Ngân hàng đẩy mạnh kênh bán vàng online cho ngày Thần tài
Mua vàng ngày Vía Thần tài (tức mùng 10 tháng Giêng âm lịch) từ lâu đã trở thành thói quen của nhiều người dân với mong muốn đón tài lộc, may mắn và thịnh vượng về với cá nhân và gia đình trong năm mới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, việc mua vàng ngày Thần tài trực tiếp tại các địa điểm bán vàng dường như là việc khó thực hiện.
Nắm bắt được tâm lý này, nhiều ngân hàng đã triển khai dịch vụ mua vàng trực tuyến, giao hàng tại nhà đi kèm các ưu đãi hấp dẫn phục vụ nhu cầu mua sắm an toàn của người dân.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đang triển khai chương trình "Thần Tài đến nhà, Nhận lộc Xuân sang", hoàn 10% giá trị thanh toán, tối đa lên tới 500.000 đồng dành cho khách hàng thanh toán mua vàng AJC bằng thẻ quốc tế SeABank hoặc mua vàng online trên ứng dụng ngân hàng số SeAMobile.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng hợp tác với Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI đã triển khai dịch vụ mua vàng trực tuyến eGold qua máy tính hoặc điện thoại.
Theo đó, khách hàng chỉ cần có tài khoản tại ngân hàng TPBank là có thể mua bán vàng thông qua website https://egold.doji.vn với các sản phẩm vàng như: Vàng Kim Ngưu, vàng Kim Thần tài, Âu Vàng Phúc Long, và nhẫn vàng trọng lượng 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ, 10 chỉ...
Trong khi đó, khách hàng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có thể lựa chọn mua vàng trực tuyến tại nhiều kênh: SGold (https://sgold.sacombank-sbj.com); fanpage SBJ (https://www.facebook.com/sbj.trangsuc.quatangkimhoan) và website SBJ (https://sacombank-sbj.com).
Có thể nói, mua hàng online đã trở nên phổ biến từ lâu, nhưng mua vàng online thì vẫn còn khá mới mẻ với nhiều người dân, bởi đây là mặt hàng giá trị cao, tâm lý người dân vẫn muốn được mua bán, cầm giữ trực tiếp. Tuy vậy, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang ngày càng phức tạp, lây lan nhanh trong cộng đồng như hiện nay, việc giao dịch online được các chuyên gia khuyến khích sử dụng.
Sản phẩm vàng nhỏ, linh vật trâu vàng, vòng mix charm hút khách cận ngày vía Thần tài
Bên cạnh mua vàng online, việc mua bán vàng tại các cửa hàng vàng cũng diễn ra khá sôi động. Tại đây, người dân có thể lựa chọn những sản phẩm vàng mình thích để làm Thần tài may mắn cả năm.
Ngày 20/2, theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức tại các địa chỉ mua bán vàng ở Hà Nội như Trung tâm vàng bạc trang sức của Doji, Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý..., khách hàng đến giao dịch khá sôi động nhưng không quá “dồn ứ” như những năm trước. Các sản phẩm vàng Kim Ngân Tài, nhẫn tròn từ 1 đến 2 chỉ; vòng charm vàng 24K công nghệ 3D hình 12 con giáp giá từ 1,7 đến hơn 2 triệu đồng/món khá hút khách.
Theo bà Lê Thị Hiền - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji, mặc dù Tết Nguyên Đán và ngày Thần Tài năm nay rơi vào đúng thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng lượng giao dịch tại Doji vẫn tăng nhiều lần so với ngày thường. Tuy nhiên, nhiều khách hàng đã mua vàng rải rác từ đầu xuân và mua online nên lượng khách không đông đột biến như những năm trước. Tại Trung tâm Vàng bạc trang sức Doji Tower, trong không gian “Ngày hội vàng”, mặt hàng được tìm kiếm nhiều là sản phẩm vàng ép vỉ 999.9 hình tượng linh vật trâu vàng, Kim Ngưu Chiêu Tài, Kim Ngưu Phát Lộc.
Còn theo bà Nguyễn Thị Luyến, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Bảo Tín Minh Châu, trong 2 ngày nay, lượng khách tới mua sắm vàng tăng hơn so với thời điểm cận Tết Nguyên đán vừa qua. Trong đó, sản phẩm bản vị vàng Thần Tài từ 0,5 đến 2 chỉ; linh vật trâu vàng, đĩnh vàng Tài lộc hay dây chuyền mix charm trâu vàng, nhẫn kim tiền được nhiều khách hàng mua.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, nếu kiểm soát được dịch bệnh trong quý I/2021, giá vàng trong nước sẽ ổn định ở mức 55 - 56 triệu đồng/lượng. Thị trường thế giới nếu ổn định dịch giá vàng thế giới sẽ niêm yết quanh mức 1.800 USD/oz. Nếu trường hợp không kiểm soát được dịch COVID-19, giá vàng thế giới sẽ ngày càng được đẩy lên, thậm chí có thể vọt lên mốc 2.100 và 2.200 USD/oz.
Các hãng hàng không dành nhiều ưu đãi sau Tết
Để kích cầu người đi trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các hãng hàng không vừa thông báo dành nhiều ưu đãi cho hành khách sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Theo đó, từ ngày 19/2 đến 28/2/2021, Vietnam Airlines và Pacific Airlines triển khai chương trình "Đồng giá nội địa 88.000 đồng" nhân dịp đầu xuân năm mới chỉ với 88.000 đồng/chiều (tương đương 567.000 đồng/chiều bao gồm thuế, phí) trên các hành trình nội địa do Vietnam Airlines và Pacific Airlines khai thác. Tổng số ghế mở bán cho cả hai hãng này là 1 triệu ghế.
Chương trình áp dụng cho khách hàng có hành trình khởi hành trong thời gian từ 19/2 đến 31/12/2021 (trừ một số giai đoạn cao điểm) và cho phép hành khách được đổi vé không giới hạn số lần đổi trước ngày bay với phí đổi là 500.000 đồng/vé.
Ngoài ra, hành khách được 1 kiện hành lý ký gửi 23kg cùng các điều kiện đi kèm khác. Hành khách có thể mua vé với mức giá ưu đãi trên tại website, ứng dụng di động, các phòng vé, đại lý chính thức của Vietnam Airlines và Pacific Airlines.
Trong khi đó, Bamboo Airways cũng vừa đưa ra thông báo nâng hạng miễn phí, tặng voucher nghỉ dưỡng 5 sao cho hạng vé từ Eco Flex trở lên.
Theo đó, hành khách mua vé Bamboo Airways hạng Eco Flex trở lên từ nay đến 31/12/2021 sẽ được nhận quà đầu xuân hấp dẫn như miễn phí nâng hạng thương gia hay voucher nghỉ dưỡng tại quần thể FLC, với nhiều tiện ích đẳng cấp.
Bên cạnh đó, từ nay đến 31/12/2021, khách hàng sẽ được tặng voucher nghỉ dưỡng 2 ngày 1 đêm tại quần thể FLC khi mua vé khứ hồi hạng Business tại hệ thống phòng vé và các đại lý chính thức của Bamboo Airways. Khách hàng có thể nhận voucher tại các phòng vé, đại lý của Bamboo Airways và sử dụng dịch vụ dễ dàng bằng cách liên hệ qua hotline hoặc email in trên voucher.
Hải Dương có thêm 6 ca mắc mới COVID-19
Tính đến 18 giờ ngày 20/2, Việt Nam ghi nhận thêm 6 ca mắc mới COVID-19, đều tại Hải Dương.
Các ca bệnh từ BN2363- BN23 tại Hải Dương đều là F1, đã được cách ly tập trung trước đó. Hiện có 2 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 1 (Trung tâm Y tế thành phố Chí Linh) và 4 bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 (Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương).
Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 20/2, Việt Nam có tổng cộng 1.469 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 776 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 125.572 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 594 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 13.316 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 111.662 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19), trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 163 ca.
Cũng trong ngày 20/2, Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy đã khẩn trương lên đường “chi viện”, điều nhân lực và trang thiết bị y tế cho Bệnh viện dã chiến số 2 của tỉnh Hải Dương.
Bên cạnh “chi viện” nhân lực, Đội phản ứng nhanh cũng đã mang theo hệ thống máy Sinh hóa – Miễn dịch để hỗ trợ "tiền tuyến". Thời gian hỗ trợ bắt đầu từ ngày 20/2/2021 cho đến khi dịch bệnh tại Hải Dương được kiểm soát.
Hải Dương kiểm soát phương tiện lưu thông khi thực hiện cách ly xã hội
Ngày 20/2, Hải Dương đã thông báo về việc kiểm soát lưu thông của các phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Cụ thể, đối với các phương tiện cá nhân được lưu thông để mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn và phương tiện của cá nhân làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang và tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hoạt động sản xuất được tiếp tục hoạt động.
Cùng với đó, các phương tiện phục vụ phòng, chống dịch, vận chuyển hàng hóa như: xe công vụ, xe phục vụ tiêu dùng chở lương thực, thực phẩm, xe đưa đón công nhân, chở hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất, xe cấp cứu, tang lễ, phòng cháy, chữa cháy, xe sửa chữa điện, nước, viễn thông, bưu chính, cứu hộ, cứu nạn… được hoạt động.
Đối với những địa phương đang thực hiện phong tỏa, các phương tiện được phép lưu thông phải đo thân nhiệt, khai báo y tế đối với lái xe và người đi cùng. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ như ho, sốt, khó thở, mệt mỏi thì đưa vào cơ sở cách ly và xét nghiệm SARS-CoV-2. Đối với xe phục vụ tiêu dùng, xe phục vụ sản xuất thì lái xe, phụ xe phải có cam kết thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 khi đi ra và cũng tiến hành đo thân nhiệt, khai báo y tế và đưa đi cách ly, xét nghiệm khi có dấu hiệu nghi ngờ.
Những địa phương không bị phong tỏa, cách ly y tế thì phải cam kết thực hiện 5K khi di chuyển trong địa bàn tỉnh Hải Dương; đo thân nhiệt, khi lái xe và người đi cùng có dấu hiệu nghi ngờ thì đưa vào cơ sở cách ly.
Đối với các phương tiện ngoài tỉnh đi vào nội tỉnh Hải Dương sẽ được kiểm soát mục đích và loại xe được lưu thông như trên. Lái xe và người đi cùng phải thực hiện khai báo y tế và lịch trình nơi đi, nơi đến; cam kết thực hiện 5K khi di chuyển trong địa bàn tỉnh Hải Dương; khi đo thân nhiệt và phát hiện lái xe, người đi cùng có dấu hiệu nghi ngờ thì sẽ đưa đi cách ly.
Cũng trong ngày, ngày 20/2, để xét nghiệm dịch COVID-19 cho các lái xe, Sở Y tế Hải Dương đã bố trí một khu vực riêng là phòng khám chăm sóc sức khỏe sinh sản ở phố Quang Trung, thành phố Hải Dương làm nơi đăng ký và lấy mẫu xét nghiệm. Thời gian lấy mẫu từ chiều ngày 20/2, từ 7 giờ 30 đến 12 giờ và từ 13 giờ đến 16 giờ 30, kể cả thứ 7, chủ nhật. Kết quả xét nghiệm sẽ được trả trong vòng 24 giờ kể từ khi lấy mẫu. Các lái xe khi đến lấy mẫu xét nghiệm phải mang theo bằng lái xe và thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, giãn cách để phòng chống dịch theo đúng qui định. Và liên hệ trước với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh theo số điện thoại 0396063115 để xếp lịch lấy mẫu.
Việc bố trí phòng lấy mẫu xét nghiệm riêng để phục vụ nhanh chóng, kịp thời cho các lái xe nhất là lái xe vận chuyển hàng hóa, nông sản đi tiêu thụ.
TP Hồ Chí Minh đề nghị 6 tỉnh có biên giới trao đổi thông tin các trường hợp nhập cảnh trái phép
Ngày 20/12, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu đã kí công văn số 518/UBND-NCPC gửi UBND các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang về việc trao đổi thông tin các trường hợp nhập cảnh trái phép vào trong nước qua đường lối mòn, lối mở để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, làm phát sinh tâm lý nhiều người Việt Nam ở nước ngoài tìm mọi cách nhập cảnh vào trong nước để tránh dịch. Không chỉ vậy, tại một số quốc gia đã xuất hiện chủng virus SARS-CoV-2 biến thể mới với tốc độ lây lan rất nhanh. Nhằm tránh lây lan dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định ngừng các chuyến bay đưa người Việt Nam từ các nước có chủng virus SARS-CoV-2 biến thể mới về nước.
Vừa qua, tại các tỉnh phía Nam cũng đã xảy ra nhiều vụ nhập cảnh trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở, vi phạm quy định về phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ. Theo đó, số người nhập cảnh trái phép đã di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người gây nguy cơ cao lây lan bệnh dịch ra cộng đồng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng đã tập trung triển khai nhiều lực lượng, phương tiện, áp dụng nhiều biện pháp để truy tìm đối tượng, truy vết những người tiếp xúc và triển khai các biện pháp để phòng chống dịch COVID-19.
Sau Tết Nguyên đán, nhằm chủ động ngăn chặn không để các đối tượng nhập cảnh trái phép vào trong nước gây nguy cơ dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị UBND 6 tỉnh nêu trên kịp thời trao đổi thông tin các trường hợp nhập cảnh trái phép theo đường mòn, lối mở có hộ khẩu thường trú, tạm trú tại TP Hồ Chí Minh hoặc có dấu hiệu di chuyển vào TP Hồ Chí Minh. Việc này giúp UBND TP Hồ Chí Minh kịp thời triển khai các biện pháp truy tìm, truy vết, phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh.
Mặt khác, TP Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra khai báo y tế hành khách đi máy bay, xe lửa, xe khách đến địa bàn; kiểm soát chặt người nhập cảnh, nhất là phát hiện, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép; tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đối tượng chính sách; hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh...
Cũng trong ngày 20/2, TP Hồ Chí Minh cách ly tập trung 217 người về từ vùng dịch sau Tết
Ngoài ra, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên cả nước, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố vừa có hướng dẫn tạm thời về thời gian cách ly và xét nghiệm SARS- CoV-2 cho người cách ly tập trung tại các khu cách ly tập trung.
Theo đó, Thành phố chia thành 4 nhóm đối tượng cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Thời gian cách ly và số lần xét nghiệm cụ thể cho từng nhóm đối tượng cách ly như sau:
Đối với nhóm 1: Người được cách ly là nhân viên VIAGS, F1 là nhân viên sân bay, người nhà nhân viên sân bay sẽ thực hiện cách ly đủ 14 ngày kể từ ngày bắt đầu cách ly và được xét nghiệm 4 lần vào các ngày gồm ngày 1, ngày 5, ngày 10 và ngày 14 (ngày 1 tính từ ngày bắt đầu cách ly).
Nhóm 2: Người được cách ly là F1 không thuộc nhóm 1 sẽ thực hiện cách ly đủ 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc cuối cùng với F0, được xét nghiệm lần đầu khi vào khu cách ly và các lần tiếp theo tương ứng vào các ngày 5, ngày 10, ngày 14 (ngày 1 tính từ ngày tiếp xúc cuối cùng với F0).
Nhóm 3: Người được cách ly là người đi về thành phố từ vùng dịch sẽ thực hiện cách ly đủ 14 ngày kể từ ngày rời vùng dịch hoặc tiếp xúc cuối cùng với “yếu tố nguy cơ”; được xét nghiệm lần đầu khi vào khu cách ly và các lần tiếp theo tương ứng vào các ngày ngày 5, ngày 10, ngày 14 (ngày 1 tính từ ngày rời khỏi vùng dịch hoặc ngày tiếp xúc cuối cùng với “yếu tố nguy cơ”).
Nhóm 4: Người được cách ly là người nhập cảnh sẽ được xét nghiệm tối thiểu 2 lần trong vòng 14 ngày (ngày 1, ngày 14) theo Quyết định 34/QĐ-BYT ngày 07/8/2020 của Bộ Y tế.
Trường Đại học FPT dự kiến mua 100.000 liều vaccine COVID-19 cho sinh viên, giảng viên
Sáng 20/2, trao đổi với phóng viên báo Tin tức, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, trường Đại học FPT cho biết: “Trường đã lên kế hoạch mua 100.000 liều vaccine COVID-19 cho toàn bộ sinh viên, giảng viên trong trường, kinh phí khoảng 80-100 tỷ đồng”.
TS Lê Trường Tùng cho biết: “Kế hoạch mua vaccine của trường Đại học FPT chưa được ấn định thời gian hoàn thành vì còn phụ thuộc thủ tục pháp lý, thương mại. Trong bối cảnh nhiều nước đang trong quá trình hoàn thiện vaccine nhằm tranh giành thị trường, điều này rất phức tạp. Bên cạnh đó, về mặt pháp lý, vẫn thông qua đơn vị chức năng bảo quản, tiêm chủng... ”.
TS Lê Trường Tùng cho rằng vấn đề khó nhất hiện nay vẫn là làm thế nào để nhập sớm trong vòng 6 tháng. Bởi số lượng vaccine sẽ ưu tiên cho mỗi quốc gia, rồi dùng cho đối tượng nào.
Trường Đại học FPT sẽ mua vaccine đạt chất lượng, do các tổ chức y tế uy tín kiểm định, đến khi đủ số lượng đề ra.
Được biết, ngay từ trước khi một sinh viên của trường dương tính với SARS-CoV-2, cuối tháng 1/2021, trường Đại học FPT đã quan tâm việc đặt mua vaccine. Đại học FPT dự kiến chi phí cho 100.000 liều khoảng 3-4 triệu USD (80-100 tỷ đồng), tương đương khoản hỗ trợ học phí của trường cho sinh viên năm 2020.