Từ ngày lực lượng Biên phòng và chính quyền địa phương tăng cường xuống địa bàn triển khai thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc hỗ trợ nhân dân vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, mảnh đất Mường Khương- Lào Cai không chỉ giữ vững quốc phòng an ninh mà bức tranh kinh tế, xã hội cũng dần khởi sắc.
Thấy rõ sự đổi thay này là hàng ngàn gia đình đồng bào dân tộc sinh sống trên rẻo cao này, trong đó có gia đình anh nông dân Vàng Phà Quán. Anh là chủ một đồi quýt ở thị trấn Mường Khương và gia đình anh là một trong những hộ dân đầu tiên nghe theo sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng, đi đầu trong việc đưa cây quýt về trồng ở Mường Khương để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Theo lời của Vàng Phà Quán, cuộc sống của gia đình anh mấy năm gần đây đã khấm khá hơn khi tin và thực hiện theo lời động viên của Bộ đội Biên phòng Đồn Mường Khương mà mạnh dạn chuyển từ trồng ngô, lúa cho thu nhập thấp sang trồng quýt. Giá quýt bán tại vườn dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Thu hoạch tới đâu có người mua tới đó. Mỗi năm cả ngàn gốc quýt trong vườn cho lợi nhuận trên 200 triệu đồng không chỉ giúp gia đình anh trả hết nợ, mà còn tiết kiệm được tiền để sửa lại ngôi nhà đang ở, trang trải cuộc sống cho đầy đủ hơn.
“Hiện nay, cây quýt đã được trồng thành vùng hàng hóa tại nhiều xã của Mường Khương. Việc rải vụ kết hợp với áp dụng khoa học kĩ thuật vào canh tác, góp phần nâng cao sản lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng cùng sự năng động của người dân đã giúp đồng bào dân tộc ở đây thoát nghèo, mở ra con đường làm giàu nơi vùng cao”- Anh Vàng Phà Quán khoe.
Nói về những đồi quýt xanh tươi ngút ngàn tầm mắt ở rẻo cao này, Chủ tịch UBND thị trấn Mường Khương, bà Hạ Thị Khánh Nguyệt cho hay: Cây quýt ngọt đang từng bước giúp đời sống của đồng bào ngày càng được cải thiện tốt hơn, rút ngắn khoảng cách với vùng thấp. Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo của Mường Khương khá cao, gần 20% nhưng vừa qua đã giảm xuống, hiện chỉ còn 12%. Thành công đó có một phần quan trọng từ công tác phối hợp nổi lên rõ rệt những năm qua giữa Đồn Biên phòng Mường Khương với thị trấn Mường Khương về phát triển kinh tế.
Trò chuyện về việc góp phần giúp người dân trên địa bàn thị trấn Mường Khương, Thượng tá Trần Văn Khoa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Khương chỉ cười xòa và vui vẻ cho biết: Cán bộ và chiến sĩ Đồn biên phòng Mường Khương nằm lòng “đồn là nhà, biên giới là quê hương; đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Để biến điều đó thành hành động, từ người chỉ huy đến mỗi chiến sĩ luôn sẵn sàng cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói ngôn ngữ của đồng bào. “Có như vậy dân mới tin, mới yêu quý và che chở, đùm bọc như người thân trong gia đình” - Thượng tá Trần Văn Khoa tâm sự.
Việc những cán bộ, chiến sĩ Biên phòng về từng bản, vào từng gia đình, cùng ăn, cùng làm với người dân để nắm bắt thực tế, đẩy mạnh phối hợp với chính quyền thị trấn đã góp phần tác động tích cực đến công tác xóa đói, giảm nghèo không chỉ riêng ở Mường Khương, Lào Cai, mà còn khắp các bản làng ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa và hải đảo của Tổ quốc. Trong những năm qua, Bộ đội Biên phòng đã tăng cường 332 cán bộ cho các xã, phường biên giới. Gần 1.600 đảng viên các Đồn Biên phòng cũng được giới thiệu tham gia sinh hoạt tại chi bộ các xóm, bản biên giới để tham mưu, đóng góp nâng cao năng lực lãnh đạo và chất lượng sinh hoạt của các chi bộ.
Với hơn 9.000 cán bộ các Đồn Biên phòng được phân công phụ trách trên 4,2 vạn hộ dân khu vực biên giới, cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào các dân tộc biên giới, là điều kiện để Bộ đội Biên phòng tiếp tục gần dân, sát dân và hiểu dân hơn.
Nhiều chương trình hướng về đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới cũng được Bộ đội Biên phòng triển khai như: Chương trình “Mái ấm biên cương”, vận động, quyên góp xây dựng hơn 7.000 căn nhà trị giá 241 tỷ đồng; chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới" đã trao hơn 25.000 con bò cho đồng bào nghèo; chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” cùng các cấp Hội Phụ nữ đỡ đầu, giúp đỡ chị em ở hơn 100 xã biên giới đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống…
Đặc biệt, Bộ đội Biên phòng đã phát động và tổ chức hiệu quả chương trình “Nâng bước em tới trường", đỡ đầu hơn 3000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới để các em được cắp sách tới trường. Trong đó, 820 cháu mồ côi, 40 cháu không nơi nương tựa được nuôi dưỡng tại các Đồn Biên phòng, gần 200 cháu là học sinh nước bạn Lào và Campuchia… Những hình ảnh “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Cán bộ xã quân hàm xanh”, “Chiến sỹ quân hàm xanh” đã thực sự được nhân dân các dân tộc tin yêu, quý mến, góp phần tô thắm thêm phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
Theo Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng: Dấu chân của những người lính quân hàm xanh đã in khắp các bản làng ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa và hải đảo của Tổ quốc. Bằng tình cảm, tinh thần trách nhiệm, Bộ đội Biên phòng đã thực hiện nhiều chương trình, mô hình, việc làm sáng tạo, hiệu quả thiết thực hướng về đồng bào các dân tộc, xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh. Những việc làm mang tính nhân văn sâu sắc đó đã góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết quân dân, tô đẹp thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.
“Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào các dân tộc biên giới, là điều kiện để Bộ đội Biên phòng tiếp tục gần dân, sát dân và hiểu dân hơn”, Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn khẳng định.
Bài cuối: Phát huy truyền thống bộ đội Trường Sơn