Việt Nam có thêm 71 ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng, chưa cần thiết giãn cách xã hội
Ngày 11/5, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 76 ca mắc COVID-19, trong đó 71 ca cộng đồng tại các tỉnh, thành phố Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Quảng Trị, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Thái Bình, Thừa Thiên Huế và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Tỉnh Bắc Ninh có số ca mắc mới nhiều nhất, với 34 ca; tiếp đó là Bắc Giang 17 ca, Vĩnh Phúc 7 ca.
Tính đến nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 3.537 ca mắc COVID-19, số ca ghi nhận trong nước là 2.098 và 1.439 ca nhập cảnh. Số ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 528 ca.
Tính đến 16 giờ ngày 10/5, Việt Nam đã tiêm chủng 892.454/917.600 liều vaccine phân bổ, đạt 97%. Những người được tiêm là các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương, các lực lượng công an, quân đội.
Tại giao ban báo chí sáng 11/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, nhờ thực hiện nhất quán chiến lược, sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự tham gia của các lực lượng nòng cốt, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đến nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước chống dịch tốt nhất.
Tính về tổng số ca mắc, Việt Nam hiện đứng thứ 176. Tính về số ca mắc/triệu dân, Việt Nam đứng thứ 214/220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này thể hiện những vấn đề mang tính nguyên tắc, chiến lược của Việt Nam đến thời điểm này là hoàn toàn đúng đắn.
Trước làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, đối với một số nghi ngại về việc cần thiết giãn cách xã hội hay chưa, Phó Thủ tướng cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa cần thiết thực hiện.
Kích hoạt hệ thống phòng chống dịch COVID-19 cao nhất trong toàn quân
Ngày 11/5, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, dưới sự chủ trì của Trung tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Quốc phòng.
Triển khai các biện pháp chuyên môn phòng chống dịch, toàn quân đã kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch cao nhất. Các bệnh viện quân y trong toàn quân đang tiến hành xét nghiệm sàng lọc toàn bộ cán bộ, nhân viên tại các khoa nguy cơ. Các đơn vị, nhất là Quân đoàn 2, các Quân khu: 3, 5, 7, 9 đã rà soát, chuẩn bị các điểm cách ly sẵn sàng cách ly tập trung các ca F1 khi dịch bùng phát với số ca mắc tăng cao; chuẩn bị các bệnh viện dã chiến truyền nhiễm để tiếp nhận bệnh nhân, chuẩn bị kịch bản ứng phó với mức độ cao nhất của dịch bệnh trong cộng đồng; bảo đảm các trang bị, phương tiện, vật tư, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch và triển khai tiêm vaccine.
Trong công tác kiểm soát biên giới, Quân đội thường xuyên duy trì 1.826 tổ, chốt chặn (1.452 cố định, 374 lưu động) với lực lượng triển khai trên 11.800 người, trong đó có hơn 8.000 cán bộ, chiến sĩ Biên phòng phối hợp với các lực lượng chức năng khác; tăng cường phương tiện quan sát, hỗ trợ kiểm soát biên giới trên bộ, trên biển.
Toàn quân đã triển khai 175 điểm cách ly, tính đến ngày 10/5, tổng cộng đã tiếp nhận, cách ly được 212.5 người, đã hoàn thành cách ly 199.209 người, hiện đang cách ly 13.329 người; đồng thời thực hiện nghiêm các quy định về cách ly của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, không để lây chéo trong khu cách ly và lây nhiễm cho nhân viên phục vụ khu cách ly.
Theo Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Quốc phòng, việc kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch trong toàn quân ở mức độ cao hơn là cần thiết, bởi chuẩn bị càng sớm sẽ càng tránh được những rủi ro về mức độ lây nhiễm. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, trong đó có việc xây dựng quyết tâm “chống dịch như chống giặc” trong toàn thể cán bộ, chiến sĩ, xác định Quân đội luôn là một trong những lực lượng đi đầu, chung tay cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân trong cuộc chiến chống đại dịch.
Lực lượng Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tại các tỉnh biên giới, kiểm soát chặt chẽ biên giới trên đất liền và trên biển, nhất là khu vực biên giới Tây Nam; ngăn chặn hiệu quả các trường hợp xâm nhập trái phép qua biên giới bộ cũng như qua đường biển; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống lây nhiễm, tiêm vaccine cho các lực lượng tuần tra biên giới, chốt chặn, đặc biệt ưu tiên cho các tỉnh biên giới Tây Nam.
