Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương
Ngày 28/12, Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã được tổ chức.
Hội nghị tổng kết năm 2020, đánh giá 5 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 -2020, bàn về những cơ hội, thách thức và đề ra giải pháp chủ yếu để triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, cũng như hoàn thành các mục tiêu phát triển các năm tiếp theo.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đã tham dự Hội nghị.
Theo chương trình, Hội nghị diễn ra trong 1,5 ngày (cả ngày 28 và sáng 29/12). Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu chỉ đạo, định hướng phấn đấu cho năm 2021.
Từ các ý kiến tại Hội nghị, Chính phủ sẽ tiếp thu, hoàn thiện văn bản, báo cáo, dự thảo Nghị quyết 01 để ban hành và thực hiện ngay từ ngày đầu tiên của năm 2021. Dự thảo Nghị quyết 01 đã được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng và đã được Chính phủ, Thường trực Chính phủ, các bộ, ngành góp ý.
Năm 2020 được xem là năm thành công nhất của nước ta trong 5 năm qua, khi đại dịch COVID-19 xảy ra và thiên tai, bão lũ hoành hành dữ dội, nhưng Việt Nam đã thực hiện thành công “mục tiêu kép”, trở thành một điển hình của thế giới trong phòng, chống dịch COVID-19. Trong khi nhiều nước tăng trưởng âm thì Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng dương 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới; nền tảng kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát dưới ngưỡng 4%. Trong bối cảnh khó khăn toàn cầu, chuỗi cung ứng quốc tế đứt gãy, kim ngạch xuất, nhập khẩu của nước ta vẫn đạt mức kỷ lục 543,9 tỷ USD, xuất siêu hơn 19 tỷ USD
Ngày 29/12 đồng loạt triển khai thu phí không dừng
Thông tin từ Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel)- đơn vị triển khai thi phí không dừng giai đoạn 2 cho biết, đơn vị đang hoàn thiện những công việc cuối cùng về nghiệm thu hệ thống, sẵn sàng triển khai hệ thống thu phí sử dụng đường bộ tự động không dừng – ePass vào ngày 29/12.
Theo đại diện Viettel, trong ngày khai trương sẽ triển khai đồng loạt ePass tại 35 trạm thu phí ở cả 3 miền Bắc- Trung- Nam.
Trong số đó, 25 trạm Viettel thực hiện theo cam kết với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và 10 trạm ngoài dự án là các trạm Viettel chủ động đàm phán và ký kết với các nhà đầu tư BOT.
Theo ước tính, sử dụng hệ thống thu phí không dừng ePass, người tham gia giao thông giảm thời gian đi qua trạm thu phí khoảng 60 lần so với thu phí bằng cách soát vé thủ công.
Khách hàng sử dụng dịch vụ ePass sẽ được trải nghiệm dịch vụ toàn trình trên nền tảng số từ đăng ký dịch vụ, phục vụ dán thẻ, thanh toán, chăm sóc khách hàng.
Bộ Công an rà soát người sử dụng bằng của ĐH Đông Đô
Chiều 28/12, Bộ Công an cho biết, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đang làm rõ vụ án giả mạo trong công tác xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô.
Kết quả điều tra cho thấy, trường đã cấp bằng cử nhân ngôn ngữ Anh hệ chính quy - văn bằng 2 cho nhiều cá nhân trái quy định.
Để phục vụ công tác điều tra vụ án, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an thông báo và đề nghị các cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo rà soát hồ sơ đã tiếp nhận của cán bộ, học viên, nghiên cứu sinh, nếu có sử dụng Bằng Cử nhân ngôn ngữ Anh hệ chính quy – văn bằng 2 do Trường Đại học Đông Đô cấp thì thông báo ngay bằng văn bản cho Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an.
Các cá nhân đã được Trường Đại học Đông Đô cấp Bằng Cử nhân ngôn ngữ Anh hệ chính quy – văn bằng 2 liên hệ với Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an để trình báo, làm việc và cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra.
Việt Nam thêm 10 ca mắc COVID-19, được cách ly sau nhập cảnh
Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, tính từ 18 giờ ngày 27/12 đến 18 giờ ngày 28/12, Việt Nam ghi nhận 10 ca mắc mới, đều có quốc tịch Việt Nam, là các ca nhập cảnh, được cách ly ngay tại tỉnh Khánh Hoà (9 ca) và Thành phố Hồ Chí Minh (1 ca).
Như vậy, tính đến chiều 28/12, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 1.451 ca mắc COVID-19, trong đó 693 ca lây nhiễm trong nước; từ ngày 25/7 đến nay có 553 ca mắc mới.
Báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, có 15 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh gồm các bệnh nhân số 1354, 1390, 1398, 1391, 1142, 1228, 1309, 13, 1371, 10, 1333, 1334, 1374, 1313, 1221. Việt Nam đã chữa khỏi 1.318 bệnh nhân mắc COVID-19; ghi nhận 35 ca tử vong liên quan đến COVID-19 trên nền bệnh lý trầm trọng.
Trong số những bệnh nhân đang được tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế, 10 người có kết quả xét nghiệm âm tính lần một với SARS-CoV-2, 11 người âm tính lần hai và 13 người âm tính lần ba.
Cả nước còn 17.016 người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 hoặc nhập cảnh từ vùng dịch, đang được cách ly theo dõi sức khỏe; trong đó 163 người được cách ly tại bệnh viện, 16.015 người được cách ly tập trung tại các cơ sở khác, 8 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Truy tìm trường hợp nhập cảnh trái phép cùng bệnh nhân 1440 và thông tin lịch trình di chuyển của bệnh nhân 1451
Tại cuộc họp khẩn với 24 quận, huyện về công tác phòng chống dịch COVID-19 chiều 28/12, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết thành phố đang truy tìm một người nhập cảnh trái phép tên K. đi cùng chuyến xe với bệnh nhân 1440.
