Dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố.
Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Hòa Vang, cử tri Đinh Văn Cư (thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc) mong muốn, Chính phủ chỉ đạo Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh có biện pháp xử lý bổ sung các tuyến đường gom từ ĐT 601 xuyên qua cao tốc La Sơn - Túy Loan để người dân có đường đi thuận lợi, phục vụ sản xuất, khai thác rừng trồng, giúp cải thiện cuộc sống.
Cử tri Nguyễn Đình Hùng (Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện) cho rằng không nên lấy môn Lịch sử là môn tự chọn đối với học sinh Trung học Phổ thông; tăng cường giám sát việc cấp bằng cấp Giáo sư, Tiến sĩ sao cho thực chất, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giáo dục ở Việt Nam.
Tại quận Cẩm Lệ, cử tri Trần Quang Sâm, trú tại khu dân cư Hòa Đông khẳng định, một trong những nguyên nhân mất rừng là do sự yếu kém và tham nhũng trong công tác bảo vệ rừng. Cử tri Trần Quang Sâm đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương có giải pháp cụ thể để ngăn chặn tận gốc vấn nạn này.
Cử tri Phạm Thanh Tài (Bí thư Chi bộ 26, phường Khuê Trung) mong muốn và đề nghị Đảng, Nhà nước, các đại biểu Quốc hội tăng cường chỉ đạo, kiểm tra giám sát, thực hiện quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Cử tri Trần Kim (trú tại phường Hòa Thọ Tây) đề nghị, cơ quan an ninh mạng vào cuộc kịp thời, đưa ra những giải pháp hiệu quả ngăn chặn tội phạm công nghệ cao thông qua các ứng dụng Zalo, Facebook để làm quen mượn tiền, chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản gây hoang mang dư luận.
Trả lời những vấn đề lớn cử tri huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ nêu, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định, Đảng ta rất quan tâm đến công tác giám sát, phản biện xã hội. Hội nghị Trung 4, khóa XIII xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái đạo đức, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Vì vậy việc thực hiện vai trò giám sát của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, của nhân dân được quan tâm đặc biệt.
Trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đồng chí Võ Văn Thưởng cho hay, sau Đại hội XIII, Đảng ta mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Tại hội nghị Trung ương 5, Bộ Chính trị xin ý kiến và được Trung ương đồng ý về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thực hiện công tác này xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh ở cấp Trung ương, với việc chỉ đạo thực hiện những vụ án lớn. Trong khi đó, tham nhũng nhỏ, lẻ vẫn xảy ra ở nhiều cấp.
Đồng chí Võ Văn Thưởng đưa ra dẫn chứng, trong khi Chính phủ kêu gọi toàn dân chung tay đóng góp Quỹ vaccine phòng COVID-19, ngược lại một số cá nhân, tổ chức lại nâng khống giá thiết bị, sinh phẩm y tế như vụ Công ty Việt Á. Hay như vụ móc nối tham nhũng nhận hối lộ khi thực hiện các chuyến bay giải cứu đưa kiều bào, học sinh người đi xuất khẩu lao động về nước… Những vụ việc này đã làm tổn thương tình cảm thiêng liêng của người Việt Nam, gây bức xúc trong nhân dân.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cam kết với cử tri, những vụ việc tham nhũng như vậy sẽ được xử lý nghiêm, không có ngoại lệ và vùng cấm, với chủ trương điều tra tới đâu xử lý tới đó chứ không đợi điều tra xong mới xử lý.
Liên quan đến ý kiến cử tri về vụ án thua lỗ của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Đồng chí Võ Văn Thưởng cho biết còn nhiều dự án tương tự. Chủ trương của Đảng là công tác thanh tra, kiểm tra chưa làm được sẽ có bước tiếp theo để làm rõ hơn từng vụ việc. Nếu cơ quan thanh tra, kiểm toán còn yếu kém không phát hiện được sai phạm hoặc bắt tay với sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm hơn. Ngoài ra, Trung ương đưa ra nhiều quy định để kiểm soát quyền lực đối với người làm nhiệm vụ chống tham nhũng.
Trả lời về kiến nghị đưa môn Lịch sử là môn học bắt buộc, đồng chí Võ Văn Thưởng giải thích, việc xây dựng chương trình giáo dục phải được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, thống nhất. Trong đó, xác định nguồn tài nguyên nhân lực là quan trọng của đất nước. Vì vậy, Đề án này được xây dựng rất thận trọng, kéo dài qua nhiều kỳ họp Quốc hội. Trước ý kiến của dư luận, Trung ương đã chỉ đạo đánh giá lại và công bố rõ cho nhân dân.
Về chất lượng đào tạo Tiến sĩ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng, nhìn chung chất lượng đào tạo sau đại học có tăng lên nhưng so với thế giới vẫn có những bất cập. Hiện còn nhiều cán bộ, công chức sính bằng cấp, hư danh…
Liên quan đến những vấn đề về Luật Đất đai, đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, các quy định pháp luật về lĩnh vực đất đai còn bộc lộ nhiều thiếu sót, yếu kém. Do đó, Trung ương đã có chủ trương hoàn thiện các quy định luật pháp trong lĩnh vực đất đai trong nhiều vấn đề như bồi thường tái định cư, cho thuê đất, tài chính đất đai, đất nông lâm trường, đất tôn giáo…Việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2022, bàn thảo thông qua sau 3 kỳ họp, với mong muốn sửa được những thiếu sót, bộc lộ thời gian qua, thúc đẩy kinh tế phát triển.