Các Quân khu: 1, 2, 3, 5 và những đơn vị đóng quân tại các vùng, địa phương có dịch chủ động các phương án ứng phó linh hoạt theo các tình huống, diễn biến của dịch trên thực tế; trên cơ sở thực tiễn tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng để có những chỉ đạo kịp thời. Bên cạnh đó, các đơn vị đóng quân tại địa bàn có dịch phối hợp với y tế địa phương, tiến hành khai báo y tế, truy vết ngay tất cả quân nhân trong đơn vị để xác định những trường hợp có liên quan với ca bệnh (F1, F2, F3) và cách ly kịp thời, theo dõi sức khỏe theo quy định; hỗ trợ, tham mưu cho địa phương về công tác quản lý trên các tuyến biên giới, quản lý người nhập cảnh.
Tiếp tục tìm thấy biến chủng virus từ Anh, Ấn Độ trên các mẫu bệnh phẩm ở 4 tỉnh
Kết quả giải trình tự gene các mẫu bệnh phẩm ở những bệnh nhân đã mắc COVID-19 do các địa phương gửi về do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện ngày 11/5 tiếp tục ghi nhận các biến chủng virus SARS-CoV-2 từ Anh và Ấn Độ.
Kết quả giải trình tự gene một số mẫu ngày 11/5 do các tỉnh gửi về cho thấy, có 7 mẫu thuộc biến thể B.1.617.2 thuộc biến chủng của Ấn Độ từ các bệnh nhân có liên quan tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Trong đó, Vĩnh Phúc có 2 mẫu, Bắc Ninh có 2 mẫu, Lạng Sơn có 2 mẫu, Nam Định có 1 mẫu thuộc biến chủng của Ấn Độ. Biến thể B.1.1.7 thuộc biến chủng của Anh ghi nhận trên 1 mẫu bệnh phẩm liên quan đến bệnh nhân nhập cảnh từ Lào tại Hải Dương.
Bộ Y tế cũng nhận định đợt dịch lần này diễn biến hết sức phức tạp, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh trong cộng đồng tại nhiều địa phương, đặc biệt đã xuất hiện các biến chủng virus mới lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn và có khả năng làm tình trạng bệnh nặng lên.
Để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là việc xác định nguồn gốc các biến thể của virus SARS-CoV-2, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiến hành giải trình tự gene các mẫu do các địa phương gửi về ở những bệnh nhân đã mắc COVID-19.
Các nhà hàng bia, quán bia, bia hơi Hà Nội đã tạm dừng để phòng chống COVID-19
Ngày 11/5/2021, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo tạm dừng hoạt động các nhà hàng bia, quán bia, bia hơi cho đến khi có chỉ đạo mới của thành phố.
TP Hồ Chí Minh nhận diện 6 nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19
Chiều 11/5, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, TP đang đối mặt với 6 nguy cơ xâm nhập dịch bệnh. Vì vậy, các đơn vị, sở ngành, UBND quận, huyện và thành phố Thủ Đức cần hết sức cảnh giác, không được lơ là trong công tác chống dịch COVID-19.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, nguy cơ xâm nhập dịch bệnh đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh là từ trong các khu cách ly tập trung. Nếu không đảm bảo điều kiện tổ chức cách ly tập trung thì nguy cơ lây nhiễm chéo giữa các khu cách ly ra cộng đồng rất dễ xảy ra. Hiện vẫn còn một số khu cách ly quản lý lỏng lẻo, cần phải siết chặt để ngăn chặn dịch bệnh.
Thứ hai, TP Hồ Chí Minh không có ổ dịch cộng đồng từ sau ổ dịch Tân Sơn Nhất vào tháng 2/2021 đến nay, tuy nhiên nguy cơ dịch xâm nhập và lây lan dịch bệnh qua việc giao thương kinh tế - xã hội với các tỉnh thành cũng khá lớn. Bởi TP Hồ Chí Minh là cửa ngõ giao thông quốc tế với 1 sân bay và gần 60 cảng hàng hải lớn nhỏ.
