiện nhiều bất cập, vướng mắc, chồng chéo trong các quy định pháp luật hiện hành và đã tham mưu, kiến nghị cho Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, sửa đổi.
Tổ công tác đã quán triệt yêu cầu, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế là phải từ bỏ tư tưởng “cài cắm người”, “tham nhũng chính sách”, rà soát, cắt bỏ tất cả những rào cản, giấy phép con gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, không phù hợp với Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo, hướng tới người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, Tổ công tác cũng kịp thời phát hiện những rào cản liên quan đến thể chế, chính sách dễ tạo kẽ hở để cán bộ thực thi công vụ sách nhiễu, tiêu cực; những khoảng trống, lỗ hổng pháp lý cần khẩn trương được khắc phục để đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước. Tổ công tác đã phát hiện nhiều vấn đề thực tiễn đang đòi hỏi phải được đổi mới nhưng bị ràng buộc, hạn chế bởi các chế định pháp lý hiện hành, những vấn đề trì trệ trong cải cách hành chính, những bất cập, yếu kém trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được kịp thời khắc phục, chấn chỉnh.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, qua 19 cuộc kiểm tra chuyên đề về kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh, Tổ công tác đã nêu rất cụ thể, khách quan, thẳng thắn những bất cập, chồng chéo trong các quy định thuộc trách nhiệm các bộ, ngành cũng như sự trì trệ, lúng túng của các đơn vị thực thi. Từ đó, Tổ công tác đã thúc đẩy các bộ, ngành thay đổi, không bao biện, né tránh, tạo hiệu ứng tích cực, tạo chuyển biến căn bản cả về chất và lượng, để lại dấu ấn mạnh mẽ đối với người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đến nay, các bộ đã trình ban hành và ban hành được 49 văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh; cắt giảm 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 3.345/6.191 điều kiện kinh doanh đã được đơn giản, cắt giảm. Từ đó giúp tiết kiệm gần 17,5 triệu ngày công/năm, tương đương gần 6.600 tỷ đồng.
Nhiều vấn đề tồn tại, bất cập chậm được xử lý, giải quyết có liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của bộ, ngành, địa phương làm dư luận quan tâm, bức xúc đã được Tổ công tác thẳng thắn chỉ ra tại các cuộc kiểm tra và đã được các đơn vị khắc phục, chấn chỉnh kịp thời… Hoạt động của Tổ công tác đã có tác động lan tỏa mạnh mẽ đến việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác chỉ đạo, điều hành của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Mối quan hệ hợp tác giữa Văn phòng Chính phủ với các bộ, cơ quan, địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn… Tình trạng đùn đẩy, đổ trách nhiệm cho nhau đã được khắc phục.
Mối quan hệ giữa Văn phòng Chính phủ với các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước ngày càng tích cực, cởi mở và thiết thực. Các phản ánh, kiến nghị, bức xúc của người dân, hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp được tiếp nhận đầy đủ và đề xuất giải pháp tháo gỡ kịp thời. Trong hai năm 2017-2018, có trên 14.900 phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp được tiếp nhận, trong đó 2.464 phản ánh, kiến nghị được chuyển đến các bộ, ngành, địa phương và đã trả lời, đăng tải công khai được 2.024 phản ánh, kiến nghị.
Từ con số phản ánh, kiến nghị trên, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan cho rằng những vướng mắc, bất cập của người dân còn nhiều. Do vậy, năm 2019 Tổ công tác cần tiếp tục tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, kịp thời có những biện pháp xử lý đối với những cản trở, sách nhiễu trong thực hiện công vụ hay, như Thủ tướng nói là “tham nhũng vặt”. Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin để hoàn thiện công cụ kiểm tra là hết sức cần thiết. Ông cũng mong muốn cuối năm 2019 Tổ công tác bên cạnh công bố kết quả hoạt động thì cũng xếp hạng được mức độ hoàn thành nhiệm vụ được Thủ tướng, Chính phủ giao cho các bộ, địa phương.
Chống trì trệ
Ghi nhận những kết quả hoạt động của Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sau ba năm thành lập, Tổ công tác đã phát hiện nhiều khó khăn, vướng mắc do cơ chế chính sách. Điển hình là Tổ công tác đã đưa ra mục tiêu cắt giảm 50% danh mục điều kiện kinh doanh nhằm tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh. Việc này cũng tránh sinh ra thủ tục, sinh ra cơ chế xin- cho hay sự rườm rà, tạo điều kiện cho tham nhũng. Nhiều vấn đề bức xúc trong chỉ đạo, điều hành của bộ, ngành, Chính phủ cũng đã được tập trung tháo gỡ. “Các đồng chí đã tạo áp lực cho các bộ, các cơ quan hành chính trong bộ máy chính trị để cải cách, đổi mới, chống trì trệ trong các cơ quan nhà nước… Tôi đánh giá đây là điều thành công”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng Tổ công tác tuy không phải cơ quan hành chính nhưng nhận được niềm tin của xã hội, tạo được dấu ấn, chống lại sự trì trệ, đưa chủ trương của Đảng, Chính phủ, nhà nước vào cuộc sống. Thủ tướng Chính phủ cũng ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được, tinh thần làm việc quyết liệt, chủ động, không né tránh, không ngại va chạm của Tổ công tác, đặc biệt là cá nhân Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu lên những tồn tại, hạn chế mà Tổ công tác cần khắc phục để làm tốt hơn nữa. Đó là còn tình trạng nể nang trong thực thi nhiệm vụ. Có bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra chưa hoàn thành nhiệm vụ theo đúng thời gian, vẫn báo cáo xin lùi thời gian, nhiều đề án lùi từ tháng này sang tháng khác.
“Đây là vấn đề kỷ cương, kỷ luật công vụ, cần kiên quyết khắc phục. Chúng ta đã triển khai vấn đề tốt, nhưng vẫn có trường hợp còn nể nang. Cần mạnh tay hơn, thẳng thắn hơn với Bí thư, Chủ tịch (tỉnh, thành phố), Bộ trưởng, Thứ trưởng các bộ trong vấn đề thực thi triển khai nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Mất lòng trước thì được lòng sau, ông bà ta vẫn nói như vậy. Cần mạnh dạn hơn nữa, không được né tránh”, Thủ tướng quán triệt.
Thủ tướng đề nghị Tổ công tác phải vào cuộc mạnh mẽ hơn trong nhiệm vụ được giao và lưu ý, Tổ công tác không làm thay cơ quan quản lý nhà nước, bộ, ngành mà phải tập trung tháo gỡ vướng mắc trong thể chế, chính sách, không để địa phương phải “đi lên, đi xuống” mất thời gian. Phải chống trì trệ ngay từ các vụ trong Văn phòng Chính phủ. Cần xác định được nhiệm vụ trọng tâm của Tổ công tác. Đừng để tình trạng bộ, địa phương cho rằng một số bộ, cơ quan trên Chính phủ trì trệ. Tinh thần là phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn để tạo sự chủ động cho bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng nêu rõ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị cần tăng cường kiểm tra công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, sớm chấm dứt tình trạng chậm các dự án luật, tránh tình trạng như Quốc hội nói là “bắc nước chờ gạo”; tiếp tục đổi mới phương thức làm việc để cán bộ, công chức trong toàn hệ thống hành chính phải chuyển động thực sự, từ lực đẩy của mình để giảm lực kéo của Thủ tướng.