Tiếp tục Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII

Ngày 19/6, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.

 

Đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã


Nhiều vấn đề liên quan đến xác định bản chất hợp tác xã (HTX), phân định giữa HTX với doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho HTX nông nghiệp, mức vốn góp tối đa của một thành viên, việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ của HTX ra bên ngoài thị trường… đã được các đại biểu thảo luận.


Các đại biểu cơ bản đồng tình với tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật, cho rằng cần ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) để đảm bảo thực hiện quản lý nhà nước có hiệu quả, hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế HTX phát triển lành mạnh, bền vững. Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) khẳng định dự thảo lần này đã tiếp cận đúng đắn. Định nghĩa HTX là tổ chức kinh tế tập thể phù hợp với nghị quyết của Đảng và toàn bộ nội dung đã tiếp cận với các tổ chức HTX của thế giới nói chung. Luật đã làm rõ vấn đề HTX là của những người yếu thế, là những nông dân, cá thể tự sản xuất không lên được, những thợ thủ công không cạnh tranh nổi, là những người làm dịch vụ nhỏ lấy công làm lãi, người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thấp… trong cạnh tranh thị trường họ không thể tự cạnh tranh được. Luật ra đời nhằm tạo cơ chế, chính sách để bù lại một phần yếu thế của họ, để họ cạnh tranh, tồn tại và phát triển.


 

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) phát biểu ý kiến. Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN

 

Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị giữ như luật hiện hành tức là xem HTX là một tổ chức kinh tế tập thể và hoạt động như một loại hình doanh nghiệp thực thụ có tính xã hội cao, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, miễn là kinh doanh có hiệu quả, có lợi nhuận cao và bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp khác.


Về mức vốn đóng góp đối với thành viên HTX, các đại biểu đề nghị cần làm rõ căn cứ pháp lý của việc quy định mức vốn đóng góp tối đa 20% như dự thảo Luật đưa ra. Có ý kiến đề nghị không nên hạn chế mức góp vốn tối đa nhằm huy động và phát huy khả năng vốn cho HTX, nếu có quy định thì cũng là về lâu dài chứ trước mắt không nên hạn chế mức góp vốn này. Đại biểu Trần Thị Phương Khanh (Long An) nhận định: Khi chấp nhận điều lệ HTX thì việc xã viên góp nhiều hay ít vốn đều có quyền biểu quyết như nhau trong việc quyết định các vấn đề thuộc phạm vi của đại hội xã viên như phương án kế hoạch sản xuất kinh doanh, phân phối thu nhập.


Đồng tình với dự thảo Luật là phải quy định chặt chẽ việc cho phép HTX góp vốn, mua cổ phần, thành lập công ty để tránh thành lập hợp tác xã nhằm hưởng ưu đãi của Nhà nước, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng quy định có giới hạn là phù hợp. Đồng thời, đại biểu kiến nghị Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sắp tới nên có ưu tiên khuyến khích các loại hình kinh tế hợp tác phát triển. Đại biểu ví dụ, nếu xã viên HTX cà phê tổ chức liên kết xây dựng nhà máy sản xuất cà phê thì nhà máy này cần được ưu đãi thuế thu nhập hơn là các doanh nghiệp khác để hình thành ngành công nghiệp chế biến trên nền tảng các HTX nông nghiệp.


Các đại biểu cũng đề nghị Nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với HTX cao hơn với doanh nghiệp, cụ thể hơn, mở rộng hơn nữa, có chính sách về thuế, tín dụng, giá, đào tạo, hỗ trợ hạ tầng, cơ sở vật chất và đặc biệt nên ưu tiên với các HTX nông nghiệp. Đại biểu Nguyễn Thanh Tùng (Bình Định) đề nghị cần có nhiều chính sách hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn cho HTX nông nghiệp. Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) mong muốn Nhà nước hỗ trợ về đào tạo, khoa học công nghệ, về vốn, ưu tiên hơn cho HTX nông nghiệp, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Cần quy định cụ thể các định chế tài chính nhà nước phải dành ưu tiên hỗ trợ cho các HTX.

 

Số lượng luật sư so với số dân còn thấp


Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, các ý kiến tập trung vào các vấn đề: Người được miễn đào tạo nghề luật sư; tập sự hành nghề luật sư; kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư; quyền, nghĩa vụ của luật sư… Phần lớn các ý kiến thống nhất với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung của dự án luật; đánh giá bên cạnh những kết quả đã đạt được, tổ chức và hoạt động luật sư ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Chất lượng của đội ngũ luật sư tuy đã được nâng lên một bước, nhưng vẫn còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp; số luật sư có trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế chỉ chiếm khoảng 1,2%; số lượng luật sư hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của xã hội và yêu cầu cải cách tư pháp; số luật sư so với dân số còn rất thấp (1 luật sư/12.000 người dân); tỷ lệ vụ án hình sự, dân sự và hôn nhân gia đình có luật sư tham gia còn thấp...


Thảo luận về quy định cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật hành nghề luật sư, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đồng ý với quy định của dự thảo bởi cho rằng nếu quy định này được thực hiện, sẽ sử dụng được lực lượng giảng viên có kiến thức chuyên sâu về luật. Mặt khác, việc tham gia hành nghề luật sư cũng tạo điều kiện để các giảng viên được tiếp cận với các vụ việc cụ thể, bổ sung cho nội dung bài giảng. Quy định này cũng hoàn toàn phù hợp với Luật Viên chức hiện hành. Tuy nhiên, theo đại biểu để giảng viên vừa hoàn thành nhiệm vụ của giảng viên đồng thời tham gia công tác luật sư thì cần có sự đồng ý, chấp thuận của cơ quan chủ quản nơi viên chức công tác.


Cho ý kiến về Điều 14: Tập sự hành nghề luật sư, đại biểu Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) cho rằng cần giữ nguyên như luật hiện hành, tức là tập sự hành nghề luật sư là 18 tháng. Theo đại biểu, thời gian này để luật sư có sự va chạm thực tế, tích lũy kỹ năng hành nghề, qua đó khi hành nghề chính thức có đủ bản lĩnh, trình độ nghiệp vụ. Đại biểu nhấn mạnh việc giảm thời gian thực tập xuống 6 tháng và tăng thời gian đào tạo là 12 tháng là không phù hợp. Theo đại biểu, thời gian tập sự, luật sư hướng dẫn là rất quan trọng, phải ít nhất là 3 năm kinh nghiệm hành nghề luật sư. Hiện nay, nhiều luật sư chính thức được công nhận nhưng 3 năm thậm chí 5 năm họ không hành nghề chính thức, vẫn hướng dẫn thực tập. Đại biểu đề nghị luật quy định chặt chẽ hơn, luật sư sau 3 năm hành nghề, có công việc nhất định mới được hướng dẫn người khác nhằm đảm bảo chất lượng cho người thực tập.      


Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đã góp ý cụ thể về các quy định về đoàn luật sư; nhiệm vụ, quyền hạn của đoàn luật sư; nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn Luật sư Việt Nam… 


 Thanh Vân - Quỳnh Hoa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN