Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự nỗ lực của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, năm 2021, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã cơ bản đạt được mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đề ra; kết cấu hạ tầng đã có những bước tiến rõ rệt, góp phần quan trọng vào thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội.
Song, so với nhu cầu phát triển hiện nay, kết cấu hạ tầng vẫn còn nhiều hạn chế, còn là điểm nghẽn cho sự phát triển. Vẫn còn tình trạng lãng phí trong sử dụng sử dụng vốn, tài sản, lao động, tài nguyên đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương, đơn vị, trở thành vấn đề bức xúc, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, bàn về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, các đại biểu cho rằng, công tác này đã được triển khai và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, thực trạng lãng phí còn rất nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng đến khai thác tiềm lực để phát triển đất nước.
Các đại biểu Quốc hội đã phân tích rõ tình trạng lãng phí trong khu vực công trên 5 nội dung trọng điểm và 7 lĩnh vực trọng tâm, trong đó có việc đầu tư theo kiểu “đầu voi đuôi chuột” của các dự án dang dở, chậm tiến độ, gây lãng phí. Thất thoát, lãng phí làm mất đi cơ hội phát triển, gây bức xúc trong nhân dân, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan, khách quan và trách nhiệm của người đứng đầu; đề nghị Chính phủ, các cơ quan có liên quan cần nghiêm túc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh), về định mức kinh tế kỹ thuật trong các lĩnh vực xây dựng và giao thông, hiện nay, theo báo cáo, mức độ phù hợp của tiêu chuẩn Việt Nam so với quốc tế mới chỉ đạt 60%, trong đó, các khoản chi gián tiếp chiếm tỷ lệ rất cao, nên lĩnh vực đầu tư công còn rất lãng phí. Mức đầu tư cho 1km cao tốc của Việt Nam là 156 tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều các nước có điều kiện tương đồng, nhưng chất lượng công trình lại rất thấp, có công trình khi chưa bàn giao sử dụng đã xuống cấp.
Bên cạnh lãng phí về đầu tư, là lãng phí về cơ hội. Việc chớp cơ hội thuận lợi trong tranh thủ thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển đất nước cũng chính là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên, để thực hiện điều này, việc lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu đầu tiên. Việc chậm trễ trong phê duyệt các quy hoạch thời gian vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn, có nhiều dự án được đầu tư, nhưng nguồn lực còn để lãng phí.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) phân tích hàng loạt vướng mắc, bất cập trong việc ban hành và thực hiện pháp luật về đầu tư công là nguyên nhân gây lãng phí như Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa bảo đảm đồng bộ với một số luật chuyên ngành liên quan, chưa quy định cụ thể tiêu chí đánh giá việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực. Khi sửa đổi, ban hành mới các luật liên quan không chú ý đến các điều khoản chuyển tiếp hoặc không hướng dẫn cụ thể việc xử lý chuyển tiếp nên khi thực hiện còn mâu thuẫn, chồng chéo.
“Trong quá trình giám sát các dự án, tôi thấy xót xa vì thực hiện các thủ tục đầu tư mà nhiều dự án phải đội vốn, trong khi chúng ta luôn phải chắt chiu từng đồng ngân sách”, đại biểu Thủy nói.
Chiều 15/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nghị quyết quy định từ năm 2023, phát động trong toàn quốc Cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chính phủ tổ chức phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng ở mọi cấp, mọi ngành và trong nhân dân với chủ đề, nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành trong chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện tốt các chỉ tiêu, biện pháp, giải pháp về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời tạo khí thế thi đua sôi nổi, khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển quốc gia, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong toàn hệ thống chính trị và trong nhân dân về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng nhanh, bền vững, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, chỉ 3 ngày sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, ngày mai, 18/11, tại Ninh Bình, Thủ tướng Chính phủ sẽ phát động Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.
Cùng với việc tăng cường quản lý, thúc đẩy tuân thủ pháp luật, phong trào thi đua sẽ góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm và xây dựng văn hóa để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả, hiệu lực, thực chất và đạt được nhiều thành tựu cao hơn. Việc tiết kiệm, chống lãng phí sẽ tạo thêm nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.