Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV
Tuần qua tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, đã chủ trì phiên họp đầu tiên Tiểu ban.
Theo kế hoạch, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng dự kiến tổ chức vào tháng 1/2026. Để chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã quyết định thành lập 5 Tiểu ban, trong đó có Tiểu ban Văn kiện do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Tiểu ban. Tiểu ban Văn kiện có nhiệm vụ chuẩn bị Báo cáo Chính trị và Báo cáo Tổng kết 40 năm đổi mới trình Đại hội XIV của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng là một sự kiện chính trị cực kỳ quan trọng. Đại hội XIV của Đảng có nhiệm vụ đi sâu kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, tổng kết 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong 5 năm tới (2026 - 2030), tiếp tục thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030).
Đại hội XIV cũng sẽ kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; kiểm điểm việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XIII và tiến hành sửa đổi Điều lệ Đảng; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Về cách làm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Văn kiện Đại hội, trong đó có Báo cáo chính trị của Đại hội XIV là sản phẩm của trí tuệ tập thể, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nên phải phát huy dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể và theo đó phải có sự tham gia đóng góp của các cơ quan, ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân; tranh thủ sự tham gia đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo, của giới trí thức, các nhà nghiên cứu, quản lý. Đặc biệt, phải chú trọng khai thác kết quả nghiên cứu khoa học ở trong nước và quốc tế, chắt lọc kết quả nghiên cứu của các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học lý luận chính trị đặc biệt cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045…
Triển khai các đề án của Bộ Chính trị, Ban Bí thư
Cũng trong tuần qua, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã chủ trì Hội nghị với các ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, các đảng uỷ trực thuộc Trung ương về tình hình thực hiện Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2024.
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đánh giá cao các ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, các đảng uỷ trực thuộc Trung ương trong năm 2023 đã chủ động chuẩn bị các đề án, báo cáo được phân công trong Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đáp ứng yêu cầu, chất lượng, khách quan, trung thực. Tuy nhiên, công tác xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2023 còn hạn chế, một số đề án, báo cáo thực hiện chưa bảo đảm tiến độ theo Quy chế làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ảnh hưởng đến việc thẩm định, xin ý kiến các cơ quan.
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai yêu cầu năm 2024, các cơ quan liên quan chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện các đề án của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các cơ quan được giao nhiệm vụ cần tập trung triển khai các đề án, báo cáo được phân công; các đề án khó, phức tạp, nhạy cảm tồn đọng từ các năm trước phải giải quyết dứt điểm. Ưu tiên các việc trong Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các hội nghị Trung ương trong năm 2024. Các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng uỷ trực thuộc Trung ương phải nêu cao trách nhiệm, bảo đảm chất lượng văn bản thẩm định, văn bản hóa các nội dung sau hội nghị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đúng tiến độ.
Đẩy nhanh đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội
Theo thông tin của Bộ Xây dựng tại Hội nghị toàn quốc triển khai Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, đến nay, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 411.000 căn hộ.
Triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng, đã có 28 tỉnh công bố danh mục dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Đề án phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn.
Để đảm bảo mục tiêu năm 2024 hoàn thành khoảng 130.000 căn hộ nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương cần bám sát và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ của Đề án, trong đó chú trọng rà soát quy hoạch, bố trí quỹ đất, cải cách thủ tục hành chính, điều chỉnh chính sách… cho các dự án NOXH, đồng thời, rà soát lại việc triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ để có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy việc tiếp cận, giải ngân gói tín dụng này.
Rà soát, điều chỉnh việc tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc 2 làn xe
Ngay sau vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 3 người tử vong trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn ngày 18/2, dư luận xã hội đã có nhiều ý kiến về việc đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc 2 làn xe hiện nay, vì có nhiều bất cập, không đảm bảo an toàn giao thông, Bộ GTVT đã yêu cầu khẩn trương rà soát, điều chỉnh phương án tổ chức giao thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn nói riêng, các tuyến cao tốc 2 làn xe nói chung, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn và nâng cao an toàn.
