Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, chỉ đạo hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình đánh giá cao nỗ lực để đạt được những kết quả quan trọng của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong 10 năm qua theo tinh thần Kết luận 48- KL/TW của Bộ Chính trị. Để đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng đề án tổng kết theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị Thừa Thiên - Huế cần bám sát các mục tiêu và giải pháp được đưa ra trong Kết luận 48 năm 2009 và Thông báo kết luận của Bộ Chính trị năm 2014 về đẩy mạnh thực hiện Kết luận 48.
Việc đánh giá và tổng kết cần được đặt trong một tổng thể thống nhất với Kết luận số 25-KL/TW ngày 02/8/2012 về "Phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2020"; Nghị quyết Đại hội Đảng XII; các Nghị quyết chuyên đề khác của Trung ương khóa XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020. Việc tổng kết và đánh giá cần mang tính khách quan, bám sát thực tế và trên tinh thần cầu thị, thẳng thắn để có thể xác định được một cách thực chất các kết quả đạt được, chỉ ra được những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Đặc biệt, cần rút ra những bài học kinh nghiệm, nhất là những bài học kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, trong thời gian tới cần thiết có thêm một Nghị quyết của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045". Đồng chí đề nghị phân tích những luận điểm lý giải mang tính thuyết phục về mặt khoa học và thực tiễn để Nghị quyết mới giúp tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định lại được một cách rõ ràng hơn, sát thực hơn những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của tỉnh trong bối cảnh có rất nhiều thay đổi ở cả trong và ngoài nước (với tốc độ nhanh, mạnh và khó lường); cũng như mở đường cho việc đưa ra tầm nhìn, mục tiêu và những giải pháp mang tính khát vọng hơn, đột phá hơn. Qua đó giúp thu hút được nhiều nguồn lực hơn để tỉnh có thể phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và bao trùm hơn.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình nêu rõ: Nếu được ban hành, Nghị quyết phải có những điểm mới, khác biệt so với các Kết luận đã được ban hành. Các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và giải pháp được đưa ra phải đặt trong bối cảnh quốc tế và trong nước, cơ hội và thách thức; phải mang tính khát vọng và đột phá, vừa đảm bảo có tính kế thừa, vừa đảm bảo tính phát triển nhưng khả thi, thiết thực, phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng như xu hướng phát triển chung ở trong nước và quốc tế, góp phần đưa sự phát triển về kinh tế-xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế lên một tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và đáp ứng được khát vọng về một thành phố di sản, văn hóa, xanh, thông minh và hiện đại, ngang tầm với các thành phố hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.
Với diện tích hơn 5.000 km2, dân số gần 1,2 triệu người, tỉnh Thừa Thiên - Huế là trung tâm văn hóa, du lịch; trung tâm y tế chuyên sâu; trung tâm khoa học - công nghệ; trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của miền Trung và cả nước; là nơi hội tụ các tiềm năng, thế mạnh của đa dạng vùng miền.
Tỉnh có chung đường biên giới với Lào; nằm trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây và có trục giao thông đường sắt, đường bộ Bắc - Nam xuyên suốt chiều dài của tỉnh; có cảng hàng không quốc tế Phú Bài, cửa khẩu quốc gia A Đớt, Hồng Vân; hải cảng Thuận An và cảng nước sâu Chân Mây - “cửa ngõ” ra biển ngắn nhất, thuận lợi nhất của các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông nói riêng và khu vực Đông Á nói chung.
Nhận rõ vị trí địa chiến lược của Thừa Thiên - Huế, năm 2009, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 48- KL/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế đến năm 2020 với phương hướng chính là "xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hoá, du lịch; khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.
Phấn đấu đến năm 2020, Thừa Thiên - Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam châu Á; có quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định, vững chắc, có hệ thống chính trị trong sạch…".
Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW, trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước nhưng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường, vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước; phát huy được vai trò, vị thế của trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc, trung tâm giáo dục - đào tạo, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm khoa học - công nghệ của miền Trung và cả nước.
Thừa Thiên - Huế đã có nhiều có nỗ lực lớn trong thực hiện công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, ban hành các chương trình, đề án để xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đẩy mạnh quy hoạch, định hướng phát triển đô thị Thừa Thiên - Huế theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” như phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Hiện nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị toàn tỉnh đạt 100%; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2009-2018 là 7,16%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng khá từ 17.500 tỷ đồng lên 32.749 tỷ đồng, tăng 1,86 lần (theo giá so sánh 2010). Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 1.794 USD tăng 2,24 lần so với năm 2009, dự kiến năm 2020 là 2000 USD/người.