Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Báo cáo của Tỉnh ủy Bắc Giang tại buổi làm việc cho biết, đến nay, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành 41 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh. Nhờ đó, đạt được nhiều kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 đạt 7,82%, nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng (năm 2021 đạt 129.837 tỷ đồng, đứng thứ 15 toàn quốc). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 đạt 300 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2020. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 4,2% so với năm 2020. Xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, đứng đầu 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 31,15 tỷ USD, tăng trên 40% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư FDI đạt 1,33 tỷ USD, đứng thứ 9 cả nước.
Công tác quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm chỉ đạo, đạt kết quả tích cực. Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm với nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc khó khăn, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đạt 96,6%, cao hơn mặt bằng chung toàn quốc; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, còn 2,5%.
Các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại được triển khai toàn diện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác nội chính, cải cách tư pháp, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm chỉ đạo đạt kết quả. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được triển khai thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn; năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng GRDP quý I/2022 đạt 14,33%, ước quý II/2022 đạt 24,03%, cao nhất cả nước. Ước 6 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2,9%, công nghiệp tăng 55,5%; dịch vụ tăng 24,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 14,1%; tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 18,6 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2021. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Tỉnh Bắc Giang đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương một số nội dung như: cho phép Bắc Giang ứng trước chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất khác của giai đoạn 2026-2030; có cơ chế, chỉ đạo triển khai xây dựng đường vành đai V Thủ đô; cho phép tỉnh triển khai dự án cảng cạn, trung tâm logistics đường sắt tại ga Sen Hồ; cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân; chủ trương điều chỉnh, sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện và phân cấp quản lý quy hoạch...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương phát biểu, thảo luận về tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và những đề xuất, kiến nghị của tỉnh. Lãnh đạo các bộ, ngành cơ bản đồng ý với các kiến nghị của tỉnh; đồng thời đề nghị Bắc Giang tiếp tục tiêm vaccine phòng, chống dịch COVID-19; tiếp tục phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân; quan tâm đến vấn đề môi trường; quản lý quy hoạch; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho phát triển; quan tâm phát triển văn hóa, chính sách xã hội tương xứng với kinh tế...
Cùng với thảo luận, cho ý kiến đối với từng vấn đề, phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Bắc Giang được biết đến bởi truyền thống lịch sử lâu đời, chiếm vị thế trọng yếu về quân sự; là vùng đất địa linh, nhân kiệt, quê hương của nhiều danh nhân.
Bắc Giang có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông thuận lợi phát triển cả công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; nằm trong vùng thủ đô Hà Nội; kết nối 2 vùng kinh tế (đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc); nằm trên hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; có mạng lưới giao thông bao gồm đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa phân bố tương đối hợp lý, kết nối nội và liên tỉnh gần càng biển. Bắc Giang là tỉnh đất hẹp, người đông.
Với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội, nguồn lực phong phú (đất đai, lao động, giao thông, lịch sử văn hóa...), Bắc Giang là điểm đến hấp dẫn, triển vọng đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế; có những cơ hội lớn để đón bắt nguồn lực đầu tư có chất lượng.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là do dịch COVID-19, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, khắc phục mọi khó khăn, năng động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế và đạt được những kết quả tích cực. Trước hết, dễ nhận thấy nhất là diện mạo từ nông thôn, đến thành thị tươi mới, khang trang, sạch đẹp; công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Bắc Giang đạt kết quả để có điều kiện phát triển kinh tế-xã hội.
Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Quy mô nền kinh tế đứng thứ 15 toàn quốc. Xây dựng nông thôn mới đứng đầu 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Tỉnh có các sản phẩn nông nghiệp nổi tiếng như gà đồi Yên Thế, vải thiều Lục Ngạn. Thu hút đầu tư FDI đứng thứ 9 cả nước. Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh. Đời sống nhân dân được cải thiện. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được chú trọng. Lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước được củng cố.
Bên cạnh biểu dương, chúc mừng những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bắc Giang đã đạt được, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế mà tỉnh cần khắc phục như: Chất lượng tăng trưởng kinh tế cải thiện còn chậm. Sản xuất công nghiệp phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI. Chưa tự cân đối được chi thường xuyên. Phát triển đô thị còn chậm. Giải ngân vốn đầu tư công chậm. Sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ yếu là xuất khẩu thô, chưa có thương hiệu mạnh, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản; đầu ra cho nông sản còn bấp bênh. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn phức tạp. Đời sống một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Để phát huy tiềm năng, khắc phục hạn chế, thúc đẩy phát triển, Thủ tướng yêu cầu Bắc Giang phải lựa chọn vấn đề, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, gắn với kiểm tra, đôn đốc để thực hiện; bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn để đưa ra giải pháp phù hợp, thích ứng với tình hình; tăng cường tính tự lực, tự cường, vươn lên từ nội lực, nhất là về con người, thiên nhiên và vị trí địa lý, không trông chờ, ỷ lại; tăng cường hơn nữa phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, đi đôi với phân bổ nguồn lực và kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh huy động nguồn lực, nhất là tăng cường hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân, doanh nghiệp; phải nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Trên cơ sở phân tích, Thủ tướng Chính phủ lưu ý, gợi mở một số vấn đề trọng tâm, cụ thể để Bắc Giang tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Theo đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh Bắc Giang tiếp tục triển khai hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19, nhất là tiêm vaccine, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm đột phá về phát triển hạ tầng chiến lược, đột phá về xây dựng thể chế, hành chính và đột phá về đào tạo nguồn nhân lực; thực hiện thật tốt các quy hoạch đã được phê duyệt; đẩy mạnh thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị Bắc Giang phải tập trung phát triển xanh, phát triển bền vững; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng; đổi mới khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất lao động; thu hút đầu tư có chọn lọc, nâng cao hiệu quả đầu tư. Tỉnh phát triển toàn diện các ngành kinh tế, trong đó công nghiệp là động lực thủ yếu, nông nghiệp làm nền tảng bảo đảm, dịch vụ làm điều kiện thúc đẩy. Bắc Giang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, đồng thời phải bảo đảm điều kiện để không ngừng hỗ trợ cho bảo vệ và phục hồi môi trường sinh thái; chăm lo, triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội; giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa.
Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh Bắc Giang phải giữ vững an ninh, quốc phòng; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân; coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, trên cơ sở thảo luận, phân tích, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý về mặt nguyên tắc. Trong đó một số vấn đề không chỉ là của Bắc Giang mà là vấn đề chung toàn quốc và liên quan các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Thủ tướng giao các bộ, ngành phối hợp với Bắc Giang và các tỉnh, thành phố căn cứ chủ trương, chính sách, quy hoạch, định hướng phát triển, điều kiện thực tế và tính hiệu quả để giải quyết. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.