Tìm giải pháp để mọi người dân đều có nhà ở

Ngày 24/10, thảo luận về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), vấn đề thành lập quỹ phát triển nhà ở xã hội được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến thống nhất với những quan điểm trái chiều. Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, nên thu hẹp diện được sử dụng nhà ở công vụ.

Tiền đâu cho quỹ?


Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết: “Qua thảo luận đã ghi nhận 2 luồng ý kiến: Luồng thứ nhất không tán thành. Luồng thứ hai tán thành, nhưng cần quy định rõ hơn về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động của Quỹ phát triển nhà ở”.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) phát biểu ý kiến.
Ảnh: Thống Nhất-TTXVN


Thảo luận về dự luật, nhiều đại biểu cho rằng, nên thành lập quỹ phát triển nhà ở để giúp người dân có nhà ở. Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nêu ý kiến: “Khổ và buồn nhất là vô gia cư, quy định này đem lại niềm hy vọng, điểm tựa để hỗ trợ cho người nghèo có chỗ ở. Nhưng đề nghị phải công bằng về hình thức hỗ trợ, cho thuê, mua, miễn giảm... cho người dân. Hỗ trợ lãi suất để người dân mua nhà trả góp, hỗ trợ doanh nghiệp xây nhà phi lợi nhuận cho người nghèo, miễn giảm tiền sử dụng đất, cho vay ưu đãi”.

“Cần có Quỹ phát triển nhà ở, vì nhu cầu nhà ở xã hội là rất lớn, cử tri nghèo đều mong muốn có quỹ này để xây dựng nhà ở hoặc sửa chữa nhà, hơn 500.000 hộ nghèo sẽ được hỗ trợ. Quỹ phát triển nhà ở cấp địa phương là rất cần thiết”, đại biểu Hùng nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cho rằng: “Cần có quỹ theo hướng tập trung quốc gia, có chi nhánh ở địa phương. Thông qua quỹ này, điều tiết nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là những người khó khăn. Thực tế, ngay cả nước phát triển như Singapore, 80% người dân vẫn thuê nhà thông qua quỹ phát triển nhà. Do vậy, chúng ta phải thành lập quỹ, nhưng phải quản lý chặt chẽ”.

Về nguồn vốn cho quỹ, đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) để xuất:

“Có thể từ 3 nguồn là vốn ngân sách, vốn đóng góp trước thuế của doanh nghiệp và của chính người mua nhà góp tiền mua nhà trong tương lai. Theo tôi, không nên bỏ qua quy định thành lập quỹ này”.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, chưa nên thành lập quỹ này trong bối cảnh ngân sách đang eo hẹp. “Không có lý do gì để trích tiền ngân sách, tiền thuế đóng góp của dân để lập quỹ chỉ để phục vụ cho một nhóm dân cư. Quỹ hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nên lấy tiền đâu để trả lãi suất trái phiếu Chính phủ? Còn nếu nói lấy tiền góp vốn tiết kiệm từ người mua nhà thì cũng không có cơ sở, vì họ có tiền thì mua đứt nhà chứ lý do gì trích tiền đóng vào quỹ”, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) phân tích.

Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thanh Bình cho rằng: “Nếu thành lập quỹ sẽ phát sinh thêm nhiều vấn đề và khó kiểm soát. Nguồn kinh phí để hoạt động quỹ là không khả thi vì ngân sách hiện nay đã quá căng thẳng”.

Hạn chế đối tượng sử dụng nhà công vụ


Theo các đại biểu, nhà nước đang phải chi khoản ngân sách lớn để xây dựng, bảo trì nhà công vụ, trong khi nợ công sắp vượt quá giới hạn an toàn.
Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng: “Nhà ở công vụ phải đảm bảo tính công bằng, tạo điều kiện cho cán bộ làm việc ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Tuy nhiên, quy định hiện nay quá rộng, quy định “Cán bộ được sử dụng nhà công vụ theo yêu cầu công tác” là chưa công bằng. Vì từ vùng khó khăn về thành phố cũng là theo yêu cầu, từ thành phố lên miền núi cũng là theo yêu cầu công tác, nhưng lại bất bình đẳng về quyền lợi. Do vậy, cần quy định theo hướng, cán bộ được luân chuyển đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... được ưu tiên. Còn những người luân chuyển về thành phố thì cần hạn chế, vì họ đã có nhiều quyền lợi, được hỗ trợ tiền nhà, được hưởng giáo dục, y tế... chất lượng cao”.

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) phát biểu: “Cần quy định chặt chẽ, hạn chế phạm vi, đối tượng được hưởng chính sách này. Phải đảm bảo công khai, minh bạch, được giám sát bởi Quốc hội, Hội đồng nhân dân khi sử dụng vốn ngân sách để xây dựng, định kỳ phải báo cáo”.

Cấm chiếm dụng vốn của người mua nhà


Thảo luận về Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trong phiên họp chiều 24/10, các đại biểu QH cho rằng, cần đảm bảo quyền lợi cho người dân mua nhà với những dự án bất động sản hình thành trong tương lai. “Nhiều chủ đầu tư huy động, chiếm dụng vốn trái phép, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với người mua nhà. Do vậy, cần mạnh dạn quy định để ngăn chặn hành vi gian lận này của các chủ đầu tư. Đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà”, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chính Minh) kiến nghị.

Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nhận xét: “Tình trạng người dân góp tiền mua nhà, nhưng chủ đầu tư lại sử dụng sai mục đích xảy ra khá phổ biến hiện nay. Do vậy, cần quy định, nếu người dân góp vốn để mua nhà trong tương lai, tiền góp phải được mở tài khoản ở ngân hàng, chỉ được giải ngân cho công trình, cấm sử dụng vào mục đích khác, để bảo vệ quyền lợi người mua nhà. Ở nước khác, nếu tiền góp vốn của người mua mà chủ công trình đem làm việc khác thì sẽ bị xử lý hình sự”.

Hữu Vinh

Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai): Phải cân nhắc lựa chọn đúng doanh nghiệp có năng lực

Góp ý kiến về Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trong Điều 24 về quyền bán nhà, công trình xây dựng, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) cho rằng: Chưa có qui định ràng buộc, đánh giá bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN