Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Quy hoạch phát triển đô thị cần có tầm nhìn

Chiều 27/10, tại trụ sở Chính phủ, gặp mặt lãnh đạo Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, quy hoạch phát triển đô thị cần có tầm nhìn, nếu "ăn xổi ở thì", "nóng đây phủi đó" thì hậu quả rất lớn. Do đó, Hội cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội của mình.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi tiếp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính chia sẻ, thời gian qua, miền Trung chịu nhiều thiệt hại do "bão chồng bão, lũ chồng lũ", do biến đổi khí hậu. Hội luôn quan tâm đến vấn đề này và muốn báo cáo những việc có thể làm được trong tương lai đối với miền Trung bằng những hội thảo, nghiên cứu, đề tài, để làm thế nào tốt nhất trong xác định, chọn địa điểm cho thành phố, cho khu dân cư, những con đường kết nối đô thị, nông thôn.

Ông Trần Ngọc Chính nhấn mạnh việc quy hoạch, quản lý phát triển đô thị, lựa chọn địa điểm trong quy hoạch ứng phó biến đổi khí hậu, giảm bớt thiệt hại do thiên tai.

Báo cáo một số nét về Đại hội lần thứ V của Hội (dự kiến diễn ra từ ngày 31/10 - 1/11/2020), ông Trần Ngọc Chính cho biết, Hội ngày càng thấy rõ vai trò phản biện xã hội của mình trong phát triển đô thị.

Theo báo cáo của Hội, Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa nhanh. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2000 đạt 24,2% với 18,7 triệu dân đô thị, đến năm 2019 tỉ lệ đô thị hóa tăng lên ,4%. Sau hơn 30 năm thực hiện chủ trương đổi mới, hệ thống đô thị đã tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng, số đô thị cuối năm 2011 là 731 đô thị nhưng đến tháng 5/2019 có 833 đô thị. Diện tích bình quân sàn nhà ở toàn quốc đạt 23,4 m2/người. Bên cạnh các đô thị, khu vực nông thôn cũng được quan tâm thích đáng, đến 99,4% khu vực được lập quy hoạch xây dựng.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi tiếp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Bày tỏ sự quan tâm, coi trọng công tác quy hoạch nói chung, quy hoạch phát triển đô thị nói riêng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phát triển đô thị là một kênh tăng trưởng quan trọng. Đây cũng là xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 40%. Do đó, phát triển đô thị phải mạnh mẽ hơn để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Ở đâu đô thị phát triển thì ở đó đời sống, thu nhập của người dân gia tăng. Phát triển đô thị nhanh nhưng phải đúng hướng, bền vững. Đây cũng bài toán mà Thủ tướng đặt ra đối với Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam.

Thủ tướng đánh giá, qua hơn 20 năm thành lập, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đã có những hoạt động rất thiết thực, nhất là phản biện những văn bản pháp lý về công tác quy hoạch xây dựng như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, Luật Di sản văn hóa, Luật Quy hoạch…, tham gia góp ý kiến về các Chiến lược, Định hướng, Chương trình phát triển đô thị, nông thôn quốc gia, các đồ án lớn như Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, vùng Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đồng bằng sông Cửu Long... Phản biện là chức năng quan trọng của các hội, Thủ tướng cho rằng, công tác này đòi hỏi trí tuệ, kinh nghiệm rất lớn.

Lãnh đạo Hội đã tham gia rất nhiều các hoạt động tư vấn và phản biện xã hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng trước những vấn đề đang được xã hội quan tâm như vấn đề quy hoạch hệ thống đô thị Việt Nam, quy hoạch các đô thị lớn, đô thị hóa, giao thông đô thị, thích ứng với biến đổi khi hậu, xây dựng đô thị xanh, thông minh, quản lý đô thị trong quá trình chuyển đổi số...

Cho rằng một số công trình, dự án thời gian qua còn bất cập, yếu kém, thường xuyên bị ngập lụt, nhất là vùng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, Thủ tướng đề nghị Hội tiếp tục đóng góp vì lợi ích chung, khách quan, trung thực, có cơ sở khoa học và thực tiễn cao để làm sao có các đô thị tốt, phát triển bền vững. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị, nông thôn phù hợp với giai đoạn phát triển mới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của đất nước. Nếu "ăn xổi ở thì", "nóng đây phủi đó", không có tầm nhìn thì hậu quả rất lớn.

Hội cần tạo động lực, nâng cao vai trò và vị trí của các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch, các nhà quản lý đô thị, các doanh nghiệp, các nhà thầu xây dựng; đẩy mạnh hoạt động sáng tác, nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý phát triển đô thị; góp phần định hướng tư duy sáng tạo trong quy hoạch đô thị.

Tiếp tục tham mưu và có những đóng góp thiết thực trong việc tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thể chế trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị trong thời gian tới, làm sao bảo đảm quản lý chặt chẽ đồng thời mở ra không gian thuận lợi cho các nhà đầu tư, xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực... Góp phần xây dựng, quản lý phát triển đô thị, điểm dân cư nông thôn Việt Nam, giải quyết các tồn tại trong quá trình đô thị hóa, hướng tới đô thị hiện đại, đô thị thông minh có bản sắc phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với nền kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...

Về Đại hội nhiệm kỳ V (2020- 2025) sắp tới của Hội, Thủ tướng tin tưởng Hội sẽ chọn ra một Ban chấp hành, các vị trí Chủ tịch, Phó chủ tịch có đủ tâm, đủ tầm. Đại hội phải tạo ra sự lan tỏa, sức mạnh đoàn kết, xác định những định hướng hoạt động lớn của Hội.

TTXVN/Báo Tin tức
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ lụt tại Quảng Bình
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ lụt tại Quảng Bình

Sáng 24/10/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ lụt và thăm hỏi, động viên, tặng quà cho người dân vùng ngập lũ tỉnh Quảng Bình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN