Phát biểu khai mạc hội nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu lên sự cần thiết của hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án và tính cần thiết phải có Luật điều chỉnh hoạt động này.
Dự thảo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án được Tòa án nhân dân tối cao xây dựng nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng đã được ghi nhận tại nhiều văn kiện; góp phần xây dựng, hoàn thiện thể chế điều chỉnh các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án nói chung và các mô hình hòa giải nói riêng; tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức trong xã hội có nhiều lựa chọn hơn về biện pháp, cách thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp; giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước.
Để góp phần hoàn thiện hơn dự thảo Luật trước, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức lấy ý kiến rộng rãi cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự tác động và hoàn chỉnh để trình Quốc hội.
Về sự cần thiết ban hành Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhận định “một số loại hình hòa giải chưa mang tính chuyên nghiệp; tranh chấp được hòa giải phần lớn là những tranh chấp; xích mích nhỏ trong nhân dân; không được bảo đảm thi hành nếu không qua thủ tục công nhận của Tòa án”.
Theo báo cáo của ngành Tòa án, mô hình hòa giải, công tác hòa giải ở cơ sở của nước ta đã được xây dựng và phát triển hơn 20 năm qua với những đóng góp không thể phủ nhận trong việc giữ gìn trật tự trong đời sống nhân dân, giảm bớt gánh nặng cho Tòa án. Hàng năm, hòa giải viên ở cơ sở thực hiện hòa giải thành trung bình 110.000 vụ, việc; tỷ lệ hòa giải thành đạt cao, trên 82%. Kết quả này thể hiện tính chuyên nghiệp của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở và những đóng góp tích cực, hiệu quả của hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Với Tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề của Tòa án trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp.
Thí điểm mô hình thành công ở một số địa phương
Thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng và 9 Tòa án nhân dân cấp huyện của Thành phố (thời gian từ tháng 3 đến hết tháng 8 năm 2018). Sau 6 tháng triển khai thực hiện, hoạt động thí điểm đã thu được những thành công nhất định, tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành đạt 76,2%.
Sau thành công thí điểm tại Hải Phòng, tiếp tục thực hiện Kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao đang thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thời gian thí điểm từ tháng 11-2018 đến tháng 10-2019 và sẽ được kéo dài thêm nếu điều kiện cho phép).
Tại các địa phương này, đã thành lập Ban chỉ đạo thí điểm, các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; đào tạo Hòa giải viên, Đối thoại viên; tiến hành hòa giải, đối thoại tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính và đã thu được những kết quả tích cực, được cấp ủy địa phương đánh giá là mô hình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong đời sống, xã hội, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.
Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở tham vấn kinh nghiệm quốc tế
Tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, nguyên Ủy viên Chuyên trách - Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cho rằng, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thời gian gần đây, Tòa án nhân dân tối cao đã có những bước đi thành công về cải cách tư pháp với những kết quả rất ấn tượng trong đổi mới hoạt động của Tòa án. Đó là việc công bố công khai bản án, công bố án lệ và gần đây nhất là thí điểm tổ chức hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Với tham luận “Một số vấn đề đặt ra trong Dự án Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án, PGS.TS Nguyễn Tất Viễn - nguyên Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương đồng tình cao với việc ban hành đạo luật này.
Ông Gordon J.Low, nguyên Thẩm phán Tòa án cấp cao Hoa Kỳ đánh giá Dự thảo Luật này rất đầy đủ và xuyên suốt. "Mặc dù chưa có luật, nhưng dự án thí điểm tại một số địa phương thời gian qua đã hoạt động rất tuyệt vời, tôi tin rằng hòa giải tại Việt Nam chắc chắn sẽ được hoàn thiện, hoạt động hiệu quả hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn khi có Luật này, qua việc chuẩn hóa thủ tục tại tất cả các Tòa án trên toàn quốc” - ông Gordon J.Low chia sẻ.
Thẩm phán Nagahashi Masanori – chuyên gia dài hạn của Tổ chức JICA Nhật Bản nhận xét: “Dự thảo này được xây dựng trên cơ sở tư vấn của nhiều chuyên gia Việt Nam cũng như chuyên gia các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và kết quả thí điểm, nên dự thảo được xây dựng rất chỉn chu”.
Bên cạnh đó, các đại biểu tham luận tại hội thảo đưa ý kiến về các nội dung của dự án Luật phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá thực trạng quan hệ xã hội về hòa giải, đối thoại; kết quả tổng kết thực tiễn thi hành các quy định pháp luật về hòa giải, đối thoại hiện hành nhằm bảo đảm việc xây dựng dự án Luật khắc phục được những hạn chế, vướng mắc, bất cập; kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, pháp lý tốt đẹp của dân tộc; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về hòa giải.