Cả dân tộc ta đang trong những giờ phút đau thương vĩnh biệt và tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò gần gũi và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà cầm quân lỗi lạc, vị danh tướng kiệt xuất nhất của thời đại về với Bác Hồ.Người dân thành phố Thái Nguyên lập bàn thờ tại chùa Thịnh Đán để tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Thu Hằng - TTXVN
|
Trong những ngày tang lễ của cả dân tộc Việt Nam, chúng ta và cả bạn bè thế giới bỗng nhận ra trong lòng nhân dân Việt Nam từ lâu đã có tượng đài Võ Nguyên Giáp. Tượng đài không xây bằng sắt thép xi măng, không đúc bằng đồng đen, không tạc bằng đá quí, không đường bệ uy nghi trong bầu trời lộng gió mà ẩn sâu và hóa thành biểu tượng vô cùng cao đẹp về lòng yêu nước, yêu dân trong trái tim và khối óc mỗi người Việt Nam. Tượng đài Võ Nguyên Giáp trong lòng dân Việt Nam và trong trái tim nhân loại được xây lên từ chất nhân văn tuyệt đỉnh của bậc nhân tướng trí dũng song toàn; được kết tinh từ phẩm chất vô song “dĩ công vi thượng” của nhà chiến lược quân sự thiên tài; được biểu hiện bằng tinh thần “quyết chiến và toàn thắng” của vị Tổng tư lệnh lỗi lạc.
Hôm nay đồng bào cả nước ta đau buồn tiễn biệt Người!
Vượt lên sự đau buồn, thương tiếc, ta nhận ra tình đồng chí, nghĩa đồng bào ấm áp hơn, thân thương hơn; và lòng ta cũng trong sáng hơn. Triệu triệu con tim Việt Nam đang cùng một tâm nguyện, một ý chí, một tinh thần “quyết chiến và toàn thắng”. Đó chính là tinh thần Võ Nguyên Giáp được thể hiện trong toàn bộ sự nghiệp cầm quân và cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng; đặc biệt biểu hiện một cách đầy hào sảng, hùng khí trong mệnh lệnh “Thần tốc” mùa xuân năm 1975. Tinh thần đó là sự kế thừa ý chí “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lâp”; là sự cụ thể hóa tư tưởng “ Không có gì quí hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tinh thần “quyết chiến và toàn thắng” là sự đúc kết kinh nghiệm từ ngàn năm dân tộc ta đánh giặc, giữ nước; và được phát huy lên đỉnh cao, trở thành điểm cốt lõi của học thuyết quân sự cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh; cũng là “binh thư” giữ nước; là tài sản vô giá mà Người để lại cho chúng ta và muôn đời sau.
Tinh thần đó khiến cả dân tộc ta, từ cụ già đến các em nhỏ, từ những cựu chiến binh đến những người lính đang cầm súng, từ những người nông dân trên đồng ruộng, nương rẫy đến công nhân trong nhà máy, từ học sinh trong lớp học đến các nhà khoa học trong phòng thí nghiệm, từ mỗi đảng viên, công chức đến cán bộ lãnh đạo… tất cả đều tự động hòa vào dòng người và dòng tâm tưởng dường như vô tận để tưởng niệm Người trong giờ phút đau thương vĩnh biệt. Đây chính là thời khắc thiêng liêng để chúng ta bày tỏ tâm nguyện với Đại tướng. Xin mỗi người hãy nhận lấy ánh sáng tỏa ra từ tinh thần Võ Nguyên Giáp; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; tất cả đứng vào hàng, xốc lại đội ngũ làm cho ý Đảng lòng dân là một để “quyết chiến và toàn thắng” giặc “nội xâm” bảo vệ sự trường tồn của chế độ ta.
Lòng dân mênh mông như trời đất nhưng không có nhiều chỗ để dựng những tượng đài; song một khi tượng đài đã được lòng dân “xây” lên thì trở thành vĩnh cửu.
Thắp nén nhang bái lạy và tiễn Người về miền vô tận của lòng dân, ta thấy hiển hiện tượng đài Võ Nguyên Giáp với tinh thần “quyết chiến và toàn thắng” bên cạnh những tượng đài uy nghi trong lòng dân suốt chiều dài lịch sử dân tộc: Hai Bà Trưng cưỡi voi cầm giáo ra trận, Ngô Quyền dàn trận trên sóng Bạch Đằng, Lý Thường Kiệt tuyên đọc “Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư”, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn răn dạy vua phải “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”, Lê Lợi – Nguyễn Trãi dựng cờ khởi nghĩa vì “Việc nhân nghĩa cốt để yên dân”, Quang Trung – Nguyễn Huệ ra trận “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”; và đây, lừng lững uy nghi tượng đài Hồ Chí Minh tỏa sáng muôn đời tư tưởng “Không có gì quí hơn độc lập, tự do”!
Trong tiếng nhạc trầm hùng tiễn biệt Đại tướng, cả dân tộc ta vẫn như thấy vị Tổng tư lệnh đang truyền đi mệnh lệnh “Thần tốc” thúc giục chúng ta và muôn đời sau phải biết “quyết chiến và toàn thắng” làm nên những “Điện Biên phủ” mới để đất nước Việt Nam vững bền muôn thuở; dân tộc Việt Nam ta được “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như mong ước của Bác Hồ.
Nguyễn Quang Vinh