Thứ ba, nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ các bệnh nhân hoàn thành cách ly tập trung trở về TP Hồ Chí Minh. Điển hình là trường hợp của bệnh nhân ở Hà Nam, sau khi hoàn thành cách ly tập trung đã đến TP Hồ Chí Minh và lây bệnh cho một bệnh nhân ở quận Bình Tân.
Thứ tư, TP Hồ Chí Minh là địa phương nhiều bệnh viện tuyến cuối phải tiếp nhận bệnh nhân từ nhiều tỉnh thành trong cả nước, rất đông bệnh nhân và thân nhân.
Thư 5, nguy cơ nhập cảnh trái phép vào Thành phố lớn. Thực tế, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận trường hợp hai mẹ con nhập cảnh trái phép và đến bệnh viện Từ Dũ khám bệnh.
Thứ 6, nguy cơ xâm nhập xâm nhập ở các địa phương; bởi TP Hồ Chí Minh tập trung nhiều lao động từ các tỉnh, thành khác đến làm việc.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: "Luôn phải nêu cao tinh thần cảnh giác, không được phép lơ là như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: "Chuyển từ phòng thủ sang tấn công". Trong đó, mỗi người dân là một chiến sỹ trong công tác phòng chống dịch".
“Kể từ nay, tất cả người dân từ vùng dịch đến TP Hồ Chí Minh cần phải khai báo y tế và tất cả bệnh viện, các đơn vị, sở, ngành, UBND quận, huyện, thành phố đều phải có phương án, kịch bản ứng phó và kiểm soát chặt dịch bệnh tại địa bàn của mình. Nếu để xảy ra dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, lãnh đạo địa bàn, quận, huyện, sở ngành... đó phải chịu trách nhiệm trước UBND TP Hồ Chí Minh”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chỉ đạo.
Làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra ổ dịch COVID-19 ở KCN Vân Trung
Ổ dịch tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Shin Young Việt Nam vẫn diễn biến rất phức tạp, nguy hiểm. Đến 12 giờ ngày 11/5 đã ghi nhận 60 ca dương tính với SARS-CoV-2.
Liên quan đến các ổ dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nguy hiểm trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã có công văn giao Công an tỉnh xác minh, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân trong việc làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Shin Young, Công ty Một thành viên SJ – Tech ở Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên.
Cùng với việc tập trung cao độ truy vết thần tốc các trường hợp liên quan đến các ca dương tính, các F1, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang đã quyết định phong tỏa tạm thời trong 3 ngày, bắt đầu từ đêm 10/5, đối với các thôn My Điền 1,2,3 của thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, để lấy mẫu xét nghiệm cho 100% người dân và công nhân thuê trọ tại đây.
Tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo dừng nhà xe chở công nhân tuyến Kép – Khu công nghiệp Vân Trung; lực lượng Công an làm nòng cốt để rà soát các trường hợp đi cùng chuyến xe với các trường hợp nghi mắc; xét nghiệm toàn bộ lái xe, công nhân đi trên các xe và cách ly theo quy định…
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang cũng đã có thông báo khẩn số 26, yêu cầu tất cả những người liên quan đến các ca bệnh từ ngày 4-8/5/2021 cần gọi điện thoại đến cơ quan y tế gần nhất; cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc gần với mình; khai báo y tế trực tuyến; thực hiện theo các hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế.
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Bắc Giang, đến 12 giờ ngày 11/5, ổ dịch tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, vẫn ghi nhận 4 ca dương tính với SARS-CoV-2.
Bệnh viện Nhi Trung ương giảm một nửa bệnh nhân đến khám để chống dịch COVID-19
Ngày 11/5, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng tiểu ban Điều trị, Phó Trưởng Tiểu ban an toàn Tiêm chủng đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch, giãn cách bệnh nhân và công tác xét nghiệm, đảm bảo an toàn tiêm chủng tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo sự phân công của Bộ Y tế, Bệnh viện sẽ tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng thuộc các cơ quan Trung ương, bộ, ngành, các cơ quan ngang Bộ và tổ chức quốc tế trên địa bàn Hà Nội. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê đã kiểm tra quy trình tiêm chủng, công tác khám sàng lọc, bảo quản vaccine, khu cấp cứu, nghỉ, theo dõi của người tiêm và hỏi thăm tình hình các cán bộ y tế Bệnh viện Nhi đã được tiêm chủng.
