Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Trên tinh thần đó, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác với Thụy Sĩ; tin tưởng rằng trong nhiệm kỳ của mình, Đại sứ sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào việc phát triển quan hệ song phương trên nền tảng những kết quả hợp tác tốt đẹp.
Đánh giá quan hệ Việt Nam - Thụy Sĩ đang phát triển sâu rộng và thực chất trên tất cả các lĩnh vực, nhất là chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển…, Thủ tướng đề nghị hai nước tăng cường các hoạt động trao đổi, tiếp xúc các cấp, nhất là ở cấp cao, tạo động lực cho mở rộng hợp tác trong tất cả các lĩnh vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh Thụy Sĩ là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam tại châu Âu, trong đó kim ngạch thương mại song phương và đầu tư của các doanh nghiệp nước này vào Việt Nam tăng trưởng tích cực. Thủ tướng đề nghị Thụy Sĩ tạo điều kiện thuận lợi, ủng hộ các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh lâu dài, chất lượng cao vào Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực Thụy Sĩ có thế mạnh và Việt Nam ưu tiên như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu, nông nghiệp công nghệ cao, ngân hàng - tài chính, y tế.
Bên cạnh đó, hai bên cần tiếp tục thúc đẩy việc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hiệp hội Mậu dịch châu Âu (EFTA) để đẩy mạnh trụ cột hợp tác đầu tư - thương mại giữa hai nước trong thời gian tới. Hai bên mở rộng hợp tác về khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, giao lưu nhân dân, là các lĩnh vực quan trọng, qua đó góp phần hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cũng như tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Chính phủ và nhân dân Thụy Sĩ đã hỗ trợ thiết bị y tế cho Việt Nam trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Với sự giúp đỡ kịp thời và quý báu của bạn bè quốc tế, trong đó có Thụy Sĩ, Việt Nam đã thành công trong công tác phòng, chống dịch, sớm phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội. Thủ tướng mong muốn Chính phủ Thụy Sĩ tiếp tục ủng hộ, tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc, qua đó đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của Thụy Sĩ, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia.
Đại sứ Thomas Gass cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian tiếp và bày tỏ vinh dự được nhận trọng trách mới tại Việt Nam. Chia sẻ và nhất trí với những đánh giá của Thủ tướng, Đại sứ khẳng định Thụy Sĩ luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác với Việt Nam. Đại sứ bày tỏ ấn tượng về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam liên quan đến việc thực hiện chương trình mục tiêu phát triển bền vững (SDG), vị thế và vai trò của Việt Nam tại khu vực và quốc tế cũng như những cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đại sứ Thụy Sĩ khẳng định sẽ nỗ lực để góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước ngày càng thiết thực, hiệu quả trong nhiệm kỳ công tác của mình; đặc biệt, Thụy Sĩ sẵn sàng đồng hành, mở rộng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực công nghệ chế tạo, công nghệ cao, nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đại sứ Thomas Gass khẳng định Việt Nam là một đối tác kinh tế ngày càng quan trọng với Thụy Sĩ và hai bên còn nhiều dư địa hợp tác. Trên cơ sở đó, Thụy Sĩ mong muốn thúc đẩy tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EFTA. Đồng thời, hai nước tăng cường hợp tác song phương trên các lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, du lịch và giao lưu nhân dân.
Về hợp tác đa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và đề nghị hai nước tiếp tục hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc. Thủ tướng đề nghị Thụy Sĩ ủng hộ lập trường, nỗ lực của ASEAN và Việt Nam về duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.