Thủ tướng Chính phủ tuần qua cũng đã có công điện chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đã được đầu tư phân kỳ lên quy mô cao tốc hoàn chỉnh, tập trung đầu tư sớm nhất với các tuyến cao tốc quy mô 2 làn xe.
Để khẩn trương khắc phục hạn chế, tăng cường an toàn giao thông, nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến đường bộ cao tốc, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu ngay các giải pháp tổ chức giao thông hợp lý, khoa học, hiệu quả; phối hợp với các địa phương tập trung đầu tư sớm nhất đối với các tuyến đường bộ cao tốc quy mô 2 làn xe; rà soát bổ sung đầy đủ, đồng bộ các công trình hạ tầng trên tuyến như hệ thống giao thông thông minh, trạm dừng nghỉ… báo cáo Thủ tướng trong tháng 3/2024.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đã và đang đầu tư theo quy mô phân kỳ, gửi Bộ GTVT trước ngày 15/3 và rà soát, triển khai công tác giải phóng mặt bằng phục vụ đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc.
Hơn 1.600 chương trình Đại học đạt chuẩn chất lượng
Cũng trong tuần qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, có hơn 1.600 chương trình đào tạo đại học được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, trong đó có hơn 1.100 chương trình trong nước và 500 chương trình đào tạo được đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng nước ngoài.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tính đến ngày 31/1, cả nước có 1.142 chương trình đào tạo của 145 cơ sở giáo dục đại học và 5 chương trình đào tạo cao đẳng của 5 trường cao đẳng được đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trong nước. Đối với tiêu chuẩn chất lượng nước ngoài, cả nước có 500 chương trình đào tạo của 58 cơ sở giáo dục đại học được đánh giá đạt.
Những cơ sở giáo dục đại học có nhiều chương trình đào tạo được đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn nước ngoài gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội: 45 chương trình; Trường đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng): 33 chương trình; Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh: 20 chương trình; Trường đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh 22 chương trình; Trường đại học Cần Thơ: 16 chương trình; Trường đại học Trà Vinh: 13 chương trình…
Để tổ chức thực hiện đánh giá tiêu chuẩn trong nước, cả nước có 7 trung tâm kiểm định triển khai. Trong đó, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện đánh giá số lượng nhiều nhất với 406 chương trình đào tạo.
Ông Đỗ Hữu Ca bị truy tố tội lừa đảo khi nhận 35 tỷ đồng
Tuần qua, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã hoàn tất cáo trạng, truy tố cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca và các bị can, đồng thời chuyển Tòa án nhân dân cùng cấp để xét xử vụ án. Ông Ca và 10 bị can khác bị truy tố về các tội danh gồm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước, nhận hối lộ và đưa hối lộ.
Theo kết luận cáo trạng số 10/CT-VKSQN-P1 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh, từ tháng 3/2013 đến tháng 5/2022, tại Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, các bị can Trương Xuân Đước, trú ở phường Đằng Hải, quận Hải An, Hải Phòng và Nguyễn Thị Ngọc Anh, vợ của Đước đã thành lập, điều hành 26 công ty để mua bán trái phép hóa đơn trục lợi. Kết quả điều tra xác định số lượng hóa đơn Đước và Ngọc Anh mua bán trái phép là 15.674 hóa đơn, thu lợi bất chính hơn 41,2 tỷ đồng. Để che giấu hành vi phạm tội, từ tháng 10 đến tháng 12/2022, vợ chồng Đước và Ngọc Anh đã đưa cho Đỗ Hữu Ca 35 tỷ đồng nhờ chạy tội.
Căn cứ vào các hành vi trên, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh quyết định truy tố bị can Trương Xuân Đước, Nguyễn Thị Ngọc Anh về các tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước” và tội “Đưa hối lộ” quy định tại các điểm b, d, đ, e khoản 2, Điều 203 và khoản 4, Điều 364 Bộ luật Hình sự; bị can Đỗ Hữu Ca về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại điểm a, khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự.