Thủy thủ Đậu Ngọc Hùng kể về vụ chìm tàu Vinalines Queen

18 giờ 15 phút ngày 4/1, chiếc phi cơ mang số hiệu VN660 đã đưa thủy thủ Đậu Ngọc Hùng, người được cho là duy nhất còn sống sót trên con tàu Vinalines Queen bị chìm ngoài khơi Philíppin về tới sân bay Nội Bài (Hà Nội).

Bước ra cửa sân bay Nội Bài lúc 18 giờ 40, thủy thủ Đậu Ngọc Hùng (31 tuổi, quê Nghệ An) tỏ ra khá khỏe mạnh và tươi tỉnh dù vừa trải qua hành trình dài trên biển và chuyến bay từ Xinhgapo về Hà Nội. Theo sát anh Hùng là lực lượng an ninh bảo vệ nghiêm ngặt. Do vậy, mặc dù có hàng trăm phóng viên túc trực sẵn tại sân bay Nội Bài nhưng rất khó tiếp cận được với anh Hùng.

Ngay khi xuống máy bay vào khoang nhận hành lí, trả lời câu hỏi của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về số phận của 22 thủy thủ vẫn còn mất tích giữa biển khơi, anh Hùng cho biết: “Tôi mong rằng cơ quan chức năng sẽ sớm tìm ra họ”. Vợ và người thân của anh Hùng đã không có mặt tại sân bay.

Nhanh chóng rời sân bay Nội Bài, anh Hùng lên xe về trụ sở Tổng công ty Hàng hải Việt Nam để dự họp báo, tổ chức lúc 20 giờ 30 tại trung tâm Hà Nội.

Có lẽ do vừa trở về từ một chuyến đi dài, lại trải qua một cú sốc lớn nên anh Hùng vẫn chưa thực sự trấn tĩnh để trả lời câu hỏi của các phóng viên. Anh Hùng cho biết: Khoảng 5 giờ 45 phút sáng ngày 25/12/2011, tàu Vinalines Queen thông báo bị nghiêng trái 18 độ không rõ nguyên nhân. Thời điểm đó, khu vực tàu đang hành trình có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 9.

Thuyền trưởng đã chuyển hướng để chạy theo hướng 240 độ cho tàu di chuyển xuôi sóng nhằm giảm lắc và hướng về phía đảo Lu-dông (Philíppin) để tìm nơi tránh gió và xử lý việc tàu bị nghiêng, giảm nguy cơ mất an toàn với tàu có độ nghiêng ngang lớn hàng hải trong điều kiện thời tiết xấu. Gần 6 giờ sáng có chuông báo động, toàn bộ thủy thủ đã lên mặt boong, mặc áo phao cứu sinh. Anh Hùng và thủy thủ trưởng của tàu được giao nhiệm vụ kiểm tra hầm ba-lát mạn trái của tàu; buộc liên kết phao và bè cứu sinh lại với nhau. Thuyền trưởng cùng thuyền phó tàu chỉ huy trong cabin. Còn lại 19 thủy thủ khác tập trung sang mạn phải tàu (theo kinh nghiệm đi biển thì tàu nghiêng bên nào thì sẽ lật bên đó).

Khoảng gần 10 phút sau tàu đột ngột lật mạn phải rồi chìm rất nhanh. Anh Hùng bị rơi xuống biển, mặc dù trước đó đã mặc áo phao nhưng trong quá trình rơi xuống đã bị sóng đánh tung áo phao. Sau một thời gian khá dài bị cuốn theo sức hút của tàu, anh Hùng mới ngoi lên được mặt nước và kịp bám vào chiếc bè cứu sinh của tàu. Theo anh Hùng, vào thời điểm đó sóng rất lớn (cao 5 đến 6 m), anh bị trôi ra khoảng 20-30 m, quay đầu nhìn lại đã không thấy tàu đâu cả. Sau đó, ngay cả bè cứu sinh cũng bị sóng đánh hỏng và anh Hùng đã phải rất cố gắng mới đến được chiếc xuồng cứu sinh của tàu đã bị hư hỏng phần máy (do va đập với tàu khi tàu chìm). Kể từ đó anh sống trong xuồng với các nhu yếu phẩm đã được trang bị trước và để xuồng trôi tự do cho đến khi gặp được tàu cứu. “Khi tàu bị chìm tôi quá hoảng loạn. Lúc đó sóng lớn cao 5-7 m nên tôi không thể quan sát xung quanh và không biết con tàu chìm như thế nào. May mắn tôi đã bám được vào xuồng cứu hộ. Đây là xuồng rất hiện đại, mang theo đủ thức ăn, nước uống và có thể chứa được hàng chục người”.

Trả lời về việc có hay không việc hóa lỏng nikel, anh Hùng cho hay lúc đó anh thực sự hoảng loạn nên không nắm được tình hình, có khả năng khi tàu quay đầu vào chỗ trú thì bị lật nghiêng.

"Sự việc xảy ra quá nhanh nên khi phát hiện tàu nghiêng chỉ kịp thấy thuyền trưởng thông báo yêu cầu 23 thủy thủ mặc áo phao, áo giữ nhiệt và lên hết boong tàu. Sóng rất lớn làm tàu bắt đầu nghiêng. Lúc này, tôi đang ở dưới sân boong, toàn bộ hệ thống xuồng cứu hộ chưa được hạ xuống. Tôi bị hất ra ngoài và may mắn vớ được phao bè, đủ chỗ cho 25 người. Con tàu chìm dần xuống, tình cảnh trên boong thực sự hoảng loạn và mọi thứ trên boong đều bị cuốn xuống dưới, xung quanh mù mịt, tôi không quan sát được gì", anh Hùng nói.

Anh Hùng cũng bày tỏ rằng anh rất xúc động khi đặt chân về quê hương và nhận được sự quan tâm của mọi người, đồng thời hy vọng rằng các đồng nghiệp trên tàu cũng sẽ may mắn như mình.

Về thông tin thân nhân một số thủy thủ cho hay, có 5 số điện thoại của các thủy thủ trên tàu vẫn còn đổ chuông, anh Hùng giải thích, có thể là trước đó các thủy thủ này mượn máy của người dân Inđônêxia gọi về nhà nên người nhà gọi sang thấy đổ chuông cũng là bình thường. Đó không phải là điện thoại mà các thủy thủ mang theo người, bởi ở Inđônêxia rất khó mua simcard.

Đánh giá về sự sóng sót của thủy thủ Hùng, ông Nguyễn Minh Ngọc, một thuyền trưởng có nhiều kinh nghiệm chở nikel cho rằng phải tổng hợp đủ mọi may mắn mới sống được. "Một con tàu cộng với hàng có khối lượng là hơn 70.000 tấn, khi chìm sẽ tạo ra một lực hút xoáy rất lớn. Anh Hùng phải có một sức khỏe phi thường mới thắng được lực hút đó", ông Ngọc nói. Ngoài ra theo ông Ngọc, để leo lên chiếc phao bè (tự nổi khi tàu chìm) trong điều kiện sóng cấp 8 là rất khó, dù phao chỉ ở trước mặt 10 - 15 m.

Theo ông Nguyễn Cảnh Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines, công tác tìm kiếm 22 nạn nhân còn lại vẫn đang được tiếp tục, số tiền mua bảo hiểm cho các thuyền viên là 40.000 USD mỗi người.

Nam Hoàng - TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN