Đến dự có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ngài Csaba Hende, Phó Chủ tịch Quốc hội Hungary; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Ngài Peter Andras Sztaray, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và kinh tế đối ngoại Hungary; và khoảng gần 100 doanh nghiệp Hungary và Việt Nam.
Phát biểu tại tọa đàm, thay mặt Đoàn, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh: Sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2016-2021 đạt bình quân 6%. Năm 2021 mặc dù do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,58% (một trong số ít quốc gia trên thế giới có tăng trưởng kinh tế dương)…
Đặc biệt, Việt Nam là một trong 6 quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới. Các hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại bình thường. Sáu tháng đầu năm 2022 tốc độ tăng trưởng GDP ước khoảng 6,%, dự kiến cả năm 2022 GDP tăng trưởng 6,5%-7%. Kinh tế vĩ mô ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của nhân dân được cải thiện. Các công trình trọng điểm quốc gia đang được quan tâm đầu tư, giai đoạn 2021-2025, Việt Nam sẽ đầu tư khoảng 2.000 km đường bộ cao tốc với tổng nguồn lực gần 20 tỷ USD. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh: “Đây là những công trình sẽ tạo ra diện mạo mới và là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong giai đoạn tới”.
Có được những thành tựu và kết quả quan trọng trên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực và cố gắng của Việt Nam là sự hợp tác giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trong đó có quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Hungary. Phó Thủ tướng nêu rõ: “Mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam - Hungary là mối quan hệ rất đặc biệt. Quan hệ hợp tác Việt Nam - Hungary là một trong những quan hệ được hình thành và thiết lập từ sớm ngay từ những năm 1950. Hungary luôn ủng hộ, hỗ trợ và giúp đỡ Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước”.
Trong thời kỳ đổi mới của Việt Nam, Hungary đã tích cực ủng hộ việc ký kết, phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), cũng là nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giữa 2 nước đã có sự tăng trưởng ấn tượng, từ mức 266 triệu USD năm 2016 lên mức 1,3 tỷ USD năm 2020 (gấp 4,8 lần sau gần 5 năm).
Đề cập những kết quả hợp tác về kinh tế nêu trên là đáng khích lệ, tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, kết quả đó vẫn chưa thật sự tương xứng với tiềm năng hợp tác của hai bên, nhất là Hungary - quốc gia có thế mạnh về các lĩnh vực phát triển công nghiệp, điện tử, chuyển đổi số, y dược, năng lượng, đặc biệt là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản… Đây cũng là những ngành, những lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, lợi thế. Phó Thủ tướng khẳng định: "Việt Nam luôn trân trọng và khẳng định rằng, mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống, nghĩa tình giữa Việt Nam và Hungary là tài sản quý báu cần tiếp tục được gìn giữ và phát huy ngày càng hiệu quả".
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cũng cho rằng, chuyến thăm của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội và Chính phủ Việt Nam lần này do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu đã khẳng định và làm sâu sắc hơn nội dung quan hệ Đối tác toàn diện.
Nêu rõ tọa đàm này hôm nay là cơ hội tốt nhất để hai bên cùng nhau chia sẻ, mở ra một thời kỳ mới cho sự hợp tác, phát triển giữa các doanh nghiệp hai nước, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng tôi cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất, đó là: giữ vững ổn định chính trị xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế, pháp luật, những điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực; cải cách thủ tục hành chính, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, thực thi sự minh bạch. Đó chính là những tiền đề rất quan trọng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển".
Tại cuộc tọa đàm, lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương trao đổi cởi mở đối với các nội dung được các đại biểu, các tập đoàn, doanh nghiệp hai bên quan tâm. Các vị lãnh đạo cam kết sẽ luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Hungary tiến hành đầu tư thành công, hiệu quả và lâu dài tại Việt Nam.
Phát biểu chào mừng của ông Péter András Sztáray - Quốc vụ khanh, Bộ Ngoại giao và Kinh tế Đối ngoại Hungary nhấn mạnh: "Cộng đồng doanh nghiệp Hungary mong muốn thúc đẩy hợp tác thương mại với Việt Nam. Mối quan hệ song phương giữa hai nước được nâng lên thành Đối tác chiến lược trong chuyến thăm Hungary của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2018, mở ra nhiều cơ hội mới trong lĩnh vực hợp tác trên nhiều lĩnh vực".
Hai nước có quan hệ truyền thống lịch sử lâu đời, tiếp tục được xây dựng trên nền móng của mối quan hệ hữu nghị trong nhiều thập kỷ. Hungary đã tích cực ủng hộ việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) và là nước đầu tiên trong EU phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA); triển khai gói tín dụng trị giá lớn cho Việt Nam. Bất chấp đại dịch COVID-19, mối quan hệ hai nước vượt quá 1 tỷ USD trong giai đoạn 2020- 2021, Việt Nam đứng thứ hạng 33 trong số các đối tác thương mại của Hungary năm 2021, giá trị thương mại tăng hơn 10 lần từ năm 2012 đến năm 2021. Ông Péter András Sztáray cho rằng mối quan hệ chặt chẽ giữa hai quốc gia là một công cụ hữu hiệu để tăng cường quan hệ thương mại giữa hai bên trong thời gian tới.
Đại diện các công ty, doanh nghiệp Hungary và Việt Nam đã nêu câu hỏi, quan tâm những vẫn đề được cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm hiện nay, kế hoạch của Việt Nam thời gian tới về việc thay đổi những yêu cầu về thủ tục thiết lập giá thuốc đối với doanh nghiệp FDI; liệu Việt Nam có kế hoạch giới thiệu về thủ tục nộp hồ sơ điện tử trong lĩnh vực dược không? Một số doanh nghiệp khác quan tâm những vấn đề chung quanh các quyền chọn tài chính ví dụ như tín dụng tiêu dùng của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hungary có thể được áp dụng bởi các công ty địa phương của Việt Nam hay không. Cách tốt nhất để cho ra mắt một giải pháp phần mềm cho nhà máy thông minh tại Việt Namlà gì. Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có được cung cấp dịch vụ an ninh mạng tại Việt Nam; Tầm nhìn của Việt Nam về một hệ sinh thái định danh kỹ thuật số sử dụng ID trên thiết bị di động...
Với những vấn đề nói trên, Phó Thủ tướng cùng đại diện lãnh đạo bộ, ngành giải đáp, cung cấp thông tin đầy đủ với nội dung được doanh nghiệp hai nước quan tâm.