Thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP: Nhiều khó khăn cần sớm tháo gỡ

Cà Mau là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Vấn đề quan ngại là tình trạng sạt lở ở Cà Mau không chỉ có diễn ra ở bờ biển Đông, bờ biển Tây, mà còn xuất hiện trong nội đồng với tần suất và mức độ thiệt hại ngày càng gia tăng.

Mặt khác, Cà Mau cũng là địa phương duy nhất trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long không có nước ngọt bổ sung từ thượng nguồn sông Mê Kông nên hoạt động sản xuất của người dân vẫn lệ thuộc vào thời tiết và lượng mưa hàng năm; hệ thống thủy lợi chưa hoàn thiện khiến các vùng sản xuất ngọt hóa có nguy cơ bị xâm nhập mặn...

Chú thích ảnh
Sạt lở tuyến đê từ Vàm Đá Bạc đến Vàm Kinh Mới, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). Ảnh: TTXVN

Thiệt hại nặng nề do thiên tai

Chỉ tính riêng năm 2020, tỉnh Cà Mau thiệt hại về tài sản ước tính lên đến 1.124 tỷ đồng do thiên tai gây ra. Thiên tai đã làm sạt lở 105 km bờ biển; 1.419 vị trí sụt lún làm hư hỏng nghiêm trọng chiều dài hơn 46 km đường giao thông nông thôn, xuất hiện 2 vị trí sạt lở nguy hiểm trên tuyến đê biển Tây đoạn Đá Bạc - Kênh Mới (huyện Trần Văn Thời) dài 240m, trên tuyến đê biển Tây đoạn Hương Mai - Tiểu Dừa (huyện U Minh) xuất hiện các vết rạn nứt từ 60-120mm với chiều dài 1.670m.

Ngoài ra, thiên tai còn cướp đi sinh mạng nhiều thuyền viên trên biển, làm chìm 14 tàu cá và sà lan; hàng ngàn căn nhà bị hư hỏng, nhiều diện tích lúa, rau màu của người dân Cà Mau bị thiệt hại; gần 21.000 hộ dân rơi vào cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô và hơn 43.580 ha rừng bị khô hạn với mức cảnh báo nguy cơ cháy cấp 5 (cấp cao nhất)... Đó mới chỉ là vài con số phản ánh về mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra, nhưng trong thực tế tác động của biến đổi khí hậu và hậu quả thiên tai để lại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Cà Mau là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nên từ trước đến nay địa phương đã tập trung phát triển và huy động mọi nguồn lực để ứng phó với những tác động xấu của biến đổi khí hậu, nhất là chủ động các giải pháp phòng, chống thiên tai, hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản của người dân trên địa bàn.

Triển khai nhiều dự án ứng phó

Vấn đề được tỉnh ưu tiên hàng đầu là xây dựng cụm tuyến dân cư di dời khẩn cấp các hộ dân cư ngụ tại vùng sạt lở nghiêm trọng. Từ năm 2019 đến nay, tỉnh thực hiện 5 dự án đầu tư công trình bố trí dân cư, tái định cư ở rừng phòng hộ biển Tây thuộc các huyện Phú Tân, Trần Văn Thời, U Minh và đầu tư khu tái định cư xã Tam Giang Đông (huyện Năm Căn), bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai Chợ Thủ, xã Tam Giang Tây (huyện Ngọc Hiển). 

Theo ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cà Mau, đến nay toàn tỉnh đã bố trí bước đầu được hơn 1.600 hộ, đáp ứng một phần nhu cầu đất ở cho nhân dân nghèo không đất, dân cư sạt lở, dân di cư tự do trong tỉnh, qua đó giảm thiểu tình trạng phá rừng làm vuông tôm, hạn chế đáng kể tình trạng di dân tự do, đời sống nhân dân vùng tái định cư được ổn định, góp phần đảm bảo trật tự xã hội, vệ sinh môi trường ngày càng được cải thiện.

Thời gian tới, tỉnh Cà Mau cần hơn 500 tỷ đồng để thực hiện di dời thêm 2.7 hộ ở những nơi có nguy cơ thiên tai cao, vùng ven biển, ven sông vào sinh sống ổn định ở các cụm, tuyến dân cư mới. Trước mắt, địa phương sẽ cố gắng tập trung lồng ghép và huy động các nguồn lực đầu tư thực hiện được các mục tiêu theo kế hoạch đề ra, ông Lê Thanh Triều cho biết.

Cùng đó, tỉnh triển khai nhiều dự án ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu, như: Dự án kết hợp bảo vệ rừng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau do Ngân hàng Tái thiết Đức tài trợ tại huyện U Minh trồng mới cây rừng và trồng rừng bổ sung với chiều dài 2km, tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng.

