Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN. |
Luôn có mong muốn được thăm hỏi những thế hệ đi trước, Thủ tướng bày tỏ sự trân trọng đối với các thành tích, đóng góp của các đồng chí cán bộ hưu trí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đặc biệt là đóng góp xây dựng Chính phủ, xây dựng Văn phòng Chính phủ.
Thủ tướng nhìn nhận, thời gian qua, Văn phòng Chính phủ đã làm tốt nhiệm vụ được giao, làm tốt công tác tham mưu tổng hợp, giúp việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày càng có chất lượng, hiệu quả hơn, thông qua Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Tổ trưởng.
Thủ tướng cho biết, sắp tới đây, sẽ thành lập tổ công tác nữa do Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Tổ trưởng để tiếp tục giữ kỷ cương hành chính tốt hơn, nhất là những việc liên quan đến người dân, chấn chỉnh tình trạng đi muộn về sớm, làm việc chểnh mảng.
Cùng với các cơ quan khác, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều nghị quyết để giải phóng sức sản xuất và năm 2017 vừa qua, đã cắt giảm hơn 5.000 thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nhóm đầu ASEAN và một số tiêu chuẩn hướng tới OECD. Ngay đầu năm nay, Thủ tướng đã ký ban hành nghị định cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Văn phòng Chính phủ cũng đã áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Nội bộ Văn phòng Chính phủ đoàn kết, thống nhất, đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực; củng cố cơ sở vật chất.
Thủ tướng cho rằng, còn nhiều việc để xây dựng một Chính phủ điện tử, gần dân, phục vụ nhân dân tốt hơn. Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, giúp việc Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ phải làm tốt hơn nữa công việc này, khắc phục những tồn tại, yếu kém, bất cập, nâng cao trách nhiệm của cán bộ công chức trong xử lý công việc, phục vụ nhân dân.
Thông tin thêm đến các đồng chí nguyên lãnh đạo Chính phủ, Văn phòng Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội đất nước, Thủ tướng cho biết, thời gian qua, đất nước ta đạt nhiều kết quả đáng mừng. Dự trữ ngoại hối hiện đạt gần 56 tỷ USD. Đồng tiền Việt Nam thuộc nhóm ổn định nhất khu vực châu Á. Kinh tế vĩ mô được giữ vững. Đời sống nhân dân được cải thiện, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai. Năm qua, thu hút đầu tư nước ngoài trên 36 tỷ USD và giải ngân gần 20 tỷ USD với nhiều công nghệ tiên tiến. Khoảng 127.000 doanh nghiệp thành lập mới. Quy mô nền kinh tế đạt trên 5,1 triệu tỷ đồng; nợ công giảm từ 64,8% năm 2016 còn 61% năm 2017, tạo dư địa để tiếp tục tìm chính sách mới, nguồn lực mới xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của đất nước.
Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận, bối cảnh phát triển của đất nước và đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thử thách. Khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam đối với thế giới còn nhiều bất cập, nhiều vấn đề đặt ra. Thủ tướng cho biết, năm 2018, Chính phủ đã đưa ra phương châm “10 chữ” trong điều hành với 242 nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, từng ngành. Kịch bản tăng trưởng được xây dựng cụ thể để làm rõ trách nhiệm cá nhân của từng cấp, từng ngành.
Nhân dịp này, Thủ tướng mong muốn các đồng chí cán bộ hưu trí với trí tuệ, tâm huyết, tiếp tục đóng góp xây dựng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ ngày càng xứng đáng hơn với vị trí, vai trò cơ quan tham mưu tổng hợp, giúp việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xứng đáng với nhiệm vụ nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hướng tới phương châm “10 chữ” của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ chọn chủ đề năm 2018 với “8 chữ” là kỷ cương, chất lượng, chuyên nghiệp, hiện đại. Theo đó, Văn phòng Chính phủ tiếp tục đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, tập trung nâng cao chất lượng toàn diện các mặt công tác, nâng cao tính chuyên nghiệp trong tham mưu, phục vụ. Đặc biệt, năm 2018 sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử, Văn phòng Chính phủ điện tử, đổi mới phương thức quản lý điều hành theo hướng hiện đại, hiệu quả, tăng cường công khai, minh bạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.