Bệnh viện đã thực hiện nghiêm công tác giãn cách. Theo đó, trước đây khám ngoại trú trung bình 4.000 bệnh nhân/ngày nay giảm xuống 1.000-1.500 bệnh nhân. Điều trị nội trú từ 2.000 bệnh nhân xuống 1.000-1.500. 1/3 nhân viên được luân phiện làm việc để phòng ngừa tình hình dịch bệnh bùng phát bệnh viện vẫn đảm bảo nguồn nhân lực chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Các học viên cũng tạm thời dừng việc học trong giai đoạn này.
Nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng, tiên lượng nặng, 1 bệnh nhân nguy cơ tử vong cao
Trong số các bệnh nhân COVID-19 nặng, có 1 bệnh nhân đang nguy kịch, nguy cơ tử vong cao. Hiện nguy cơ dịch tấn công vào bệnh viện đang lớn, các bệnh viện cần có phương án dự phòng nếu phải cách ly phòng dịch.
Chiều 11/5, thông tin về tình hình điều trị các ca bệnh COVID-19, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết: “Hiện cả nước có 6 bệnh nhân COVID-19 ở tình trạng nặng, trong đó có 1 bệnh nhân rất nặng; có 31 bệnh nhân tiên lượng nặng và 253 bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng chưa có diễn biến nặng. Trong đó có 1 ca bệnh nguy kịch đang phải chạy hệ thống tim phổi nhân đạo (ECMO), đã được Hội đồng chuyên môn hội chẩn, đưa ra khá nhiều nhóm giải pháp cố gắng cứu chữa, nhưng hiện tiên lượng nguy cơ tử vong cao”.
Ngay trong sáng 11/5, tại Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang (Châu Đốc, tỉnh An Giang) cũng có thêm 1 bệnh nhân COVID-19 diễn biến nặng là bệnh nhân nhập cảnh từ Campuchia về. Hội đồng chuyên môn đã tiến hành ngay trong sáng cùng ngày, với tinh thần cố gắng cứu chữa bệnh nhân. Các bệnh viện lớn như Bệnh viện Chợ rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, hội đồng chuyên môn điều trị bệnh nhân COVID-19 rất quan tâm đối với việc điều trị các bệnh nhân nặng.
Bệnh viện K vận chuyển 500 người bệnh, người nhà đến nơi cách ly đảm bảo giãn cách
Ngày 11/5, Bệnh viện K có thêm 4 ca nghi ngờ mắc COVID-19, Bệnh viện đã di chuyển 500 người bệnh và người nhà đến Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội để đảm bảo giãn cách phòng chống dịch COVID-19.
Theo thông tin từ Bệnh viện K, đến chiều ngày 11/5, Bệnh viện đã ghi nhận 12 ca mắc COVID-19 và 4 trường hợp nghi ngờ, đều tại cơ sở Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội).
Để đảm bảo giãn cách an toàn cho gần 3.500 người cách ly tại bệnh viện cùng với quyết tâm khoanh vùng, dập dịch trong thời gian sớm nhất, Bệnh viện đã di chuyển 500 người bệnh và người nhà đến Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (Nam Từ Liêm, Hà Nội) trong điều kiện tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc phòng chống dịch.
Đoàn xe gồm 12 xe cấp cứu di chuyển từ bệnh viện K cơ sở Tân Triều theo từng đợt, từng khoa. Cụ thể, lần lượt 6 người bệnh và người nhà được sắp xếp ngồi trên 1 xe. Mỗi xe di chuyển có 1 cán bộ y tế phụ trách để đảm bảo theo dõi sức khỏe người bệnh, người nhà trên đường đi.
Như vậy, hiện ở cả 3 cơ sở của Bệnh viện K còn khoảng 3.000 người cách ly, riêng tại cơ sở Tân Triều có khoảng 2.400 người. Bệnh viện vẫn đang quyết liệt trong việc tăng cường giãn cách và thần tốc truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm, hiện tại tất cả người cách ly ở bệnh viện đang được tiến hành xét nghiệm RT-PCR lần 2.