Theo phóng viên TTXVN tại Anh, sự kiện do Imperial và Hội trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland (VIS) phối hợp tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Sự kiện gồm hai phần: hội thảo dưới sự điều phối của Tiến sĩ Phạm Minh Sơn (giảng viên cao cấp Đại học Imperial) và Phó Giáo sư Yến Trần (Đại học Heriot-Watt), và phiên thảo luận do Giáo sư Tim Green (Đại học Imperial) điều hành.
Hội thảo giới thiệu các công nghệ mới nhằm tạo điều kiện và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch ở Việt Nam và Anh, trong khi phiên thảo luận tập trung vào các cơ hội, thách thức và giải pháp ở hai quốc gia nhằm đạt mục tiêu Net Zero cũng như các tiềm năng hợp tác song phương trong lĩnh vực này.
Các diễn giả chính gồm các giáo sư, tiến sĩ đến từ Imperial, Đại học Warwick, Đại học Newcastle, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia Việt Nam chuyên ngành hóa lý, công nghệ vật liệu, công nghệ hóa chất, kiểm soát và quản lý năng lượng, điện hóa, cơ khí, vật liệu… Các diễn giả đã chia sẻ các công nghệ, nghiên cứu mới và kinh nghiệm thực tiễn tại hai nước trong 3 lĩnh vực là khử carbon trong công nghiệp, quá trình sản xuất và chuyển đổi hydro xanh, và quản lý và lưu trữ pin.
Các bài thuyết trình tại hội thảo cũng như phiên thảo luận đề cập tới những thách thức và giải pháp nhằm đạt mục tiêu Net Zero trong bối cảnh của Việt Nam, tập trung vào các vấn đề như năng lượng tái tạo, hydro xanh, lưu trữ năng lượng, khử cacbon trong công nghiệp, cơ sở hạ tầng, kinh tế tuần hoàn, tài chính khí hậu, mô hình kinh doanh và tác động xã hội, định hướng chính sách chuyển đổi năng lượng, cũng như những thách thức về chính sách, đầu tư và huy động vốn trong quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam, thị trường carbon Việt Nam…
Phó Giáo sư Yến Trần, Ủy viên Ban chấp hành VIS cho biết việc tổ chức hội thảo là một trong những nỗ lực của VIS nhằm tận dụng, phát huy năng lực và kiến thức chuyên môn của các thành viên đang làm việc tại các trường đại học trên khắp nước Anh để kết nối cộng đồng khoa học giữa hai nước. Đáng chú ý, hội thảo được đồng tổ chức bởi Imperial, trường đại học hàng đầu thế giới về công nghệ và khoa học, đặc biệt là các công nghệ liên quan đến phát triển bền vững, công nghệ sạch và môi trường, qua đó giúp kết nối các nhà khoa học hai nước và tạo cơ hội để các nhà khoa học Việt Nam cập nhật, thảo luận những công nghệ mới hiện nay ở Anh trong lĩnh vực Net Zero, khả năng ứng dụng các công nghệ vào Việt Nam cũng như các kinh nghiệm về chính sách, quản trị và đổi mới sáng tạo trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Cũng theo Phó Giáo sư Yến Trần, Việt Nam có thể học hỏi từ Anh trong các lĩnh vực như sản xuất hydro xanh, công nghệ lưu trữ năng lượng và các giải pháp công nghệ khác.
Phó Giáo sư Yến Trần chỉ ra rằng mục tiêu Net Zero vào năm 2050 không phải là vấn đề riêng của từng nước mà là vấn đề toàn cầu. Do đó, những diễn đàn như hội thảo này sẽ giúp các nhà khoa học Việt Nam ở trong nước cũng như ở Anh có cái nhìn tổng thể hơn về những bước phát triển và thành tựu công nghệ về Net Zero, tạo cơ hội để họ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa, thúc đẩy hợp tác và mở rộng các nghiên cứu liên quan đến Việt Nam, và cùng với các đối tác Việt Nam vận động tài trợ cho các dự án. Hiện ở Anh có nhiều quỹ và tổ chức sẵn sàng tài trợ, tư vấn cho các dự án về lĩnh vực năng lượng xanh, phát triển bền vững.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Anh đều có những cam kết quan trọng trong việc giải quyết các thách thức lớn về biến đổi khí hậu và hướng tới một tương lai bền vững. Cả hai nước đều đã tham gia thoả thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với mục tiêu sẽ đạt Net Zero vào năm 2050. Trong những năm gần đây, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương về các nỗ lực khử carbon với việc triển khai nhanh chóng chương trình năng lượng tái tạo.