Tỉnh cũng tích cực triển khai xây dựng kè thuộc Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long do Ngân hàng Thế giới tài trợ tại huyện Trần Văn Thời, với chiều dài 9km, tổng mức đầu tư 201 tỷ đồng; triển khai Dự án bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau, chiều dài 14,5 km, kinh phí đầu tư hơn 179,5 tỷ đồng; Dự án xây dựng kè tạo bãi trồng rừng ngập mặn ven biển Tây từ vốn Chương trình mục tiêu biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020, chiều dài 9,7 km, kinh phí đầu tư 264 tỷ đồng.

Cà Mau còn triển khai xây dựng các dự án đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, phát triển lưới điện, thực hiện thí điểm các mô hình chuyển đổi kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nuôi thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của người dân trên địa bàn.

Những khó khăn cần sớm tháo gỡ

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Cà Mau là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Vấn đề quan ngại là diễn biến phức tạp của thiên tai, nước biển dâng, hạn hán... tình hình sạt lở diễn ra từ bờ biển Đông sang bờ biển Tây và ngay cả trong nội đồng sạt lở, sụt lún đất diễn ra với tần suất, mức độ ngày càng gia tăng.

Mặt khác, Cà Mau cũng là địa phương duy nhất trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long không có nước ngọt bổ sung từ thượng nguồn sông Mê Kông nên hoạt động sản xuất của người dân vẫn lệ thuộc vào thời tiết và lượng mưa hàng năm; hệ thống thủy lợi chưa hoàn thiện khiến các vùng sản xuất ngọt hóa có nguy cơ bị xâm nhập mặn. Chưa kể tình hình nắng hạn kéo dài khiến hơn 20.000 hộ dân thiếu nước sản xuất, sinh hoạt vào mùa khô. 

Trước vấn đề cấp bách trên, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung thêm khoảng 1.836 tỷ đồng cho địa phương xử lý cấp bách các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm; đồng thời cho phép tỉnh Cà Mau chủ động lựa chọn danh mục công trình đầu tư, để tập trung công trình bức xúc nhất nhằm đảm bảo sự ổn định và hiệu quả công trình đầu tư đối với 120 tỷ đồng đã được hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để xử lý xói lở, bảo vệ tuyến đê biển Tây và đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ biển Đông theo Quyết định số 107/QĐ-TTg ngày 31/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về bổ sung vốn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2019 cho một số bộ và địa phương thực hiện dự án cấp bách.

Các bộ, ngành Trung ương có liên quan cần sớm xây dựng Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó định hướng cho các tỉnh xây dựng Quy hoạch cấp tỉnh (tích hợp theo Luật Quy hoạch) thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó khẳng định phạm vi tác động của hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé và khả năng cung cấp nước ngọt của hệ thống này cho các tỉnh vùng ven biển, trên cơ sở đó tỉnh Cà Mau xác định quy hoạch sản xuất cho phù hợp.

Bên cạnh đó, tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương chỉ đạo đẩy nhanh việc xem xét phê duyệt đê biển Tây tỉnh Cà Mau là đê biển cấp III; sớm ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai; có văn bản hướng dẫn chi tiết nội dung xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều, thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh quy định tại Khoản 11 Điều 1, làm cơ sở để địa phương thực hiện.

Theo ông Lê Văn Sử, trước mắt, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét, bố trí kinh phí hoặc báo cáo đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng các khu neo đậu tàu, thuyền tránh, trú bão tại các xã Tân Thuận và xã Nguyễn Huân (huyện Đầm Dơi), xã Tam Giang Tây và xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển); xây dựng bổ sung các trụ neo đậu tàu, thuyền dọc tuyến Kênh Hội thuộc địa bàn xã Khánh Lâm, huyện U Minh; hoàn thiện khu tái định cư Vàm kênh Hương Mai, xã Khánh Tiến và khu tái định cư Vàm Kênh Lung Ranh thuộc xã Khánh Hội, huyện U Minh...

Kim Há (TTXVN)
Nghị quyết 120: Thay đổi tư duy sản xuất của người dân Đồng bằng sông Cửu Long
Nghị quyết 120: Thay đổi tư duy sản xuất của người dân Đồng bằng sông Cửu Long

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, ngành nông nghiệp của vùng đã có sự chuyển dịch mô hình sản xuất theo hướng "thuận thiên", thích ứng với hạn mặn, tạo nên những ngành hàng đặc biệt, phù hợp với xu thế tiêu dùng, thị trường hơn. Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt dường như Nghị quyết 120 đã giúp sản xuất nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long thêm một bước tiến mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN