Ông Ngô Mạnh Khôi nhấn mạnh Argentina là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ. Trong giai đoạn 2007 – 2022, trao đổi thương mại Việt Nam – Argentina tăng gần 13 lần, từ 378 triệu USD lên 4,88 tỷ USD, đưa Argentina trở thành đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại châu Mỹ và ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Argentina trên phạm vi toàn cầu. Argentina hiện là một trong những nhà cung cấp ngô và thức ăn chăn nuôi hàng đầu cho Việt Nam.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Argentina gồm điện thoại và linh kiện; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép; máy móc, thiết bị, phụ tùng; nguyên phụ liệu dệt may, da giày. Trong khi đó, ngô; thức ăn gia súc và nguyên liệu; bông; đậu tương; dầu mỡ động thực vật là các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ quốc gia Nam Mỹ.
Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương giảm 29,6% so với năm 2022, chỉ đạt 3,45 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Argentina trong năm ngoái giảm do nước này đã trải qua đợt khô hạn lịch sử trong vụ mùa 2022-2023, khiến sản lượng nông nghiệp giảm tới 54%. Trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam từ Argentina, 92% giá trị nhập khẩu là mặt hàng nông phẩm. Những yếu tố này cho thấy Việt Nam giảm nhập khẩu từ Argentina bởi nguyên nhân khách quan và trong một thời gian cụ thể, không do sự dịch chuyển trong chiến lược thương mại của các doanh nghiệp trong nước. Trong vụ mùa 2023 - 2024, sản lượng nông nghiệp của Argentina dự báo tăng mạnh so với năm trước đó nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi. Vì vậy, nhập khẩu từ Argentina dự kiến sẽ tăng mạnh trở lại trong năm nay.
Theo ông Ngô Mạnh Khôi, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động như hiện nay, việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật... giữa hai nước là hết sức cần thiết để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Trong nhiều năm qua, hai nước đã duy trì trao đổi trực tiếp tại các diễn đàn quốc tế đa phương và các cơ chế hợp tác song phương như Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học công nghệ do Bộ Công Thương chủ trì. Bên cạnh đó, hai bên cũng tích cực phối hợp triển khai các dự án hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, nhân chủng học - pháp y, khoa học và công nghệ... Hợp tác trong các lĩnh vực khác như trao đổi văn hóa, du lịch, thể thao, giáo dục, đào tạo, xây dựng… cũng đã không ngừng được quan tâm thúc đẩy. Về đầu tư, hiện nay Argentina có 5 dự án tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 160.000 USD.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Argentina cho biết thêm hai nước cũng có nhiều điểm tương đồng, đều có nhiều tiềm năng trở thành điểm trung chuyển hàng hóa, dòng vốn đầu tư kết nối với các nước trong khu vực và trên thế giới. Argentina, với vai trò là thành viên tích cực của Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), sẽ là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Nam Mỹ. Trong khi đó, Việt Nam là cầu nối vững chắc để Argentina vào khu vực thị trường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như châu Á – Thái Bình Dương. Quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, cùng sức hấp dẫn của mỗi thị trường vừa là động lực, vừa là sức hút để Việt Nam và Argentina xích lại gần nhau hơn, mở rộng và phát triển hơn nữa quan hệ toàn diện, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và thương mại.
Tuy nhiên, hợp tác giữa hai nước vẫn gặp phải những trở ngại do khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp dẫn đến thời gian vận tải và đi lại kéo dài, chi phí cao, cùng sự khác biệt về ngôn ngữ, tập quán làm ăn kinh doanh… Để tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Argentina và tận dụng cơ hội trong bối cảnh mới, hai bên cần tập trung đa dạng hóa các mặt hàng xuất nhập khẩu; tăng cường hợp tác kinh doanh trong các mặt hàng có tiềm năng như dệt may, da giày, nông sản, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ...; phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp tham dự các hoạt động kết nối giao thương theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến; thúc đẩy khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và MERCOSUR; và mở rộng hợp tác kỹ thuật và hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và nhu cầu như nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, công nghệ sinh học, y tế, năng lượng xanh.