Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) gồm 8 Chương, 50 Điều, quy định về nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc, tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với dân quân tự vệ. Luật quy định: Dân quân tự vệ là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân; là lực lượng bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của cơ quan, tổ chức ở địa phương, cơ sở; làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh…
Sau khi được Quốc hội khóa XIV thông qua, Luật Dân quân tự vệ chính thức được đưa vào cuộc sống cách đây tròn một năm. Về cơ bản, Luật đang có sự khắc phục và điều chỉnh những vấn đề bất cập trong xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trước đây; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ để xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, cùng với Quân đội nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhận thức được vai trò quan trọng của lực lượng dân quân tự vệ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền và cơ quan quân sự các cấp, lực lượng này được xây dựng ngày càng vững mạnh, rộng khắp. Đồng thời, đã thực hiện tốt việc phối hợp các lực lượng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Ðảng, chính quyền, tính mạng và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước, mục tiêu và công trình quốc phòng trên địa bàn; xung kích trong lao động sản xuất, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, địch họa và các sự cố khác; vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên là địa phương đầu tiên trên cả nước tổ chức thí điểm Hội thi pháp luật về Dân quân tự vệ năm 2021. Tham gia thi có 82 thí sinh là Chính trị viên, Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Ngoài những nội dung thi lý luận, các thí sinh còn thực hiện nội dung bắn súng K54 bài 1C. Đây là một nội dung mới đối với lực lượng dân quân tại cơ sở. Nhờ làm tốt các công tác chuẩn bị và tổ chức luyện tập cơ bản, các thí sinh tham gia đều hoàn thành mục đích, yêu cầu đề ra. Hội thi đã được Bộ Quốc phòng và Quân khu 1 đánh giá cao. Hội thi đã giúp cho cơ quan chức năng kịp thời rút kinh nghiệm và triển khai cho các địa phương khác triển khai tuyên truyền Luật một cách hiệu quả hơn.
Mới đây, ở Thái Bình, đoàn công tác Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam do Thiếu tướng Trần Văn Sơn, Phó Cục trưởng làm Trưởng đoàn kiểm tra kết quả thực hiện công tác dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng - an ninh tại một số địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đoàn công tác đánh giá cao việc tỉnh Thái Bình đã kịp thời ban hành, triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ thị, hướng dẫn và các văn bản của các cấp về công tác Dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng - an ninh năm 2021. Chỉ đạo cơ quan quân sự các huyện, thành phố, đơn vị tự vệ tổ chức huấn luyện cho lực lượng dân quân tự vệ bảo đảm đúng, đủ nội dung, chương trình, an toàn về mọi mặt. Quan tâm chăm lo xây dựng lực lượng, đăng ký, quản lý dân quân tự vệ, bảo đảm đúng chế độ, chính sách; đồng thời, bảo đảm quân trang, vũ khí trang bị, thao trường, bãi tập cho dân quân tự vệ tham gia huấn luyện, hoạt động; bố trí kinh phí đầy đủ phục vụ công tác xây dựng, huấn luyện dân quân tự vệ; thường xuyên duy trì nghiêm quân số, chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, trực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; tham gia có hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch COVID - 19.
Ở Hà Nội, UBND thành phố đã chỉ đạo việc triển khai thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Dân quân tự vệ trên địa bàn thành phố từ tháng 8/2020 đến tháng 10/2022, trong đó, có cả việc thực hiện tổng kết đề án. UBND thành phố yêu cầu các cấp, các ngành phân công nhiệm vụ cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện đề án tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Dân quân tự vệ…
Tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh đã lựa chọn Ban chỉ huy Quân sự Quận 6 tổ chức Hội thi pháp luật về Dân quân tự vệ năm 2021. Các thí sinh dự thi là Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự 14 phường trên địa bàn quận tham gia thi với các nội dung, gồm: Thi nhận thức pháp luật về Dân quân tự vệ; chuẩn bị và thực hành giảng dạy một chuyên đề giáo dục chính trị, pháp luật cho dân quân cấp phường; xây dựng và báo cáo kế hoạch tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho dân quân. Các thí sinh đã chuẩn bị chu đáo bài giảng, nội dung sâu sắc, có định hướng tư tưởng rõ ràng, có tính khoa học và sát thực tiễn, có tính kết hợp giữa các Luật, Thông tư, Nghị định với thực tế.
Có thể thấy, xây dựng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp là cơ sở quan trọng để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Và dân quân tự vệ thật sự xứng đáng là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân ở địa phương, cơ sở.
Với ý nghĩa to lớn đó, đưa Luật Dân quân tự vệ thực sự đi vào cuộc sống là nhiệm vụ đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh thực hiện hơn nữa.