Khai mạc Đại hội XIII, dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng, dân tộc
Sáng 26/1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội.
Đại hội có chủ đề: "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí và quyết tâm phát triển đất nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa".
Tham dự Đại hội có 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong cả nước.
Đại hội XIII của Đảng có nhiệm vụ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII gắn với việc đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 (kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước); xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Đồng thời, Đại hội kiểm điểm sâu sắc, toàn diện công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ mới; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng, đặc biệt là bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII gồm những đồng chí thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực lãnh đạo, bản lĩnh và trí tuệ, đủ sức đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ to lớn, nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang, được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó trong những năm tới.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và các văn kiện trình Đại hội. Tiếp đó, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Giá xăng tăng hơn 300 đồng/lít
Liên Bộ Công Thương - Tài chính thông báo điều chỉnh giá xăng, dầu áp dụng từ 15 giờ ngày 26/1, tăng giá xăng hơn 300 đồng/lít.
Theo đó, xăng E5RON92 tăng 361 đồng/lít, không cao hơn 16.309 đồng/lít (nếu không chi Quỹ BOG 1.350 đồng/lít thì sẽ tăng 1.711 đồng/lít và giá bán là 17.659 đồng/lít). Xăng RON95-III tăng 340 đồng/lít, không cao hơn 17.270 đồng/lít (nếu không chi Quỹ BOG 400 đồng/lít thì sẽ tăng 740 đồng/lít và giá bán là 17.670 đồng/lít).
Dầu diesel 0.05S tăng 395 đồng/lít, không cao hơn 13.042 đồng/lít (nếu không chi Quỹ BOG 300 đồng/lít thì sẽ tăng 695 đồng/lít và giá bán là 13.342 đồng/lít). Dầu hỏa tăng 350 đồng/lít, không cao hơn 11.908 đồng/lít (nếu không chi Quỹ BOG 400 đồng/lít thì sẽ tăng 750 đồng/lít và giá bán là 12.308 đồng/lít). Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 350 đồng/kg, không cao hơn 12.622 đồng/kg (nếu không chi Quỹ BOG 250 đồng/kg thì giá sẽ tăng 600 đồng/kg và giá bán là 12.872 đồng/kg).
Liên Bộ ngừng trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các loại xăng dầu; chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ở mức: E5RON92 ở mức 1.350 đồng/lít (kỳ trước là 1.100 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước là 200 đồng/lít), dầu diesel ở mức 300 đồng/lít (kỳ trước là 200 đồng/lít), dầu hỏa chi ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít); dầu mazut ở mức 250 đồng/kg (kỳ trước là 181 đồng/kg). Như vậy, đây là lần tăng giá thứ 5 liên tiếp, với tổng mức tăng khoảng 2.400 đồng/lít. Kỳ điều hành lần này, nếu không tiếp tục chi Quỹ BOG, giá các loại xăng dầu sẽ tăng so với giá hiện hành khoảng 600 - 1.711 đồng/lít/kg.
Việt Nam có thêm 2 ca mắc mới COVID-19 là ca nhập cảnh
Tính đến 18 giờ ngày 26/1, Việt Nam ghi nhận thêm 2 ca mắc mới COVID-19 đều là ca nhập cảnh.
Tính đến 18 giờ ngày 26/1, Việt Nam có tổng cộng 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 553 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 21.994 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 129 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 20.615 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 1.250 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19), ngày 26/1, có 5 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh gồm: BN1481, BN1508, BN1511, BN1456, BN1515. Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với viurs SARS-CoV-2 là 36 ca. Đến nay, đã 55 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng.