Đây được xem là diễn đàn có quy mô lớn về phát triển ĐBSCL, tập trung bàn về những việc đã làm được, chưa làm được và những khó khăn, vướng mắc; xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới để phát triển bền vững ĐBSCL.
ĐBSCL đóng góp 18% cho GDP quốc gia
Theo ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, qua hai năm triển khai, nghị quyết 120/CP của Chính phủ đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách cho các tỉnh ĐBSCL. Đặc biệt, đã đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng như: hệ thống cơ chế, chính sách bước đầu được hoàn thiện, tập trung thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững; phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, ổn định dân cư; gắn kết các quy hoạch phát triển. Thúc đẩy kết nối kinh tế, kết nối hạ tầng giao thông giữa các tỉnh và với TP Hồ Chí Minh…
“Hiện nay, vùng ĐBSCL chiếm 20% dân số cả nước, đóng góp 18% cho GDP quốc gia nhưng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trong năm 2018 tăng trưởng GDP của vùng ĐBSCL đã đạt mức ấn tượng, mức tăng trưởng 7,8% cao nhất trong 4 năm trở lại đây, cao hơn bình quân chung cả nước. Kim ngạch xuất khẩu toàn vùng lần đầu tiên đạt 15,7 tỷ USD. Du lịch tiếp tục phát triển, năm 2018, đã đón hơn 40 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế… Đây là những con số ấn tượng để nói lên nỗ lực phát triển kinh tế xã hội của vùng ĐBSCL trong những năm qua”, ông Trần Hồng Hà cho biết thêm.
Tuy nhiên, dưới góc độ thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng cơ sở, hạ tầng giao thông ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư cho biết, hai năm qua ngân sách trung ương đã có sự quan tâm nhiều hơn cho ĐBSCL nhưng vẫn chưa đủ. Cụ thể, hạ tầng giao thông ĐBSCL hiện vẫn chưa phát triển đúng tầm, dẫn chứng là cả vùng vẫn chưa có một cảng nước sâu, chưa có đường sắt; đường thủy được đầu tư phát triển dày đặc nhưng lại nhỏ lẻ, manh mún không phục vụ được nhu cầu phát triển; đường bộ được khai thác chính và chủ yếu nhưng phát triển không đồng bộ, các dự án lớn vẫn chậm tiến độ. Đây là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển nhanh, bền vững của cả vùng ĐBSCL hiện nay.
Không chỉ hạ tầng giao thông còn hạn chế, Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng cho biết, ĐBSCL có thế mạnh phát triển ngành nông nghiệp chất lượng cao tuy nhiên chúng ta đang làm quá chậm, các sản phẩm nông nghiệp vẫn chưa khẳng định được chất lượng. Do đó, ngành nông nghiệp ĐBSCL cần quyết liệt hơn để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả, chuyển sang các loại cây trồng và sản phẩm nông nghiệp giá trị cao. Để làm được điều này cần có sự thay đổi trong cơ cấu sử dụng đất, tổ chức sản xuất và hiệu quả chuỗi giá trị, tổ chức đầu ra cho sản phẩm… nông nghiệp của vùng ĐBSCL.
Tăng thêm 45.000 tỷ đồng cho ĐBSCL
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư cho biết, để ĐBSCL phát triển hơn nữa Bộ đang nghiên cứu đề nghị tăng thêm 45.000 tỉ đồng nữa trong 5 năm tới cho ĐBSCL. Con số này tương ứng khoảng 2 tỉ USD, trong đó 1 tỉ USD chi từ ngân sách và 1 tỉ USD từ nguồn huy động khác. Ngoài ra, Bộ cũng đã nghiên cứu kiến nghị Trung ương cho ĐBSCL có cơ chế riêng để sử dụng nguồn vốn này vào việc giải quyết các dự án cấp bách như các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm cho vùng. Chỉ khi ĐBSCL có đột phá về hạ tầng giao thông thì mới có thể “cất cánh” như mong muốn.
Chia sẻ về chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp tại ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, tái cơ cấu ngành, sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL thời gian tới sẽ ưu tiên đột phá trong phát triển chế biến và thương mại hoá chuỗi giá trị nông nghiệp. Ngoài ra, tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo các vùng và các lĩnh vực, ngành hàng chiến lược, chủ lực của vùng ĐBSCL theo hướng thị trường, hiện đại, bền vững, phát huy lợi thế so sánh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn các bộ ngành, chuyên gia, nhà khoa học đã có những ý kiến đóp góp cho việc phát triển ĐBSCL bền vững. Sau hội nghị này, Chính phủ sẽ ghi nhận các ý kiến kiến nghị của Bộ, ngành, đơn vị, nhà khoa học để triển khai những việc cần làm ngay để tạo điều kiện tốt nhất cho ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững.
Liên quan đến vấn đề cấp vốn để tạo động lực cho ĐBSCL phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sắp tới ĐBSCL sẽ có cơ chế mở để phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, tái cơ cấu ngành nông nghiệp… Theo đó, Chính phủ sẽ nghiên cứu và có cơ chế mở để thu hút ngồn vốn cho ĐBSCL thực hiện các mục tiêu trên. Chính phủ sẽ chi thêm khoảng 2 tỷ USD cho các dự án phát triển ĐBSCL bền vững. Ngoài ra, Chính phủ cũng kêu gọi các nguồn vốn ODA, nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư, phát triển ĐBSCL. Nguồn vốn này sẽ ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, các công trình thích ứng với biến đổi khí hậu, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao nâng lực của doanh nghiệp…
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu TP Hồ Chí Minh cần giữ vai trò “nhạc trưởng” để điều phối phát triển vùng liên kết với ĐBSCL. Bởi TP Hồ Chí Minh đang đi tiên phong trong việc thích ứng với biển đổi khí hậu và có nguồn lực mạnh mẽ về kinh tế để phát triển hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh ĐBSCL. TP Hồ Chí Minh cần ủng hộ, hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL cả về nguồn lực, kinh nghiệm thu hút đầu tư, nguồn vốn để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế toàn vùng, thực hiện các chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu, tái cơ cấu ngành nông nghiệp….
“Các tỉnh ĐBSCL cũng cần ứng dụng khoa học công nghệ vào việc thích ứng với biến đổi khí hậu, ngăn chặn xâm nhập mặn… Cụ thể có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ để có những cảnh báo, nghiên cứu chính xác về biến đổi khí hậu và hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra mà có cách tận dụng công nghệ để phòng tránh, đối phó. Người dân các tỉnh ĐBSCL cần hưởng ứng bằng cách tham gia cùng doanh nghiệp, cộng đồng vào việc thực hiện các chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu, tái cơ cấu ngành nông nông nghiệp. Chúng ta hãy “tự biết cứu mình trước khi chờ người cứu”. Các địa phương cũng cần nghiên cứu chương trình sử dụng tài nguyên đất đai, tài nguyên nước hợp lý, nghiên cứu giảm diện tích đất trồng lúa, tăng sản lượng lúa trên diện tích đất ít để gia tăng chất lượng sản phẩm nông nghiệp…” Thủ tướng chỉ đạo.