Lấy lại đà tăng trưởng
Còn nhớ năm 2016 ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển, thiên tai, lũ lụt đã làm gián đoạn đà bứt phá mạnh mẽ của Hà Tĩnh với việc kéo giảm GRDP gần 17%, thu ngân sách không hoàn thành chỉ tiêu đặt ra, ngành thủy sản và dịch vụ, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp. Tình hình khó khăn này cũng đã trở thành luồng “hoàn lưu” tác động mạnh đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong năm 2017. Song, với những nỗ lực toàn diện của chính quyền và nhân dân trong tỉnh, Hà Tĩnh đã từng bước phục hồi và tăng trưởng. Kinh tế của địa phương vốn được coi là giàu tiềm năng nhất khu vực Bắc miền Trung này đã lấy lại được đà tăng trưởng mạnh mẽ.
6 tháng đầu năm 2018, kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng cao, đạt gần 33%; trong đó, ở vị trí dẫn dắt là khu vực công nghiệp - xây dựng tăng gần 96% và vươn lên chiếm hơn 44% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tổng thu ngân sách đạt gần 6000 tỷ đồng, tương đương gần 70% dự toán. Nông nghiệp được mùa toàn diện. Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao; chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 170,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Từ thực tiễn trong triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các xã sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vẫn chưa thực sự bền vững, còn thiếu chiều sâu, nhất là trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh trật tự, Hà Tĩnh đã mạnh dạn nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu và đạt được những kết quả ban đầu khả quan. Đến nay, tỉnh đã đưa mô hình này thành tiêu chí số 20 trong xây dựng nông thôn mới. Dự kiến đến hết năm 2018, Hà Tĩnh sẽ có 2 thôn đạt tiêu chí Khu dân cư mới kiểu mẫu, vườn mẫu. Tổng số vườn mẫu hiện nay của tỉnh là 9.202 vườn. Thu nhập bình quân người dân khu vực nông thôn năm 2017 đạt 28 triệu đồng.
Công tác xây dựng Đảng, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế cũng là một nội dung được triển khai tốt tại Hà Tĩnh. Trong giai đoạn 2011 – 2017, Hà Tĩnh đã sáp nhập, tinh gọn các cơ quan, đơn vị, giảm 24 đơn vị; giải thể, sáp nhập 167 đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện Nghị quyết 39 của Trung ương, tổng biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước của tỉnh đã giảm 2.092 người; giảm 24.000 cán bộ không chuyên trách và người làm việc ở thôn, tổ dân phố; giảm tổng chi thường xuyên trên 370 tỷ đồng. Từ nay đến trước thời điểm Đại hội Đảng cấp cơ sở nhiệm kỳ 20220 - 2025, Hà Tĩnh đang chỉ đạo triển khai thực hiện sắp xếp, sáp nhập 58/262 xã, phường, thị trấn chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn.
Nhận xét về nhiệm vụ này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho rằng, kết quả công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế của Hà Tĩnh đạt kết quả tốt. Bộ máy sau sắp xếp hoạt động ổn định, giảm gánh nặng ngân sách và góp phần cải cách tiền lương. Hà Tĩnh cũng là một trong số ít tỉnh sắp xếp lại tổ dân phố. Điều này thể hiện sự quyết liệt, dám làm, dám đi tiên phong trong lĩnh vực rất khó này. Hà Tĩnh cũng nằm trong top 10 tỉnh của cả nước về chất lượng điều hành, phục vụ người dân.
Sự hồi sinh đã về trên mảnh đất Hà Tĩnh
Đánh giá kết quả phát triển của Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hà Tĩnh đang ở vị thế mới trong bản đồ phát triển Việt Nam, đặc biệt là sự phục hồi mạnh mẽ sau sự cố môi trường biển 2016. “Sự hồi sinh đã về trên mảnh đất Hà Tĩnh”, Thủ tướng nói.
Cho rằng Hà Tĩnh đã phát triển toàn diện cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn, nhất là với việc triển khai xây dựng mô hình khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu. Bên cạnh đó, tỉnh còn bước đầu đạt kết quả tốt trong việc sắp xếp lại bộ máy theo Nghị quyết của Trung ương từ thôn đến tỉnh, tạo sự thống nhất cao trong chính quyền và nhân dân.
Cho rằng, với quy mô nền kinh tế Hà Tĩnh chiếm 1,1% kinh tế cả nước, Thủ tướng đánh giá đã đến lúc Hà Tĩnh tự tin là 1 cực tăng trưởng, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của nền kinh tế cả nước. Tăng trưởng các ngành và lĩnh vực đều vượt trội so với trước và các địa phương khác. Mặc dù công nghiệp phát triển mạnh nhưng tỉnh vẫn coi trọng lĩnh vực nông, lâm thủy sản theo phương châm “phi nông bất ổn, phi thương bất phú” như câu nói của nhà bác học Lê Quý Đôn. Đây là quan điểm phát triển phù hợp với Hà Tĩnh, với đặc thù một địa phương có tỷ lệ nông thôn, miền núi rất cao.
