Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các ngân hàng, hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản và các chuyên gia, nhà kinh tế.
Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta là xây dựng đất nước dựa trên 3 trụ cột chính là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Xuyên suốt quá trình đó, không hy sinh công bằng, an sinh xã hội, môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; đề cao quyền con người, trong đó có quyền về nhà ở; nhà ở là 1 trong 3 trụ cột an sinh xã hội, như ông cha ta đã có câu “an cư mới lạc nghiệp”.
Thủ tướng cho biết, thực hiện chủ trương, đường lối đó, Chính phủ đã rất quan tâm để phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo tích cực triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội. Các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai, tuy nhiên kết quả chưa như mong muốn.
Tại hội nghị, trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá kết quả, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan; đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, kiểm điểm lại các chủ trương, chính sách, thể chế; cách làm; việc xây dựng quy hoạch, dành quỹ đất, tài chính cho phát triển nhà ở xã hội.
Cho rằng, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân; với quan điểm, tất cả các chủ thể liên quan đều có trách nhiệm đều phải chung tay thực hiện, Thủ tướng Chính phủ đề nghị hội nghị chỉ rõ trách nhiệm, vai trò để mọi người, mọi tổ chức từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp, người dân phát huy hết khả năng, trách nhiệm, tâm huyết và đạo đức theo truyền thống lịch sử văn hóa Việt Nam “đoàn kết, lá lành đùm lá rách” trong phát triển nhà ở xã hội và trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Theo Bộ Xây dựng, mặc dù Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, có nhiều chính sách, tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa như mong muốn.
Đến nay, cả nước đã quy hoạch 1.316 khu đất, với quy mô 8.611 ha làm nhà ở xã hội. Từ năm 2021 đến năm 2023, trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô hơn 411 ngàn căn. Đặc biệt, gói tín dụng 120 ngàn tỷ cho vay nhà ở xã hội, đến nay, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó đã có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng.
TTXVN tiếp tục cập nhật thông tin về hội nghị.