Tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Đa số ý kiến đều nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về sự cần thiết ban hành, mục đích, quan điểm xây dựng Luật nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Hà Nội được đề ra trong các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tạo động lực để Thủ đô phát triển xứng tầm với vị thế, nhiệm vụ.
Ngay sau Kỳ họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho biết, theo phương án đề xuất của UBND thành phố Hà Nội, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý có 7 chương, 54 điều, giảm 5 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội.
Để thuận lợi cho các cơ quan trong việc phối hợp tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra, Thường trực Ủy ban Pháp luật nêu một số đề xuất, kiến nghị; trong đó nhấn mạnh nguyên tắc nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan thẩm tra. Những nội dung không tiếp thu sẽ được giải trình đầy đủ, thuyết phục.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, các cơ quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu để bổ sung làm rõ hơn về: thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; mô hình khu phát triển thương mại văn hóa; quản lý, khai thác không gian ngầm phù hợp với Luật Đất đai; phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); liên kết, phát triển vùng Thủ đô...
Tại buổi làm việc, các đại biểu ghi nhận tinh thần chủ động, trách nhiệm của các cơ quan khi đã tổ chức nhiều cuộc làm việc để nghiên cứu phương án tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật với cách làm thận trọng, kỹ lưỡng. Đồng thời, các ý kiến cho rằng, việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về thuật ngữ, nội dung và cách thức thể hiện, kỹ thuật lập pháp; phải rà soát thật kỹ những điều khoản có liên quan trực tiếp với nhau để có cách thể hiện thống nhất.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan có liên quan khẩn trương tiến hành rà soát, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; làm việc trực tiếp với các bộ, ngành về phương án tiếp thu, chỉnh lý đối với từng nhóm chính sách trong dự thảo Luật; phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức hội thảo, tọa đàm về những nội dung, chính sách mới, đặc thù, đột phá trong dự thảo Luật để tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Bộ Tư pháp khẩn trương đề xuất phương án giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật gửi về Thường trực Ủy ban Pháp luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thường trực Thành ủy Hà Nội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục quan tâm, chủ động đề xuất các nội dung tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, nhất là các nội dung có tính chuyên môn sâu; tham gia phối hợp chặt chẽ, kịp thời, trách nhiệm.