Chủ thể quan trọng trong quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ
Khoảng 500 đại biểu là cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động của các tỉnh, thành phố, ngành, tập đoàn, tổng công ty trực thuộc, đại diện cho 11 triệu đoàn viên, hơn 52 triệu người lao động trong cả nước đã tham gia Diễn đàn lần đầu được tổ chức.
Những ý kiến đầu tiên của công nhân, người lao động, đại diện tổ chức Công đoàn phát biểu tại Diễn đàn đã tập trung vào vấn đề nhà ở. “Chúng tôi rất mong Quốc hội, Chính phủ quan tâm đặc biệt vấn đề này để công nhân an cư, lạc nghiệp. Tôi tin là khi công nhân được quan tâm, có nhà thuê đảm bảo giá ưu đãi, chất lượng, chắc chắn anh chị em không phụ lòng sự quan tâm đó, sẽ làm việc với năng suất cao, chất lượng tốt hơn để đóng góp vào sự phát triển đất nước”, anh Nguyễn Việt Anh - đoàn viên Công đoàn Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel bày tỏ.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Nhà ở. Một trong những nội dung được sửa đổi quan trọng của Luật là chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội và lưu trú cho công nhân lao động ở khu công nghiệp. Dự án Luật cũng có đề cập đến có chính sách nhà lưu trú cho công nhân.
Đây là chính sách mới, trước đây chưa triển khai và chủ trương về phát triển đô thị có quy định về chính sách riêng hỗ trợ xây dựng nhà ở công nhân coi đây là thiết chế quan trọng của khu công nghiệp. Ủy ban Pháp luật Quốc hội đang phối hợp với Bộ Xây dựng tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các doanh nghiệp… để hoàn thiện cơ chế, chính sách, sau đó sẽ trình Quốc hội hội thông qua luật này ở Kỳ họp thứ 6.
Nêu ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, để người lao động đảm bảo về chỗ ở, cần quan tâm đến 3 hình thức: Nhà để bán; nhà lưu trú cho công nhân thuê tại các khu công nghiệp và nhà thuê - mua. Việc này vừa giải quyết được vấn đề chỗ ở của công nhân và người thân của họ. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Chính phủ đã trình chủ thể có thể đứng ra làm chủ đầu tư nhà ở xã hội, tuy nhiên liên quan đến nhiều chính sách, trong đó có Luật Nhà ở, Luật Đất đai, chính sách khác, có nhiều ý kiến còn khác nhau sẽ tiếp tục được nghiên cứu, làm rõ kỹ lưỡng…Các dự án Luật sẽ được Quốc hội quyết định một lần trong tháng 10 này, hy vọng sẽ được giải quyết được vấn đề nhà ở cho công nhân lao động.
Nội dung về bảo hiểm xã hội cũng được các đại biểu tập trung cho ý kiến. Trả lời về sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong tháng 8 tới, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét với tinh thần chung là tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội tại phiên chất vấn mới đây là tập trung chỉnh sửa những bất cập và mở hướng phát triển bảo hiểm linh hoạt đa tầng, đồng thời tăng quyền lợi của người lao động.
Đối với giải pháp hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần, Dự thảo trình với Thường vụ Quốc hội các phương án khác nhau theo hướng vừa đảm bảo an sinh xã hội đồng thời đảm bảo cho người lao động khi thật sự cần thì vẫn có thể rút nhưng phải hài hòa, đồng thời cũng có chính sách đảm bảo cho người lao động không cần rút bảo hiểm xã hội một lần mà vẫn có chính sách bù đắp hỗ trợ khi khó khăn.
Với bảo hiểm thất nghiệp, đây chính là "bà đỡ" của thị trường lao động, theo Bộ trưởng, chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ được sửa đổi đồng thời với sửa Luật Việc làm trong năm 2025.
Tại diễn đàn, một số ý kiến bày tỏ băn khoăn, lo lắng về tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, ngại tham mưu, ngại ký, ngại triển khai nhiệm vụ dẫn đến chậm tiến độ công việc, ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và nhân dân. Quá trình cải cách hành chính đang được đẩy mạnh, tuy nhiên vẫn còn một số nơi, một số việc, thủ tục hành chính còn rườm rà, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp và việc làm của người lao động.
Chính sách tinh giản biên chế của Nhà nước là đúng đắn và rất cần thiết. Tuy nhiên, có lúc, có nơi, việc triển khai thực hiện chưa đảm bảo mục tiêu giảm, nơi thừa và người yếu. Có cơ quan, trường học còn thiếu nhân lực, cần biên chế mà vẫn phải giảm, không được tuyển mới, dẫn đến áp lực công việc cho các công chức, viên chức rất lớn.
