Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc; Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng.
Mở đầu cuộc gặp, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc USABC Ted Osius cho rằng cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ nhận được nhiều sự quan tâm và tạo điều kiện để đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Theo đó, tháng 3/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đón tiếp lãnh đạo USABC và USCC tại Việt Nam, cũng như gặp trực tuyến. Cuộc gặp lần này tại Washington cho thấy cuộc sống bình thường đang quay trở lại. Để có được điều này là do Việt Nam đã phòng, chống dịch COVID-19 rất hiệu quả.
Ông Ted Osius cho biết, các doanh nghiệp Hoa Kỳ coi Việt Nam là thị trường mang tính chiến lược. Do đó, sự phát triển của Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm, nhất là về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển hạ tầng chiến lược...
Nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính, bà Katherine Tai, Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) khẳng định, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ ở ASEAN. Hòn đá tảng của mối quan hệ thương mại năng động giữa hai nước chính là thoả thuận thương mại Mỹ - Việt năm 2001, tiếp đó là Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) từ 2007.
Bà Tai cũng cho biết, USTR quan tâm việc tạo ra hệ thống nông nghiệp bền vững dựa trên khoa học, các quản lý hiệu quả; phát triển kinh tế số; hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Do đó, USTR mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này, nhất là dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhằm góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước.
Mở đầu bài phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại việc người dân Hoa Kỳ rất thích món Phở của Việt Nam, cho rằng nó như mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ vừa có vị chua, cay, mặn, ngọt nhưng tựu chung là rất ngon.
Theo Thủ tướng, sau 27 năm bình thường hóa, quan hệ hai nước đạt mốc quan trọng, Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu. Các hoạt động hợp tác hai bên ngày càng đi vào chiều sâu, nhất là đầu tư, tài chính, trong đó doanh nghiệp hai nước đóng vai trò hết sức quan trọng.
Trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015 đã tuyên bố tầm nhìn Việt Nam - Hoa Kỳ, trong đó hai nước tôn trọng thể chế chính trị, độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Hoa Kỳ luôn tuyên bố mong muốn Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, tăng trưởng thương mại ấn tượng từ 17-20%/năm, chứng tỏ không gian phát triển kinh tế giữa hai nước là rất lớn. Việt Nam là đối tác lớn thứ 9 của Hoa Kỳ, là đối tác lớn nhất về thương mại tại của Hoa Kỳ tại ASEAN. Hoa Kỳ là đối tác lớn thứ hai của Việt Nam về thương mại và dư địa còn phát triển nhiều. Việt Nam đang tập trung cho đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng hoá chuỗi cung ứng. Hai nền kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ có tiềm năng, thế mạnh để bổ sung cho nhau, không triệt tiêu nhau. Trên nền tảng đó, hai nước còn rất nhiều việc phải làm để mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi, thời cơ, thuận lợi, thách thức đan xen. Hiện nay Việt Nam đang triển khai chương trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, chuyển hướng đúng, từ tăng trưởng âm quý III/2021, quý I /2022 đã tăng trưởng dương trên 5%. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Liên quan tới phát triển thị trường vốn có khó khăn nhưng vẫn phát triển tích cực; Việt Nam đang xử lý, làm lạnh manh hóa thị trường, bảo vệ nhà đầu tư chân chính. Việt Nam đang tập trung cho phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng chiến lược liên quan giao thông; chống biến đổi khí hậu; chuyển đổi số; phòng, chống dịch; hạ tầng y tế, giáo dục; ưu tiên cho cải cách hành chính, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam được Hội nghị Liên hợp quốc tế về thương mại và phát triển (UNTAD) đưa vào 1 trong số 20 nền kinh tế thu hút đầu tư tốt nhất. Với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Việt Nam phấn đấu đến 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp phát triển; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 là nước có thu nhập cao.
Để đạt mục tiêu trên, Việt Nam tiếp tục xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; dự vào nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên. Do đó, mong Hoa Kỳ và các đói tác quan trọng khác, đặc biệt các doanh nghiệp Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam vấn đề này.
Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Trong hợp tác cần dựa trên nền tảng chân thành, tin cậy, trách nhiệm; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Thủ tướng khẳng định: “Tôi sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai trên thế giới về kinh tế Việt Nam, về dân chủ, nhân quyền Việt Nam”.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp trả lời các câu hỏi của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ về các vấn đề liên quan chuyển đổi số, thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP26, phòng chống dịch bệnh... Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ thực hiện tất cả các vấn đề trên, trên tinh thần đây là những vấn đề có tính chất toàn cầu nên cần có cách tiếp cận toàn cầu; vấn đề tác động tới toàn dân nên có cách tiếp cận toàn dân. Đề nghị cộng đồng thế giới, trong đó có Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các vấn đề trên về xây dựng thể chế, khoa học công nghệ, tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, khoa học quản trị...
Về khuôn khổ kinh tế mới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẵn sàng cùng Hoa Kỳ phân tích, đánh giá, làm rõ, cụ thể hóa các nội hàm trong cơ chế này như về chuỗi cung ứng, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, các vấn đề liên quan thuế, lao động... để có thể hợp tác trên tinh thần chân thành, tin cậy, trách nhiệm... vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác, phát triển của khu vực và thế giới.
Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, Việt Nam đã rất tích cực và tiếp tục hỗ trợ Hoa Kỳ tìm kiếm quân nhân mất tích. Do đó, mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục giúp Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, cụ thể là tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, khắc phục hậu quả chất độc hóa học, rà phá bom mình...
Phần phát biểu và trả lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính được cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ nhiệt liệt hưởng ứng, với những tràng pháo tay không ngớt. Đại diện doanh nghiệp Hoa Kỳ khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng trong ASEAN, quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ là mô hình cho các mối quan hệ khác. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp và chính quyền Việt Nam để hiệu quả đầu tư ngày càng cao hơn; cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam.