Tin nổi bật tuần 8-13/1: Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ làm rõ các vi phạm tại chùa Ba Vàng và sư trụ trì; Tuyên án phiên tòa sơ thẩm vụ Việt Á

Tuần từ ngày 8-13/1, trong nước diễn ra một số sự kiện đáng chú ý: Trao quyết định cho 5 sĩ quan lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ làm rõ các vi phạm tại Chùa Ba Vàng và sư trụ trì; Cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông-trật tự xã hội dịp Tết và Lễ hội đầu Xuân; Máy bay quân sự gặp sự cố, bất ngờ rơi xuống khu vực thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam);Tuyên án phiên tòa sơ thẩm vụ Việt Á.

Trao quyết định cho 5 sĩ quan quân đội lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình

Sáng 12/1, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ công bố, trao Quyết định của Chủ tịch nước cho các sĩ quan đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở phái bộ tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan.

Chú thích ảnh
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến trao Quyết định cho các sĩ quan. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Trong số này, có 4 sĩ quan sẽ lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi và 1 sĩ quan nhận nhiệm vụ sĩ quan Tác chiến ở phái bộ tại Nam Sudan.

Đây là các sĩ quan sẽ nhận nhiệm vụ thay thế các sĩ quan đương nhiệm tại các địa bàn, đến nay hết hạn công tác.

Để các sĩ quan làm tốt công tác chuẩn bị lực lượng thay thế các đồng chí thực hiện nhiệm vụ, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã chủ động tuyển chọn cán bộ đảm bảo đáp ứng về năng lực, trình độ quân sự, kiến thức gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, trình độ ngoại ngữ và có sức khỏe tốt.

Đồng thời, Cục đã tổ chức các khóa huấn luyện theo yêu cầu của Liên hợp quốc, gồm: Khóa huấn luyện tiền triển khai, khóa sĩ quan Tham mưu Liên hợp quốc, Quan sát viên quân sự Liên hợp quốc. Tùy vào từng vị trí triển khai, Cục đã cử cán bộ tham gia các khóa tập huấn, huấn luyện tại nước ngoài nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực mà từng sĩ quan sẽ đảm nhiệm tại các phái bộ.

Trước đó, chiều 11/1, Bộ Công an tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập và ra mắt Đơn vị Cảnh sát gìn giữ hòa bình số 1.

Chú thích ảnh
Thượng tá Nguyễn Văn Nam, Chỉ huy trưởng Đơn vị Cảnh sát gìn giữ hòa bình số 1 (Bộ Công an) thực hiện nghi thức tuyên thệ nhận nhiệm vụ. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Từ năm 2022 đến nay, được sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, các nước đối tác gìn giữ hòa bình, các tổ chức quốc tế,... Bộ Công an Việt Nam đã tổ chức huấn luyện, tham gia các khóa đào tạo, tập huấn trong và ngoài nước cho hơn 70 lượt sĩ quan Công an nhân dân để chuẩn bị sẵn sàng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Hiện nay, Bộ Công an đã có 15 sĩ quan đáp ứng được các yêu cầu của Liên hợp quốc để tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình theo hình thức cá nhân. Trong đó, Bộ Công an cử Tổ Công tác số 1 và Tổ Công tác số 2, gồm: 6 sĩ quan đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ Nam Sudan (UNMISS); cử 1 sĩ quan đi làm nhiệm vụ tại Phòng Cảnh sát Liên hợp quốc. Bộ Công an đang hoàn thiện quy trình cử Tổ công tác số 3 gồm: 3 sĩ quan đi thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ UNISFA (Khu vực Abyei), dự kiến triển khai trong quý I/2024.

Các sĩ quan của Bộ Công an Việt Nam khi tham gia thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đều phát huy được những phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn, thích nghi nhanh với điều kiện và môi trường hoạt động của Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, lan tỏa hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam thân thiện, mến khách và yêu chuộng hòa bình đến với Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế.

Chùa Ba Vàng và sư trụ trì vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo

Trong tuần 8-13/1, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Định, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ đã làm rõ các vi phạm diễn ra tại chùa Ba Vàng và những sai phạm của cá nhân trụ trì chùa Ba Vàng và Đại đức Thích Trúc Thái Minh.

Theo đó, nhiều hoạt động diễn ra tại chùa Ba Vàng vừa qua và Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa, đã vi phạm các quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Cụ thể, với việc chùa Ba Vàng tổ chức rước và trưng bày cho phật tử và nhân dân chiêm bái “xá lợi tóc Đức Phật”, theo bà Nguyễn Thị Định, chùa Ba Vàng không phải là chủ thể đứng ra thực hiện thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung và thời gian thông báo chỉ 6 ngày trước khi tổ chức. Bên cạnh đó, chùa Ba Vàng cũng không tuân thủ thời gian tổ chức như đã thông báo là từ ngày 22-24/12/2023 mà tổ chức từ ngày 22-27/12/2023.

Đối với các hoạt động tại chùa Ba Vàng có sự tham gia của nhiều nhà sư và phật tử người nước ngoài, theo báo cáo thì UBND tỉnh Quảng Ninh không nhận được văn bản xin phép của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Uông Bí. Như vậy, chùa Ba Vàng đã thực hiện không đúng quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Việc Đại đức Thích Trúc Thái Minh trụ trì chùa Ba Vàng mời Thượng tọa trụ trì chùa Parami của Miến Điện và Bảo tàng Xá lợi Phật Quốc tế vào Việt Nam để tham dự Lễ kính mừng 765 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh và mang “xá lợi tóc Đức Phật” đến chùa Ba Vàng tổ chức cho phật tử, nhân dân chiêm bái, đồng thời phát biểu tại buổi lễ là hoạt động tôn giáo nhưng lại sử dụng visa nhập cảnh với mục đích tham quan, du lịch là không đúng quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Về việc Đại đức Thích Trúc Thái Minh xuất cảnh và có các hoạt động tôn giáo ở nước ngoài nhưng không được Giáo hội đề nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, theo bà Nguyễn Thị Định, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ, là Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã vi phạm Điều 50 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông-trật tự xã hội
Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Điện của Bộ trưởng Bộ Công an về mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và các sự kiện lớn của đất nước, Bộ Công an vừa ban hành kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội trên các tuyến giao thông dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các Lễ hội đầu Xuân 2024. Cao điểm được thực hiện từ ngày 10/1 đến ngày 9/3/2024.

Chú thích ảnh
Từ ngày 10/1-9/3/2024, trên toàn quốc sẽ triển khai cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội. Ảnh: TTXVN

Theo đó, lực lượng Cảnh sát Giao thông phối hợp cùng các lực lượng trong Công an nhân dân tập trung lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để triển khai cao điểm với mục tiêu kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời, hạn chế ùn tắc giao thông; phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông; hỗ trợ, phục vụ nhu cầu đi lại, vui chơi, lễ hội trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các Lễ hội đầu Xuân 2024 của người dân.

Trên các tuyến đường bộ, Cảnh sát Giao thông toàn quốc sẽ tập trung kiểm soát, xử lý các hành vi người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có nồng độ cồn, chất ma túy; vi phạm tốc độ; đi không đúng phần đường, làn đường; tránh, vượt, dừng, đỗ sai quy định; xe “cơi nới” thành thùng, chở hàng quá tải, quá khổ; chở quá số người quy định; đón, trả khách không đúng nơi quy định...

Với các tuyến giao thông đường thủy, các hành vi tập trung kiểm tra xử lý gồm: Chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn, vi phạm điều kiện hoạt động của phương tiện; vi phạm các quy định về thuyền viên, người lái phương tiện; vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản, về cảng, bến, quy định về vận tải hàng hóa, hành khách...

Trên các tuyến giao thông đường sắt, Cảnh sát Giao thông phối hợp với ngành Đường sắt tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây mất an toàn giao thông đường sắt, nhất là tại các đường ngang, lối đi tự mở; kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn chạy tàu của các nhân viên đường sắt, điều kiện lưu hành của các phương tiện giao thông đường sắt; nắm tình hình bán vé tàu Tết và kế hoạch chạy tàu Tết để chủ động phối hợp bảo đảm tốt trật tự, an toàn tàu, ga và tính mạng, tài sản của hành khách đi tàu trong dịp Tết Nguyên đán.

Máy bay quân sự rơi tại Điện Bàn (Quảng Nam), phi công an toàn

Chú thích ảnh
Hiện trường vụ máy bay huấn luyện quân sự rơi tại Điện Bàn, Quảng Nam. Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN

Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng, trưa 9/1/2024, một máy bay quân sự đã gặp sự cố, bất ngờ rơi xuống khu vực thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), tuy nhiên không có thiệt hại về người. Đây là máy bay của Trung đoàn 929, Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không-Không quân đang tham gia bay huấn luyện tại sân bay Đà Nẵng theo kế hoạch.

Máy bay cất cánh lúc 11 giờ 04 phút. Đến 11 giờ 14 phút, phi công báo máy bay gặp sự cố không thể về hạ cánh được. Chỉ huy bay lệnh cho phi công cố gắng đưa máy bay ra khỏi khu đông dân cư và tiến hành nhảy dù. Phi công đã nỗ lực đưa máy bay ra xa khu dân cư và nhảy dù tại vị trí cách trục đường băng về phía Nam 19 km thuộc địa bàn xã Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Máy bay bị hư hỏng, tại vị trí máy bay rơi không có thiệt hại về người, phi công nhảy dù an toàn, sức khỏe ổn định.

Hiện tại, Quân chủng Phòng không-Không quân đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chính quyền địa phương phong tỏa hiện trường và tiến hành điều tra vụ việc.

Tuyên án sơ thẩm vụ Việt Á

Từ 8-12/1, phiên tòa xét xử bị cáo trong vụ án Việt Á tiếp tục với phần tranh luận giữa các luật sư bào chữa và công tố viên đại diện Viện Kiểm sát.

Chú thích ảnh
Các bị cáo nghe toà tuyên án. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Trước khi Hội đồng xét xử nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng tại phiên tòa. Nhiều bị cáo đã cảm ơn Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát đã dành thời gian cho bị cáo được trình bày, công tâm lắng nghe và ghi nhận những tình tiết giảm nhẹ của các bị cáo; cảm ơn các luật sư bào chữa đã trình bày nhiều luận điểm, các tình tiết giảm nhẹ mức độ hành vi cho bị cáo… Các bị cáo bày tỏ sự ăn năn hối hận, nhận thức được sai phạm và mong được hưởng khoan hồng của pháp luật.

Chiều 12/1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt bị cáo trong vụ án Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) về các tội danh: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Theo nhận định của Hội đồng xét xử, hành vi của các bị cáo trong vụ án này là những mắt xích, phụ trách từng công việc, phần việc khác nhau, không có sự bàn bạc từ trước, nhưng đã liên đới gây thiệt hại cho Nhà nước với số tiền đặc biệt lớn là hơn 400 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Một số bị cáo trong phiên toà sơ thẩm vụ Việt Á.

Theo đó, Tòa tuyên miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Nguyễn Thành Danh (cựu Giám đốc CDC Bình Dương).

Bị cáo Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) bị phạt 14 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, 15 năm tù về tội “Đưa hối lộ”; tổng hợp hình phạt chung đối với Việt là 29 năm tù. Bị cáo Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) bị phạt 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, 8 năm tù về tội “Đưa hối lộ”; tổng hợp hình phạt chung đối với Hiệp là 15 năm tù.

Sáu bị cáo bị Tòa kết án về tội “Nhận hối lộ” gồm: Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ) 14 năm tù; Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) 18 năm tù; Nguyễn Huỳnh (cựu Phó Trưởng phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) 9 năm tù; Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế) 8 năm tù; Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế) 7 năm tù; Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương) 13 năm tù.

Hai bị cáo: Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) và Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) đều bị phạt 3 năm tù về cùng tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Ba bị cáo bị kết án về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm: Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) 5 năm tù, Phạm Mạnh Cường (cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Văn Trịnh (cựu Trợ lý Phó Thủ tướng) đều bị phạt 4 năm tù.

Hai bị cáo: Tôn Noel Thảo (Trợ lý Khối tài chính, Công ty Việt Á) và Hồ Thị Thanh Thảo (Thủ quỹ Công ty Việt Á) đều bị phạt 4 năm tù về tội “Đưa hối lộ”.

Hai bị cáo: Nguyễn Thị Thanh Thủy (cựu Chuyên viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) 30 tháng tù, Nguyễn Bạch Thùy Linh (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên SNB Holdings) 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.

20 bị cáo còn lại cùng bị kết án về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” đều nhận các mức án tương ứng với hành vi phạm tội.

PH/Báo Tin tức
Khắc phục nhà cửa cho người dân sau sự cố rơi máy bay quân sự
Khắc phục nhà cửa cho người dân sau sự cố rơi máy bay quân sự

Ngày 12/1, hàng chục cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 372 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân đã đến khối phố Bình Minh, phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam để sửa chữa nhà cửa, khắc phục sự cố liên quan vụ rơi máy bay Su-22 trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN