Theo đó, tỉnh yêu cầu các địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết; chỉ đạo rà soát phương án sơ tán nhân dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, phòng, chống ngập úng đô thị; bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, cấm đường các khu vực nguy cơ rất cao xảy ra sạt trượt không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đại Học Huế theo dõi sát diễn biến tình hình mưa lũ, sạt lở tại địa phương sẵn sàng triển khai phương án cho học sinh, sinh viên nghỉ học để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường.
Chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu đang thi công công trình giao thông, xây dựng, thủy lợi đảm bảo an toàn cho người lao động và thiết bị. Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, dự báo chiều tối 11/10 đến hết ngày 13/10, trên địa bàn tỉnh sẽ có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to đến rất to, cần đề phòng dông, lốc, sét. Tổng lượng mưa của cả đợt phổ biến 80 - 180mm, có nơi trên 250mm; diễn biến mưa từ ngày 14 - 20/10 còn rất phức tạp và có khả năng kéo dài.
Trước đó, đêm 10 đến rạng sáng 11/10, mưa lớn kèm giông sét đã làm nhiều khu vực tại thị xã Hương Trà và huyện Phong Điền bị mất điện sinh hoạt, sản xuất. Theo lãnh đạo Công ty Điện lực tỉnh Thừa Thiên - Huế, đơn vị đã nhanh chóng huy động lực lượng kỹ thuật và thiết bị để nỗ lực khắc phục sự cố mất điện và đến tối 11/10, cơ bản đóng điện trở lại tại những khu vực trên.