Thực hiện nghiêm chiến lược phòng, chống dịch bệnh
Báo cáo tình hình dịch bệnh, ông Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tính đến sáng 21/1, thế giới ghi nhận gần 96,7 triệu ca mắc COVID-19 và trên 2 triệu ca tử vong, tại 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỹ là quốc gia có số ca mắc cao nhất thế giới (với khoảng trên 24,8 triệu ca mắc, trên 411.000 ca tử vong); tiếp theo là Ấn Độ (với gần 10,6 triệu ca mắc, gần 153 nghìn ca tử vong); Brazil (với gần 8,6 triệu ca mắc, trên 211.000 ca tử vong).
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, biến thể mới của SARS-CoV-2, được phát hiện đầu tiên tại Anh, đã lây lan ra 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Biến thể mới của virus được phát hiện tại Nam Phi cũng đã xuất hiện tại 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước trong khu vực châu Âu đang duy trì các biện pháp quyết liệt nhằm chặn đà lây lan của biến thể mới. Tại Đông Nam Á, diễn biến dịch bệnh phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới. Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực (trên 927.000 ca mắc, khoảng 26.500 ca tử vong); Philippines (khoảng 506.000 ca mắc, trên 10.000 ca tử vong); Malaysia (trên 165.000 ca mắc, 619 ca tử vong).
Về tình hình dịch bệnh trong nước, tính đến 17 giờ ngày 20/1, Việt Nam vẫn tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới nhập cảnh (đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh). Đến nay, cả nước ghi nhận 1.544 ca mắc, trong đó 884 ca nhập cảnh từ nước ngoài. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên thế giới và khu vực, Bộ Y tế khuyến cáo cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chiến lược xuyên suốt từ ban đầu: "Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả".
Hiện, các đơn vị sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trong nước đang nỗ lực đẩy mạnh tiến độ triển khai nghiên cứu, tiến tới thử nghiệm tiền lâm sàng, trong đó có 2 vaccine (của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen; Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế) đang được thử nghiệm. Khi bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19, Việt Nam là một trong 40 quốc gia thử nghiệm vacccine ngừa COVID-19 trên người.
Những nước triển khai tiêm vaccine vẫn có nguy cơ bùng phát dịch
Liên quan đến kết quả kiểm tra của các đoàn kiểm tra, Ban Chỉ đạo, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, các cơ sở cách ly ở các tỉnh, thành phố: Khánh Hòa, Đà Nẵng, Lào Cai, Gia Lai, Đắk Lắk, Đồng Tháp… đã thực hiện nghiêm công tác nhập cảnh, cách ly và giám sát y tế đối với các chuyên gia, công dân Việt Nam nhập cảnh, theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Đức cho biết, một số cơ sở cách ly tập trung vẫn chưa tuân thủ quy định, có thể dẫn đến rủi ro, lây nhiễm. Do đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương phải tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của Bộ Y tế tại khu cách ly tập trung; những nơi để xảy ra vi phạm phải xử lý nghiêm.
Đánh giá về tình hình nghiên cứu, sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới, các thành viên Ban Chỉ đạo, chuyên gia nhận định, mặc dù đã có khoảng 46 nước triển khai chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 với khoảng 28 triệu liều vaccine được sử dụng; tuy nhiên, quá trình tạo ra miễn dịch trong cộng đồng phải thực hiện trong thời gian dài. Trong khi đó, biến thể mới của SARS-CoV-2 đã xuất hiện trên nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến dịch bệnh có dấu hiệu lây lan nhanh hơn. Trước thực tế số ca tử vong do dịch COVID-19 tăng lên trong những ngày gần đây (khoảng 14 - 16 nghìn ca/ngày), các chuyên gia cho rằng, những nước đã triển khai tiêm vaccine vẫn có nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo yêu cầu tiếp tục kiểm soát chặt chẽ biên giới, ngăn chặn triệt để những người nhập cảnh bất hợp pháp. Bộ Quốc phòng không chỉ tăng cường lực lượng bộ đội biên phòng mà có những đề xuất hỗ trợ kịp thời, động viên các lực lượng làm nhiệm vụ. Cùng với đó, lực lượng công an phối hợp sát với các địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động gia đình có người thân ở nước ngoài, nếu buộc phải về nước, khai báo y tế đầy đủ và thực hiện cách ly nghiêm túc; yêu cầu người dân báo cho chính quyền địa phương khi phát hiên người trở về từ nước ngoài.
Báo cáo về nguyện vọng về nước của người dân Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho biết, bên cạnh một số trường hợp có nguyện vọng về quê đón Tết Nguyên đán, nhiều trường hợp gặp khó khăn về kinh tế do dịch bệnh kéo dài như lao động hết hạn hợp đồng, người bị mắc kẹt, người đi chữa bệnh cũng có nguyện vọng trở về quê hương…
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cho rằng, việc đưa công dân trở về nước được phải dựa trên cơ sở đánh giá và đảm bảo đúng năng lực cách ly trong nước, đặc biệt, trước sự xuất hiện của biến thể mới của SARS-CoV-2. Do đó, các ý kiến thống nhất sẽ báo cáo cấp thẩm quyền quyết định, trước mắt, động viên bà con tuân thủ quy định phòng chống dịch, pháp luật nước sở tại; đồng thời, sẽ đề xuất cơ chế tổ chức các chuyến bay đón công dân về nước trên tinh thần đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Về vấn đề nghiên cứu, sản xuất và tiếp cận vaccine, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế tích cực phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện cơ chế. Tương tự các quốc gia khác, Việt Nam sẽ xác định đối tượng ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19. Cùng với đó, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục thúc đẩy chương trình thử nghiệm vaccine trong nước.
Thường trực Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế, Bộ Tài chính thống nhất cơ chế phù hợp về việc sản xuất, cung cấp vaccine khi vaccine ở trong nước được thử nghiệm thành công.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo tình hình triển khai, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở trường học, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng... trên cả nước. Các bộ, ngành, địa phương tích cực tự đánh giá và cập nhật thông tin lên Bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19 (tại địa chỉ www.antoancovid.vn).
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, các ý kiến cho rằng, nhiều địa phương chưa ý thức đầy đủ tầm quan trọng của nhiệm vụ nên tiến độ thực hiện còn chậm. Do đó, trong dịp giáp Tết Nguyên đán 2021 cận kề, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch tại các địa phương trên cả nước.