Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn có mặt trên mọi 'mặt trận'

Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong suốt 93 năm hình thành, phát triển, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết thống nhất, góp phần hoàn thành mục tiêu cách mạng cao cả do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2023), phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hóa xã hội khóa IX của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc cũng như vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chú thích ảnh
TS Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Ảnh: bvhttdl.gov.vn

Thưa Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nhìn lại chặng đường truyền thống vẻ vang trong hơn 90 năm qua, ông đánh giá như thế nào về vai trò và những đóng góp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc góp phần thực hiện chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc?

Có thể nói vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rất to lớn. Mặt trận là một tổ chức chính trị sâu rộng, đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng ta trường tồn, phát triển đến ngày hôm nay, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay", nghĩa là chúng ta đã tiếp nối truyền thống đoàn kết dân tộc từ xa xưa, từ ngàn đời.

Từ cơ sở đến Trung ương, công tác Mặt trận thể hiện rất rõ nét. Các phong trào đều phải có Mặt trận, như đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người có công với cách mạng, xóa đói giảm nghèo, thậm chí cả thiên tai, thảm họa, lũ lụt... Những công việc đó ngay lập tức phải có công tác Mặt trận. Mặt trận đã trở thành trung gian, là một cơ quan thu hút, tiếp nhận tất cả sự đóng góp, thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc, đoàn kết của toàn dân. Có thể nói, từng gói mì tôm cho đến những ngôi nhà tình nghĩa, tất cả những việc đó đều có bóng dáng của những người làm công tác Mặt trận.

"Mặt trận" nói vui tức là trận nào cũng phải có mặt. Trận khó phải có mặt, vui phải có mặt, khó khăn, thậm chí buồn cũng phải có mặt, để đoàn kết toàn dân tộc. Chúng ta có thể thấy Mặt trận đang có mặt ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và góp phần rất tích cực. Từ quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt, sạt lở đất, dịch COVID-19..., từng hạt gạo, nắm cơm, ...,  những sự đóng góp nhỏ bé nhưng gom tất cả lại hợp thành một sức mạnh vô cùng to lớn.

Trong bức tranh chung về những kết quả nổi bật của công tác Mặt trận, ông có thể chia sẻ về những điểm sáng của một số phong trào, cuộc vận động, thể hiện rõ nét tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc?

Vai trò của Mặt trận rất quan trọng. Những phong trào như Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phong trào vận động xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, văn minh đô thị, xóa đói giảm nghèo..., tất cả những phong trào ấy đều có mặt của những người làm công tác Mặt trận. Bản thân Mặt trận là một tổ chức chính trị mà chức năng, nhiệm vụ là đoàn kết toàn dân, đoàn kết trên dưới một lòng, đoàn kết những người trong nước cũng như những người ngoài nước, đoàn kết nam phụ lão ấu, bất kỳ đã là người Việt Nam thì phải đoàn kết.

Trước đây chúng ta phải đoàn kết để giải phóng dân tộc, để giành độc lập, tự do, bây giờ phải đoàn kết để xây dựng đất nước phát triển tốt đẹp hơn. Hoạt động của Mặt trận trong suốt những năm qua đã thể hiện rất rõ sức mạnh đoàn kết của toàn dân, đồng thời cũng thể hiện vai trò rất to lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả tích cực, trong tình hình hiện nay, việc thực hiện chính sách về đại đoàn kết nói chung và triển khai các hoạt động của Mặt trận nói riêng đang gặp phải những khó khăn gì, đặc biệt là việc xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thưa ông?

Tôi nghĩ rằng có khó khăn song không phải là khó khăn quá, bởi tất cả mọi người đều mong muốn cống hiến để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, cũng có những khó khăn nhất định, cụ thể là công tác Mặt trận, các tổ chức Mặt trận ở cơ sở còn nhiều thiếu thốn, đặc biệt là về mặt vật chất. Bên cạnh đó, đãi ngộ đối với những người làm công tác Mặt trận không giống như những bộ phận và những ngành khác; không phải lúc nào cũng tuyển được những người làm công tác Mặt trận có đủ năng lực, trình độ.

Do đó, tôi cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay chính là việc xây dựng đội ngũ làm công tác Mặt trận ở cơ sở. Có một thực tế rằng không phải ai cũng muốn làm công tác Mặt trận. Người làm công tác này như "người thổi tù và hàng tổng", làm rất nhiều nhưng kết quả lại chưa biết đo lường bằng cách nào. Công việc vận động ở cơ sở là vận động trực tiếp người dân, nhiều người dân hiểu được chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, song cũng có nhiều nơi người dân bày tỏ bức xúc trước những thực tế tại địa phương. 

Những người làm công tác Mặt trận cơ sở muốn làm tốt việc vận động, thuyết phục được nhân dân thì phải có đủ kinh nghiệm, nhưng những người đủ kinh nghiệm thường đã lớn tuổi, trong khi người trẻ hầu như không muốn làm công việc này. Vì vậy có thể nói, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận từ cơ sở như phường, xã, quận, huyện... đang có những khó khăn nhất định. 

Theo ông, để tiếp tục củng cố, phát huy vai trò cầu nối của đội ngũ những người làm công tác Mặt trận, nhất là tại cơ sở, cần những giải pháp cụ thể nào?

Tôi nghĩ trước tiên vẫn là giải pháp về nhân sự, phải có những cán bộ tốt, phải có những cán bộ Mặt trận vừa nhiệt tâm, nhiệt huyết, vừa có trình độ, năng lực và phải có uy tín. Bởi muốn vận động người khác phải có uy tín, phải trong sạch, trong sáng thì mới có thể làm được, đó là điều kiện tiên quyết.

Thứ hai là cần tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất cũng như những điều kiện khác cho công tác Mặt trận. Các cán bộ làm công tác Mặt trận cần nhận được sự đồng hành, quan tâm nhiều hơn nữa của cấp ủy Đảng, chính quyền để phát huy được vai trò của mình trong những hoạt động liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân.

Nhằm tiếp tục phát huy vai trò, vị trí của Mặt trận, xứng đáng là ngôi nhà chung của khối đại đoàn kết dân tộc, theo ông, trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần có những định hướng gì?

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xưa nay vẫn giữ vững được vai trò của mình. Trước yêu cầu ngày càng cao hơn nữa trong tình hình mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò đó. Cán bộ làm công tác Mặt trận phải nâng cao trình độ, giữ gìn bản chất tốt đẹp để thực hiện tốt nhiệm vụ vận động, đoàn kết, tập hợp nhân dân từ cơ sở. Bên cạnh sự tâm huyết, trách nhiệm, bối cảnh thông tin ngày càng đa dạng đòi hỏi người cán bộ Mặt trận cần bám sát những yêu cầu mà Đảng, Nhà nước đặt ra đối với công tác chuyên môn, từ đó góp phần giúp Mặt trận tiếp tục giữ vững, phát huy vai trò trung tâm, là cầu nối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân để hoàn thành sứ mệnh thời kỳ mới đặt ra.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hiền Hạnh/TTXVN (thực hiện)
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc - Ngày hội của ý Đảng, lòng dân
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc - Ngày hội của ý Đảng, lòng dân

Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” và quyết định lấy ngày 18/11 hàng năm là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN