Đoàn đại biểu chính thức tham gia chuyến công tác cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Vũ Hải Sản; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Bùi Văn Thạch; Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Ngô Lê Văn; Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lê Văn Tuyến; Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai. Ngoài ra, lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương cùng tham gia chuyến công tác.
Hội nghị WEF Đại Liên 2024 diễn ra từ ngày 25 - 27/6 với chủ đề “Những chân trời tăng trưởng mới” có quy mô lớn thứ hai sau Hội nghị WEF Davos với sự tham gia của 1.600 đại biểu, được tổ chức với tinh thần là nơi hội tụ, kiến tạo những ý tưởng mới, các lĩnh vực mới, mô hình tiên phong, sáng tạo sẽ định hình các ngành kinh tế trong tương lai.
Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong số ít người đứng đầu Chính phủ được WEF và nước chủ nhà Trung Quốc mời tham dự Hội nghị trong hai năm liên tiếp; thể hiện WEF và Trung Quốc coi trọng vị thế, vai trò và đóng góp của Việt Nam cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như tầm nhìn phát triển của Việt Nam đối với nền kinh tế trong tương lai. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam quảng bá thành tựu phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô, các ưu tiên, định hướng phát triển của Việt Nam.
Trong chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác có các hoạt động song phương với Trung Quốc nhằm duy trì trao đổi chiến lược cấp cao, tăng cường sự tin cậy chính trị, cụ thể hóa, triển khai hiệu quả nhận thức chung cấp cao và 2 Bản Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc đạt được trong các chuyến thăm của Tổng Bí thư hai Đảng tới hai nước vừa qua; thúc đẩy hợp tác thực chất có tiến triển mới, nhất là trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu như kết nối đường sắt qua biên giới, hợp tác kinh tế biên giới, thúc đẩy xuất khẩu nông sản chính ngạch của Việt Nam, thu hút đầu tư chất lượng cao, tăng cường hợp tác du lịch bền vững, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...