Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đạt được, chia sẻ bài học kinh nghiệm, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác dân vận.
Phó trưởng Ban Thường trực ban Dân vận Trung ương Thào Xuân Sùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trịnh Duy Hưng /TTXVN |
Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác dân vận trong thời gian tới. Theo đó, Ban Dân vận các địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai và thực hiện tốt các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về công tác dân vận, trọng tâm là Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Chỉ thị của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”…
Các địa phương nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dân vận các cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp và lực lượng vũ trang; tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện tốt Kết luận của Bộ Chính trị về đẩy mạnh, nâng cao, chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Kết luận của Ban Bí thư và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính Nhà nước.
Ban Dân vận phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tạo không khí phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân, thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Ban Dân vận các tỉnh tiếp tục đổi mới công tác vận động quần chúng, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng quần chúng nhân dân, công tác vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, khối dân vận cơ sở.
Các đại biểu đã thẳng thắn nêu lên những hạn chế, tồn tại trong thực hiện công tác dân vận tại các địa phương. Tại Thanh Hóa, việc quán triển, triển khai, sơ kết, tổng kết một số chủ trương, Nghị quyết, kết luận của Trung ương và của Tỉnh ủy về công tác dân vận còn hình thức, chất lượng còn hạn chế, thời gian chưa đảm bảo quy định.
Công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác dân vận chưa thường xuyên, nhiều nơi triển khai xong không kiểm tra, giám sát. Tại tỉnh Nghệ An, việc nắm bắt tình hình nhân dân và dự báo những vấn đề nảy sinh từ cơ sở ở một số nơi còn nhiều hạn chế.
Chất lượng, hiệu quả hoạt động của khối dân vận, tổ dân vận; chất lượng hoạt động của Mặt trận, đoàn thể ở khối, xóm, bản một số nơi chưa cao. Công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cấp huyện, xã còn nhiều hạn chế…
Trên cơ sở những tồn tại, các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện phương thức dân vận thời gian tới. Đại diện Ban Dân vận Đắk Lắk đề nghị Ban Dân vận Trung ương có ý kiến với Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khi đầu tư các dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số cần tập trung nguồn lực đầu tư dứt điểm, tránh tình trạng thiếu vốn, kéo dài thời gian triển khai dự án, gây bức xúc trong nhân dân, tạo cớ cho các đối tượng xấu kích động xúi giục người dân, gây ra "điểm nóng" tại cơ sở…
Đại diện Ban Dân vận tỉnh Quảng Bình đề nghị Ban Dân vận Trung ương ban hành Kế hoạch tăng cường công tác dân vận của Đảng và chính quyền để góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ở các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị để kịp thời triển khai trong hệ thống dân vận các cấp. Ban Dân vận Trung ương tăng cường tập huấn nghiệp vụ, các hội thảo chuyên đề công tác dân vận để Ban Dân vận các địa phương, đơn vị có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả công tác…
Kết luận hội nghị, đồng chí Thào Xuân Sùng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương đánh giá cao và ghi nhận các ý kiến tham luận của các đại biểu tại hội nghị. Để công tác dân vận thời gian tới đạt hiệu quả, các địa phương tăng cường nghiên cứu và tổng kết thực tiễn mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.
Người làm công tác dân vận phải nhạy bén, hoàn thiện kỹ năng vận động nhân dân; từng bước đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền để phù hợp với khả năng nhận thức của nhân dân từng vùng, từng địa phương. Ban Dân vận các địa phương tiếp tục phối hợp với Mặt trận và các tổ chức đoàn thể củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, qua đó bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ…
Các ý kiến đề xuất tại hội nghị sẽ được Ban tổ chức tiếp thu, tập hợp gửi đến Thường trực Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Chính phủ nhằm hoàn thiện phương thức dân vận, qua đó thực hiện hiệu quả công tác dân vận thời gian tới…