Thủ tướng tin tưởng Hà Tĩnh sẽ hoàn thành vượt mức ngân sách do Trung ương giao trong năm 2018. Trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước lâm vào tình trạng chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, vốn ngân sách Nhà nước thì Hà Tĩnh hoàn thành tốt các hạng mục chi ngân sách đạt 21,43% dự toán. Điều này thể hiện tính năng động, tinh thần dám nghĩ, dám làm của địa phương, Thủ tướng nói.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Hà Tĩnh phấn đấu sớm tự chủ ngân sách. Đây sẽ là một kết quả rất ấn tượng của một địa phương có điều kiện hết sức khó khăn “mưa thối đất, nắng nóng như đổ lửa” như Hà Tĩnh.
Nhìn nhận kết quả công tác sắp xếp bộ máy từ thôn đến tỉnh tại Hà Tĩnh, Thủ tướng cho rằng “đây là cố gắng lớn và là mô hình cách nghĩ, cách làm rất đáng hoan nghênh”.
Nêu ra một số gợi ý để Hà Tĩnh đạt kết quả phát triển vượt bậc trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh đến 3 trụ cột: Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và lưu ý Hà Tĩnh cần giảm nghèo nhanh hơn để phát triển bền vững, tránh tái nghèo, thực hiện tốt chính sách cung cấp phúc lợi xã hội, tái sản xuất hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận giáo dục để làm chủ tương lai.
Thủ tướng gợi ý Hà Tĩnh cần tăng nhanh tốc độ đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động tương xứng với xu hướng chuyển dịch cơ cấu lực lượng sản xuất và nền kinh tế. Công nghiệp hóa cần đi liền với đô thị hóa là xu hướng tất yếu, nhất là với các đô thị ven biển.
Căn dặn Hà Tĩnh một mặt cần tạo điều kiện cho Formosa trong phát triển sản xuất nhưng Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý tỉnh cần giám sát chặt chẽ, kiên quyết về bảo vệ môi trường và phát triển công nghiệp sau sản xuất. Thủ tướng cũng lưu ý các cấp, các ngành và tỉnh Hà Tĩnh đặc biệt chú ý đến việc xử lý tro xỉ trong quá trình sản xuất thép tại Formosa Hà Tĩnh.
Nhấn mạnh đến vấn đề quy hoạch để phục vụ phát triển, Thủ tướng đề nghị Hà Tĩnh chú trọng hơn nữa đến công tác này trong bối cảnh tỉnh đang phát triển nhanh và nóng. Cùng với đó, tỉnh cũng cần chú trọng đến nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội; làm tốt công tác tư tưởng, an dân, không để xảy ra điểm nóng; kiên quyết bảo vệ an ninh quốc gia, nhất là an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn.
* Sau buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ ký kết Khung hợp tác Chiến lược giữa tỉnh Hà Tĩnh và Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2018 - 2022. Cùng dự lễ ký có ngài Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Trong những năm qua, Ngân hàng Thế giới luôn là tổ chức quốc tế có vai trò quan trọng trong tài trợ, hỗ trợ và phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh trong quá trình phát triển. Đến nay, Ngân hàng Thế giới đã và đang cho vay, tài trợ, hỗ trợ Hà Tĩnh nhiều dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường, chất lượng nguồn nhân lực, cải cách thể chế, giáo dục đào tạo..., với tổng số vốn trên 5.718 tỷ đồng.
Các chương trình, dự án này đã đóng góp tích cực và hiệu quả vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân, xử lý ô nhiễm môi trường, nâng cao năng lực quản lý..., góp phần rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh.
Khung hợp tác Chiến lược giữa tỉnh Hà Tĩnh với Ngân hàng Thế giới được ký lần này nhằm thiết lập một quan hệ đối tác toàn diện cho hợp tác chiến lược trong giai đoạn 2018-2022. Theo đó, hai bên sẽ chia sẻ cam kết hướng đến tăng trưởng, phát triển toàn diện bền vững và cạnh tranh trong tỉnh; ghi nhận sự cần thiết phải có cách tiếp cận rõ ràng, toàn diện và cơ chế giữa các bên để định kỳ thảo luận chiến lược nhằm rà soát các chương trình đang thực hiện, thiết lập định hướng chiến lược trong tương lai về quan hệ đối tác chiến lược.
Hai bên sẽ tăng cường chia sẻ thông tin, kiến thức, tham gia học tập và nghiên cứu chung, đối thoại chính sách tập thể và phối hợp, hỗ trợ kỹ thuật trong các sáng kiến đã đồng ý liên quan đến các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm: Nông nghiệp và an toàn thực phẩm; phát triển đô thị và tài nguyên nước; Chiến lược hàng hải, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu; phát triển công nghiệp; rà soát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Việc ký kết Khung hợp tác Chiến lược sẽ mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ hợp tác giữa hai bên, nâng mối quan hệ lên tầm chiến lược trong giai đoạn phát triển giai đoạn 2018- 2022 để đáp ứng tốt nhất những yêu cầu đòi hỏi trong thực tiễn của giai đoạn mới, giải quyết những thách thức trong quá trình phát triển. Tỉnh sẽ thực hiện tốt những nội dung đã ký kết và xây dựng Hà Tĩnh thành hình mẫu điển hình về các mô hình hợp tác phát triển, lan tỏa rộng và sâu sắc hơn nữa các giá trị mà Ngân hàng Thế giới theo đuổi tại Việt Nam.