Dự thảo Nghị quyết này được Bộ Tài chính xây dựng. Do có những ý kiến khác nhau của các bộ ngành nên Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các bộ, ngành tiếp thu, giải trình, hoàn thiện báo cáo trình Thường trực Chính phủ xem xét cho ý kiến.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại mục tiêu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, do đó cần đầu tư thêm 3.000 km nữa. Nguồn lực đầu tư là từ ngân sách Nhà nước hoặc đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm sớm báo cáo Chính phủ về chiến lược đầu tư này.
Việc xem xét xây dựng cơ chế thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư là cần thiết, nhất là theo cơ chế giá, đảm bảo mức giá phù hợp, đồng bộ với các dự án BOT liền kề và khuyến khích các dự án đầu tư hạ tầng đường bộ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Nhà nước đầu tư đường cao tốc không nhằm mục đích kinh doanh thu lợi nhuận nên việc thu phí chỉ nhằm đảo bảo bù đắp các chi phí cần thiết như trả nợ vốn vay, duy tu, bảo dưỡng…
Trên cơ sở ý kiến các bộ, ngành, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thời điểm hiện nay đề xuất một vấn đề cụ thể, nhạy cảm tác động đến người dân và nền kinh tế thì cần cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần cần đưa nội dung thu này vào Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi đang trong quá trình hoàn thiện.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tổng hợp, tiếp thu, lấy ý kiến của các cơ quan Quốc hội và sớm hoàn thiện Dự thảo, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định.