Trong số 4 người nhập cảnh trái phép vào TP Hồ Chí Minh có liên quan đến bệnh nhân 1440, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết đã có một trường hợp được xác định mắc COVID-19, 2 trường hợp gồm một người ở quận 1 đã có kết quả xét nghiệm âm tính (được cách ly tập trung tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh), một trường hợp ở Hóc Môn cũng được cách ly tập trung và có kết quả âm tính. Riêng đối với trường hợp tên K., các cơ quan chức năng đang tiếp tục truy tìm. Theo thông tin ban đầu, người này đã đi xe đến đường Nguyễn Xiển (quận 9).
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, xác nhận trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận thêm một trường hợp mắc COVID-19. Đây là trường hợp nhập cảnh trái phép cùng với bệnh nhân 1440.
Trường hợp này là bệnh nhân N.Q.H. (nam, 23 tuổi, quốc tịch Việt Nam) có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 27/12 và được Bộ Y tế công bố là bệnh nhân 1451. Bệnh nhân này được phát hiện khi tự khai báo y tế sau khi biết người nhập cảnh trái phép chung với mình nhiễm COVID-19 (là bệnh nhân 1440).
Thông tin về lịch trình bệnh nhân, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, ngày 15/12 bệnh nhân 1451 sống cùng với bệnh nhân 1440 tại Myanmar. Ngày 15/12, bệnh nhân đi cùng với bệnh nhân 1440 từ Myanmar đến Mae Sot (Thái Lan) vào ngày 16/12. Hai người ở lại tại một khách sạn ở Mae Sot đến ngày 22/12 cùng với 5 người khác.
Ngày 23/12, 6 người trong nhóm này di chuyển bằng xe 7 chỗ về TP Hồ Chí Minh và sau đó bệnh nhân 1440 đi xe 16 chỗ về Vĩnh Long. Hiện tại bệnh nhân 1440 đang cách ly ở Vĩnh Long. Lái xe 16 chỗ đang cách ly ở quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh), đã được lấy mẫu xét nghiệm có kết quả âm tính.
Ngày 24/12, bệnh nhân 1451 cùng 3 người tiếp tục đi xe 7 chỗ đến đường Tên Lửa (quận Bình Tân) và ngồi uống cà phê tại quán số 158 đường Tên Lửa. Bệnh nhân cùng bạn gái đến khách sạn Rose (địa chỉ số 60 đường số 9, KDC Trung Sơn, Bình Hưng, Bình Chánh) ở từ ngày 24 đến ngày 27/12. Bệnh nhân cũng đã đến ngân hàng VPBank ở đường 9A KDC Trung Sơn (Bình Hưng, Bình Chánh) và chi nhánh Mobifone ở số 313 An Dương Vương (phường 3, quận 5).
Bệnh nhân cũng đã cùng một bạn đến quán Ốc 49k gần vòng xoay Trung Sơn ăn và sau đó về khách sạn. Bệnh nhân đến quán lẩu dê Abu (32/10 Bông Sao, phường 5, quận 8) cùng 4 người bạn và sau đó đến quán Karaoke Su Su ở quận 8.
Ngày 27/12 bệnh nhân về nhà tại lầu 4, phòng 423 lô B, chung cư Sư Vạn Hạnh (phường 9, quận 5), nhân viên Trạm y tế đến nhà bệnh nhân lấy mẫu và chuyển bệnh nhân cách ly tập trung theo quy định. Tối cùng ngày, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và được chuyển điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi lúc 22 giờ ngày 27/12.
Sau khi xác nhận bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, ngành y tế đã xác định 60 người tiếp xúc gần và tiếp xúc xa với bệnh nhân 1451, trong đó có 53 trường hợp đã được xác minh và lấy mẫu xét nghiệm. Theo đó, đã có 31 trường hợp có kết quả âm tính, 22 trường hợp đang chờ kết quả.
Hiện ngành y tế TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục lập danh sách tiếp xúc gần với bệnh nhân và phối hợp với các quận, huyện liên quan xác minh, lấy mẫu xét nghiệm và chuyển cách ly tập trung tại Khu C - Củ Chi; đồng thời thông báo khẩn cho người dân về những địa điểm tiếp xúc của bệnh nhân 1451 (nhà ở tại Lô B chung cư Sư Vạn Hạnh, quán cà phê, karaoke…) để tìm kiếm người tiếp xúc, thông báo với ngành y tế để được tư vấn về y tế, xét nghiệm kiểm tra và cách ly theo quy định.
Cơ quan chức năng cũng đã tạm ngừng hoạt động tất cả các địa điểm tiếp xúc của các bệnh nhân để tiêu độc khử trùng (khu nhà ở, chi nhánh Mobiphone, khách sạn Rose, ngân hàng VPBank, quán cà phê, karaoke …); cách ly tại nhà và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ người tiếp xúc khác.
Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân số 1440, 1451 liên lạc ngay với cơ quan y tế gần nhất
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, để chủ động trong công tác phòng chống, phát hiện và xử lý kịp thời nguy cơ dịch COVID-19 có thể xâm nhập, lây lan trong cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị những người có tiếp xúc gần và đi cùng với trường hợp bệnh nhân số 1440 (nam, 32 tuổi, trú tại Mang Thít, Vĩnh Long, từ Myanmar nhập cảnh trái phép vào Việt Nam ngày 24/12/2020) và bệnh nhân số 1451 liên lạc ngay với cơ quan y tế nơi gần nhất (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế quận, huyện, xã, phường, thị trấn), hoặc gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 để được tư vấn hỗ trợ và thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.