Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, thăm và làm việc tại trụ sở Quốc hội Nam Phi, Đại sứ Hoàng Văn Lợi và Đại sứ các nước ASEAN tại Nam Phi (APC) đã chào xã giao ông Supra Mahumapelo, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nam Phi.
Tại cuộc gặp, Đại sứ Hoàng Văn Lợi đã thông tin về những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, những nét lớn trong đường lối đối ngoại của Việt Nam và tình hình quan hệ hai nước, quan hệ giữa hai quốc hội. Đại sứ Hoàng Văn Lợi cùng Đại sứ các nước ASEAN bày tỏ mong muốn phía Nam Phi tiếp tục ủng hộ vị thế, lập trường của ASEAN trong các vấn đề khu vực và quốc tế; ủng hộ lẫn nhau trong khuôn khổ các hoạt động của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), trong đó có Hội nghị lần thứ 144 của Đại Hội đồng IPU dự kiến diễn ra tại Indonesia vào cuối tháng 3 tới. Nhân dịp này, Đại sứ Hoàng Văn Lợi đã thông báo quyết định của Quốc hội Việt Nam về việc thành lập Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Việt Nam-Nam Phi nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai quốc hội nói riêng và quan hệ hữu nghị và đối tác hai nước nói chung; đề nghị Quốc hội Nam Phi xem xét thành lập tổ chức tương ứng để kết nối, giao lưu.
Thay mặt Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nam Phi, ông Supra Mahumapelo ghi nhận sự chủ động và tích cực của APC trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Nam Phi với ASEAN, trong đó có việc thúc đẩy Nam Phi tham gia ký kết Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) tháng 11/2020; cam kết sẽ phối hợp thường xuyên và chặt chẽ hơn nữa với đại sứ các nước ASEAN để thúc đẩy quan hệ đoàn kết và hữu nghị với các nước trên cả kênh nghị viện, hợp tác chính phủ và giao lưu giữa nhân dân.
Tại cuộc gặp và làm việc với Thứ trưởng DIRCO phụ trách khu vực châu Á-châu Phi và Trung Đông, bà Candish Mashego-Dlamini, Đại sứ Hoàng Văn Lợi đã bày tỏ cảm ơn những đóng góp tích cực và hiệu quả của nữ chính khách này trong việc thúc đẩy quan hệ đoàn kết, hữu nghị và đối tác giữa hai nước trên các cương vị là Thứ trưởng Ngoại giao, Ủy viên Ban Chấp hành đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền và nghị sỹ Quốc hội Nam Phi. Trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp, Đại sứ đề xuất một số biện pháp nhằm phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế-thương mại song phương trong bối cảnh hai nước đang triển khai mạnh các chính sách khôi phục kinh tế sau những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Thứ trưởng Dlamini đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong những năm gần đây, trong đó có cuộc chiến phòng chống dịch bệnh COVID-19. Bà ghi nhận vai trò và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, nhất là trong năm 2020, khi hai nước cùng đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Thứ trưởng Dlamini cho rằng tại Kỳ họp lần thứ 5 của Diễn đàn Đối tác Việt Nam-Nam Phi dự kiến diễn ra trong năm 2022, hai bên cần tập trung thảo luận và thống nhất các biện pháp, sáng kiến cụ thể nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương; mở rộng và đa dạng hóa quan hệ kinh tế-thương mại, trước hết là ở các lĩnh vực mà hai bên có nhiều tiềm năng và thế mạnh như nông nghiệp, thương mại nông sản và khoáng sản, hợp tác nuôi trồng và đánh bắt hải sản, công nghiệp phụ trợ ngành sản xuất ô tô, hợp tác về du lịch, giáo dục...
Nhân dịp này, để chuẩn bị cho một số hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, hội thảo doanh nghiệp trong thời gian tới khi cả hai nước mở cửa hoàn toàn và các hoạt động kinh tế trở lại bình thường, Đại sứ Hoàng Văn Lợi có buổi làm việc với ông John Lawson, Giám đốc điều hành (CEO) mới được bổ nhiệm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Cape Town, cũng như tiếp xúc với đại diện một số công ty thương mại có quan hệ làm ăn, buôn bán với Việt Nam; làm việc với Ban Giám hiệu trường Đại học Tổng hợp Cape Town (UCT) và Đoàn Ngoại giao tại Nam Phi tham dự SONA 2022.
Theo số liệu thống kê của cả Nam Phi và Việt Nam, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2021 đạt gần 1,3 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 847 triệu USD, tăng 24,3% so với năm 2020; kim ngạch nhập khẩu đạt 426,5 triệu USD, giảm gần 40% so với năm 2020. Một số mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao gồm điện thoại di động, thiết bị điện tử, máy vi tính, giày dép, hạt tiêu, hàng dệt may.