Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ Công an dự, phát biểu kết luận hội nghị.
Chuyển đổi trạng thái làm việc truyền thống sang môi trường điện tử
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, năm 2024, Bộ Công an xác định là năm chuyển đổi trạng thái làm việc truyền thống sang môi trường điện tử và thực hiện chuyển đổi số trên các mặt công tác. Đây cũng được xem là năm bản lề với những kết quả hết sức tích cực, là nền móng vững chắc phục vụ công tác chuyển đổi số trong lực lượng Công an nhân dân. Lực lượng Công an nhân dân thống nhất nhận thức xuyên suốt về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số, là lực lượng tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia.
Bộ Công an đã chủ động, hiệu quả trong tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách pháp luật chung liên quan đến chuyển đổi số quốc gia. Trong nội bộ ngành Công an đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện pháp lý; nghiên cứu đề xuất xây dựng nhiều luật, thông tư, nghị định, đảm bảo đủ căn cứ về mặt pháp lý để thực hiện hiệu quả Luật Căn cước; xây dựng, tạo lập, kết nối, khai thác dữ liệu đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”, ứng dụng trong tất cả các lĩnh vực, đời sống, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Công an chuyển đổi trạng thái phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đến nay, Bộ Công an đã cấp 87,7 triệu thẻ Căn cước gắn chip điện tử cho công dân; hơn 78,3 triệu tài khoản định danh điện tử đã được cấp và kích hoạt trên 57,1 triệu tài khoản.
Thông qua việc kết nối, chia sẻ, tích hợp các loại giấy tờ, người dân được hưởng nhiều tiện lợi, đây là nền tảng để thực hiện các tiện ích công dân số trong thời gian tới. Trong 9 tháng đầu năm 2024, đã tiếp nhận 55,8 triệu hồ sơ trực tuyến, đạt tỷ lệ hơn 98% (tăng trên 13% so với năm 2023). Cổng dịch vụ công Bộ Công an xếp thứ 2/21 bộ, ngành. Đối với các dịch vụ công thiết yếu, hàng năm tiết kiệm được khoảng 3.500 tỷ đồng.
Bộ Công an đã đẩy mạnh triển khai các tiện ích trên ứng dụng VNeID, đặc biệt Bộ đi đầu trong triển khai Luật Giao dịch điện tử, người dân có thể xuất trình bằng lái xe đã được tích hợp trên ứng dụng VNeID khi tham gia giao thông mà không cần mang giấy tờ như trước đây và triển khai đăng ký xe lần đầu trực tuyến toàn trình trên VNeID.
Từ đầu năm 2024, Bộ Công an đã phối hợp UBND thành phố Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên Huế đẩy mạnh triển khai các tiện ích theo 19 mô hình điểm, bước đầu được người dân hưởng ứng với một số mô hình như Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID.
Với trên 32 triệu dữ liệu sổ sức khỏe điện tử cho người dân và trên 50 nghìn hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID là tiền đề để ngày 2/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì, “bấm nút” triển khai mở rộng thực hiện thí điểm toàn quốc đối với Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID.
Tiên phong, gương mẫu đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia
Biểu dương Công an các đơn vị, địa phương đã đạt được những kết quả, con số rất ấn tượng trong chuyển đổi số, số hóa hồ sơ, tài liệu trong Công an nhân dân, đồng thời cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang yêu cầu Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ Công an các cấp tiếp tục khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, đưa chuyển đổi số của ngành Công an lên tầm cao mới.
Yêu cầu toàn lực lượng Công an quyết tâm chuyển đổi từ phương thức mới, khoa học, hiện đại, Bộ trưởng Lương Tam Quang cũng viện dẫn những quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị đối với công tác chuyển đổi số và khẳng định: Đây là trách nhiệm vẻ vang, đầy vinh dự, tự hào. Các lãnh đạo đơn vị đã nỗ lực rồi tiếp tục nỗ lực cao hơn nữa, quyết tâm rồi quyết tâm cao hơn nữa và đạt được những kết quả to lớn hơn.
Về yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh: Bảo đảm chuyển đổi số lực lượng Công an phải bằng thực chất, chất lượng, hiện đại, xứng đáng với vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia; rà soát đánh giá tổng thể khó khăn, điểm nghẽn, chỉ rõ những nhiệm vụ, trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành để khắc phục triệt để; thường xuyên kiểm đếm, kiểm tra, xử lý trách nhiệm những đơn vị chậm tiến độ, trách nhiệm của người đứng đầu.
Bộ trưởng Lương Tam Quang lưu ý, Công an các đơn vị, địa phương tập trung tạo lập dữ liệu, nguồn tài nguyên, tư liệu sản xuất quan trọng của kỷ nguyên mới; tập trung hoàn thiện phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia do Bộ Công an chủ quản như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh, Cơ sở dữ liệu không gian mạng; khẩn trương triển khai Trung tâm dữ liệu Bộ Công an, qua đó cung cấp thông tin, nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu, hoàn thành tích hợp chia sẻ dữ liệu dùng chung trong năm 2024.
Bộ trưởng Lương Tam Quang cũng yêu cầu các đơn vị tham mưu xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành Công an, đảm bảo đúng tiến độ được giao; tổ chức kiểm tra công tác số hóa hồ sơ, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu đến năm 2025; cung cấp dữ liệu mở ngành Công an trên cổng dữ liệu quốc gia tạo xu thế, định hướng các bộ, ngành, địa phương; đẩy nhanh số hóa hồ sơ, tài liệu, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, yêu cầu đặt ra.
Trong quá trình chuyển đổi số phải xây dựng kho dữ liệu số hóa hồ sơ dữ liệu; bảo đảm an ninh, an toàn mạng, thông tin, bí mật dữ liệu số và coi đây là yếu tố then chốt quyết định thành công của chuyển đổi số. Bảo vệ chủ quyền an ninh, an toàn, dữ liệu quốc gia trên không gian mạng, các hệ thống thông tin của Công an các đơn vị, địa phương - Bộ trưởng Lương Tam Quang lưu ý.
Bộ trưởng cũng yêu cầu phải đảm bảo tiến độ, chất lượng xây dựng pháp luật theo chức năng của Bộ Công an; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Nghị quyết 175/NQ-CP của Chính phủ, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Về nguồn lực cho chuyển đổi số, tập trung xây dựng nguồn lực; kiện toàn tổ chức bộ máy về chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương phù hợp; đào tạo thế hệ cán bộ Công an thời kỳ 4.0 đáp ứng thực hiện tốt vai trò chuyển đổi số ngay từ trên ghế nhà trường; ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện Đề án 06 và chuyển đổi số trong Công an nhân dân.
Công an các đơn vị, địa phương chủ động nghiên cứu cơ chế chính sách, sử dụng hiệu quả nguồn lực được Nhà nước đầu tư, giải ngân đúng tiến độ, tận dụng tối đa hạ tầng, bảo đảm vượt tiến độ khi triển khai…, góp phần hoàn thành chuyển đổi trạng thái làm việc lên môi trường điện tử trong năm 2025.