Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với các cơ quan phía Na Uy tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp đem lại nhiều hiệu quả quan trọng lần này, qua đó thúc đẩy xúc tiến thương mại hai nước.
Thủ tướng đánh giá quan hệ chính trị Việt Nam và Na Uy trong thời gian qua đang tiến triển tốt, song hợp tác về kinh tế giữa hai nước chưa thực sự đạt hiệu quả cao, do đó hai nước đang hướng tới thiết lập quan hệ đối tác như Tuyên bố chung từ chuyến thăm chính thức Việt Nam năm 2018 của Thủ tướng Na Uy.
Thông tin đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư Na Uy về tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Kim ngạch thương mại của Việt Nam đạt mức 500 tỷ USD, xuất siêu trên 7 tỷ USD, lạm phát mức thấp dưới 4%, kinh tế vĩ mô ổn định, đời sống người dân được cải thiện. Thu nhập và sức mua của người dân Việt Nam tăng hằng năm, thu nhập bình quân đầu người gần 8.000 USD/năm.
Năm 2018, Việt Nam đón gần 16 triệu khách quốc tế. Việt Nam có nhiều tiềm năng thế mạnh về môi trường chính trị, xã hội ổn định, văn hóa, du lịch, thời tiết khí hậu, con người Việt Nam thân thiện, an ninh trật tự được đảm bảo. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia đang ở trong thời kỳ dân số vàng, trên 60% người dân trong độ tuổi lao động, cần cù, chịu khó. Thủ tướng so sánh trong khi diện tích lãnh thổ của Na Uy và Việt Nam gần tương đương, song dân số Việt Nam cao gấp gần 20 lần so với Na Uy. Đáng chú ý, đến nay Việt Nam đã tham gia 11 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và đang khẩn trương phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) để ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) trong năm 2019.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, các doanh nghiệp Na Uy đến thị trường Việt Nam là có thể tiếp cận nhiều thị trường lớn trong khu vực và nhất là khu vực ASEAN.
Đề cập kết quả hợp tác thương mại hai nước, Thủ tướng cho rằng tuy hợp tác thương mại giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực đã có sự tiến bộ, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 350 triệu USD năm 2018. Nhấn mạnh đến những tiềm năng hợp tác giữa hai nước, Thủ tướng cũng đề cập những lĩnh vực như dầu khí, năng lượng tái tạo, bờ biển dài, công nghiệp, thủy sản. Đây là những điểm chung về hợp tác để các doanh nghiệp Na Uy tăng cường thúc đẩy hợp tác kinh tế biển với Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, hiện nay Việt Nam đang tập trung duy trì đà tăng trưởng cao từ 6,5 đến 7% trong những năm tới để tiếp tục nâng cao quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam, hiện đang còn thấp hơn rất nhiều so với Na Uy. Ngoài ra, Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới thể chế pháp luật, cơ cấu lại nền kinh tế, phát huy tiềm lực khu vực kinh tế tư nhân và tiếp tục mở cửa hội nhập quốc tế theo xu hướng thương mại tự do. Việt Nam tập trung thu hút nguồn lực nhanh nhưng bền vững, ưu tiên các lĩnh vực kinh tế xanh, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, kinh tế biển xanh, cách mạng công nghiệp 4.0… và rất mong các nhà đầu tư Na Uy quan tâm đến với Việt Nam.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng khẳng định, sự hợp tác của doanh nghiệp hai nước là chủ thể của hợp tác song phương và là cơ hội kết nối hợp tác, mở ra các dự án thành công trong tương lai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Một đất nước thanh bình, ổn định, hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế đang chào đón các bạn Na Uy”, đồng thời bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Na Uy tìm cơ hội thúc đẩy hợp tác để hai cùng có lợi. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, điều này sẽ sẽ đóng góp quan trọng vào việc vun đắp quan hệ hợp tác Việt Nam – Na Uy. Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ Việt Nam đồng hành cùng các bạn”.
Trong phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Công Thương Na Uy Torbjorn Roe Isaksen đánh giá cao “cơ hội này để các CEO Na Uy và Việt Nam trao đổi các cơ hội kinh doanh; tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh tại mỗi nước". Ông Isaksen nhấn mạnh Việt Nam đang “là 1 điểm sáng trong phát triển kinh tế” và Na Uy mong muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên tầm quan hệ đối tác kinh tế, thương mại, qua đó đem lại lợi ích cho cả hai bên, người dân và doanh nghiệp Việt Nam – Na Uy.
Bộ trưởng Isaksen phân tích những điểm chung đặc thù nền kinh tế Na Uy và Việt Nam như: Cùng có bờ biển dài, hội nhập sâu rộng và kinh tế thế giới, hai nước có cơ sở để cùng nhau hợp tác ứng phó với các thách thức về biến đổi khí hậu; thúc đẩy hợp tác nhằm thiết lập cơ chế cân bằng trong điều kiện tăng trưởng khu vực các quốc gia phương tây đang có xu hướng chậm lại. Cùng với đó, việc hai nước trao đổi, học hỏi lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực và thế giới,
Theo Bộ trưởng Isaksen, nền kinh tế Việt Nam hiện có độ mở rất lớn, có nhiều tiềm năng hợp tác lâu dài giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Ông Isaksen cho biết hiện Na Uy cũng đang thực hiện lộ trình thúc đẩy cải tổ khu vực công, tăng cường phúc lợi cho người dân, nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách quốc gia. Bộ trưởng Isaksen khẳng định, sợi dây kết nối hợp tác kinh tế Việt Nam – Na Uy đang ngày càng được cải thiện thông qua hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Na Uy tại Việt Nam. Ông bày tỏ mong muốn ngày càng có nhiều doanh nghiệp Na Uy đến đầu tư tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ các hoạt động của doanh nghiệp và tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Na Uy, đã có 3 thỏa thuận hợp tác được kí kết trong lĩnh vực năng lượng, logistic, điện lực. Riêng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đã ký Thỏa thuận hợp tác với Cơ quan thương mại và đầu tư Na Uy nhằm xây dựng các dự án, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hai bên trong quá trình kinh doanh đầu tư, đồng thời cam kết sẽ cùng nhau vận động và thúc đẩy tiến trình phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Những hoạt động này cho thấy quan hệ hợp tác thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Na Uy đang ngày một phát triển tích cực và hứa hẹn đạt được những kết quả to lớn hơn trong tương lai.