Diễn đàn có sự tham dự của đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức Việt Nam - Hàn Quốc và trên 500 đại biểu đại diện các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp hai nước. Tại đây, hai bên đã trao đổi thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng, chia sẻ ý tưởng, sáng kiến đột phá, những giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - đầu tư giữa hai nước.
Mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Phát biểu với cộng đồng doanh nghiệp hai nước, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết, hiện nay tại Việt Nam, trên 8.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động trong lĩnh vực điện, điện tử, công nghệ cao… Bên cạnh đó, nhiều người Việt Nam đang học tiếng Hàn và nhiều người Hàn Quốc đang học tiếng Việt. Quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam là mẫu mực trên thế giới.
Do đó, hai nước cần nâng mối quan hệ này lên tầm cao mới, trong đó phải nâng cao hơn nữa hoạt động giao thương, góp phần đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 150 tỷ USD vào năm 2030. Hai nước cần mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác, đồng thời gỡ bỏ mọi rào cản quá trình này.
Theo Tổng thống Yoon Suk Yeol, Việt Nam và Hàn Quốc đang là những nước được hưởng lợi ích từ tự do thương mại và cần bảo vệ, giữ gìn những lợi ích này trong tương lai. Do đó, hai bên cần tăng cường hợp tác về các lĩnh vực như chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, năng lượng tái tạo. Tổng thống hy vọng doanh nghiệp hai nước sẽ có nhiều dự án hợp tác cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Khẳng định, trong tương lai, hai nước sẽ tiếp tục hợp tác để phát triển và trách nhiệm này thuộc vào thế hệ trẻ hai nước, Tổng thống Hàn Quốc hy vọng, quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ dài lâu như sông Mekong không bao giờ ngừng chảy.
Tạo đột phá để có kết quả gấp 3, 4 lần hiện nay
Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn đến những người bạn từ Hàn Quốc đã luôn đồng hành cùng sự phát triển của Việt Nam trong ba thập kỷ qua, góp phần quan trọng giúp vun đắp, phát triển mối quan hệ giữa hai nước.
Thủ tướng đánh giá cao, cảm ơn những chia sẻ thẳng thắn, chân thành của các doanh nghiệp Hàn Quốc về tình hình kinh doanh tại Việt Nam và cam kết đầu tư ở Việt Nam trong những lĩnh vực mới. Đây chính là minh chứng rõ nét cho sự đồng hành, tin cậy, thấu hiểu và chia sẻ của các doanh nghiệp Hàn Quốc đối với Việt Nam trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, quyết tâm vượt qua khó khăn để phát triển.
“Cách đây 30 năm, chúng ta không thể hình dung được quan hệ hai nước sẽ đạt được thành quả ngày hôm nay. Tôi mong muốn thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc sẽ cùng lớn lên với sự phát triển của hai đất nước, hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư sẽ có đột phá hơn về mọi mặt, đạt kết quả gấp 3, 4 lần những kết quả đã đạt được hiện nay vào dịp hai nước kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao, xứng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần giúp quan hệ hai nước ngày càng đơm hoa kết trái”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng cho biết, sau hơn 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Quy mô nền kinh tế đạt 409 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người trên 4.100 USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt trên 730 tỷ USD, thuộc nhóm nước có quy mô thương mại lớn trên thế giới. Việt Nam đã ký kết 15 và chuẩn bị thêm 1 là 16 FTA với trên 60 nước, vùng lãnh thổ. Đồng thời, Việt Nam đã là điểm đến đầu tư hấp dẫn với khoảng 37.000 dự án FDI đang hoạt động, tổng vốn hơn 440 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ 143 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Việt Nam phát triển đất nước dựa trên 3 trụ cột gồm xây dựng Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình đó, quan điểm xuyên suốt là coi con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, nguồn lực và là động lực phát triển; không hy sinh môi trường, tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Trong bối cảnh thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, Việt Nam kiên định thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Việt Nam đang ưu tiên tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng và nhân lực); đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó ưu tiên các động lực tăng trưởng bền vững như kinh tế số và chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.
Trong tiến trình đó, Việt Nam rất hoan nghênh sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp Hàn Quốc. Định hướng thu hút đầu tư hiện nay của Việt Nam là có chọn lọc, ưu tiên các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, phù hợp với Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Theo đó, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Hàn đầu tư vào Việt Nam các lĩnh vực tiềm năng như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghệ sinh học, điện tử, bán dẫn, năng lượng sạch, kinh tế xanh, đô thị thông minh, nông nghiệp công nghệ cao… Đặc biệt, Thủ tướng mong các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường đầu tư các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí. Đây cũng là những lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh và sự hợp tác này có tính bổ trợ, cùng nhau cùng phát triển...
Cùng đi trên con đường thịnh vượng
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì tọa đàm bàn tròn, trao đổi các vấn đề nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư trong thời kỳ mới với lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp và các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc như: Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc, Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc, Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc, Liên đoàn Doanh nghiệp Hàn Quốc, Hiệp hội Doanh nghiệp cỡ vừa Hàn Quốc; các tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc như: Samsung, Hyundai Motor, LG, Lotte, Hyosung, Daewoo E&C, HD Huyndai, SK…
Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo các hiệp hội, tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc bày tỏ ấn tượng với thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; cho biết, các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư kinh doanh rất hiệu quả tại Việt Nam và với Việt Nam; khẳng định sự phát triển, thành công của Việt Nam giúp doanh nghiệp Hàn Quốc phát triển, thành công.
Các hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc coi Việt Nam là đối tác quan trọng, chiến lược; cam kết đồng hành cùng Việt Nam lâu dài để cùng nhau đi trên con đường thịnh vượng chung. Trong đó, các hiệp hội, doanh nghiệp quan tâm mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh, phù hợp với đường lối phát triển kinh tế của Việt Nam như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp thực phẩm, giải trí, logistics, xây dựng các khu đô thị thông minh, trung tâm thương mại lớn...
Bên cạnh đó, các hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành của Việt Nam hợp tác tích cực, chặt chẽ hơn nữa; tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển, nhất là trong cải cách thủ tục hành chính, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Việt Nam xác định phải phát triển đất nước nhanh, bền vững dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, phát triển kinh xanh, kinh tế tuần hoàn… phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc trong suốt 30 năm qua không ngừng phát triển, trong đó Hàn Quốc đứng thứ nhất về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; nước cấp ODA lớn thứ hai cho Việt Nam và là đối tác thương mại đứng thứ ba của Việt Nam. Trong hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước, có vai trò quan trọng của các hiệp hội doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc.
Nhất trí với các đề xuất của các hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, hai bên cần tạo đột phá trong hợp tác đầu tư, kinh doanh; với các dự án cụ thể, thiết thực, hiệu quả hơn nữa, vừa mang loại lợi ích của mỗi doanh nghiệp, vừa góp phần vun đắp quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện" Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp Hàn Quốc cần có chiến lược đầu tư lâu dài tại Việt Nam, trong đó cùng với phát triển kinh tế, cần quan tâm vấn đề bảo vệ môi trường, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội để thúc đẩy phát triển bền vững, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Đối với các kiến nghị của doanh nghiệp Hàn Quốc, Thủ tướng cho biết đã giao cho các bộ, ngành liên quan xem xét, từng bước thực hiện, phù hợp với bối cảnh, tình hình chung.