Trả lời về nhóm nội dung này, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Triệu Văn Cường cho biết, hiện nay, một số nơi đang xảy ra tình trạng tổ chức, cá nhân né tránh, đùng đẩy trách nhiệm và thoái thác công việc… Giải quyết vấn đề, Thủ tướng Chính phủ đã có 3 công điện chấn chỉnh. Bộ Nội vụ đã phối hợp cơ quan chức năng xây dựng các nghị định, quy định về khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để khích lệ, khơi dậy tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, các bộ, ngành cần thực hiện các chỉ đạo của Bộ Nội vụ. Chính phủ đẩy mạnh, rà soát chính sách, nhất là lĩnh vực kinh tế, xã hội còn phát sinh, còn khó khăn vướng mắc…
Đặc biệt, với vị trí, chức năng quản lý của nhà nước Bộ Nội vụ sẽ tập trung vào một số nội dung sau: Rà soát, nghiên cứu, sửa đổi luật cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng và nghiên cứu quy định, nghị định quy tắc đạo đức công vụ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách công vụ, để tăng cường kiểm tra các hoạt động công vụ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân né tránh, đùng đẩy trách nhiệm và thoái thác công việc.
Liên quan đến vấn đề tinh giản biên chế là chủ trương lớn của Trung ương và Bộ chính trị. Thời gian vừa qua, việc tinh giản biên chế được triển khai từ năm 2015 và có nhiều quy định của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ… Từ 2015, triển khai tinh giản biên chế, về cơ bản đạt yêu cầu theo mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, khi tổng kết, đánh giá lại chưa đạt được chất lượng việc tinh giản, như chưa giảm được những cán bộ, công chức, viên chức kém chất lượng…Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục sắp xếp, cơ cấu lại bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả; sắp xếp thu gọn đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập, nâng cao chất lượng hoạt động và mức độ tự chủ về tài chính.
Liên quan đến vấn đề tiền lương và giảm giờ làm, Chủ tịch Quốc hội cho hay, mức lương tối thiểu trong lao động sản xuất và cải cách tiền lương sẽ được thực hiện theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, Quốc hội đã nhiều lần có Nghị quyết về vấn đề này. Trong đó, Nghị quyết gần nhất là tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua sau khi giao Chính phủ báo cáo lộ trình cải cách tiền lương cả ở khu vực công và tư. Tại Kỳ họp thứ 6 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét lộ trình, cân đối các nguồn lực...
Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật
Tại Diễn đàn, một số ý kiến đề xuất đến cần quan tâm nhà ở công vụ cho giáo viên tại vùng núi, hải đảo. Hệ thống chính sách pháp luật về khoa học công nghệ còn nhiều điểm nghẽn, thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy trao đổi, mua bán các sản phẩm khoa học công nghệ trên thị trường. Thu nhập của cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ nói chung còn thấp, nhất là đối với cán bộ trẻ; về khơi thông các nguồn lực, nâng cao chất lượng giáo dục đại học...
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan tổ chức Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và trân trọng cảm ơn các ý kiến phát biểu chân tình, thẳng thắn của các đại biểu đại diện cho đoàn viên, người lao động cả nước. Đối với những vấn đề bức xúc, bất cập chưa được giải đáp, Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị các cơ quan của Quốc hội và các Bộ, ngành có liên quan tổng hợp, tiếp thu và khẩn trương giải quyết; đồng thời, các cơ quan thực hiện nghiêm túc những vấn đề đã trao đổi, thống nhất tại Diễn đàn, tổ chức giám sát việc thực hiện, bảo đảm các nội dung kiến nghị về quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động phải được giải quyết triệt để…
Có thể thấy, thời gian qua, với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, đời sống của công chức, viên chức, công nhân, người lao động đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, trên thực tế, đời sống và việc làm của một bộ phận đoàn viên, công nhân, người lao động vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh đất nước chịu tác động nặng nề từ “khủng hoảng kép” do tình hình dịch COVID- 19, khủng hoảng năng lượng, lương thực, các cuộc xung đột trên thế giới...
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sức chống chịu của các doanh nghiệp, của nền kinh tế có thể hiện được trong điều kiện khó khăn hay không là nhờ rất lớn ở hơn 52 triệu người lao động của cả nước. Chủ tịch Quốc hội mong muốn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu tổ chức Diễn đàn định kỳ; đồng thời mong nhận được những ý kiến đóng góp tâm huyết của đoàn viên công đoàn, người lao động và công đoàn các cấp vào các công việc trọng đại chung của đất nước để thực hiện khát vọng hùng cường với hai dấu mốc 100 năm đã được Đảng ta đề ra; đó là đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để hiện thực hóa khát vọng này, theo Chủ tịch Quốc hội cần phải có sự vào cuộc, đóng góp của hơn 52 triệu người lao động trên khắp cả nước - lực lượng sản xuất của cải vật chất cho xã hội, cho sự phát triển của đất nước và là chủ thể rất quan trọng xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Qua 4.600 ý kiến tổng hợp và 21 ý kiến trực tiếp tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá đây là những nhóm phản ánh sát thực tiễn tình hình về đời sống, việc làm; nói lên tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động, thể hiện tinh thần trách nhiệm của giai cấp công nhân đối với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.