Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Lễ khai mạc. Ảnh: Quang Hải/TTXVN |
Thưa các quý vị đại biểu,
Tôi rất vui mừng cùng đoàn nữ lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và Doanh nhân nữ Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu 2018 tại thành phố cảng Sydney sôi động và tươi đẹp.
Trước hết thay mặt đoàn Việt Nam, xin cảm ơn nước chủ nhà Australia về lòng mến khách và sự tiếp đón nồng ấm dành cho các đại biểu tham dự hội nghị trong đó có đoàn chúng tôi. 70 đại biểu trong đoàn Việt Nam xin được chào mừng và kính chúc sức khỏe Bà Chủ tịch cùng tất cả quý vị đại biểu.
Thưa các quý vị, Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu, sau gần ba thập kỷ hoạt động, đã chứng minh được sức sống mạnh mẽ của mình. Hội nghị đã trở thành nơi quy tụ những nữ đại biểu ưu tú là các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Nhà nước và doanh nghiệp, những nhà hoạt động tích cực vì sự tiến bộ của phụ nữ trên toàn thế giới, cùng thúc đẩy mục tiêu nâng cao vai trò và quyền năng của phụ nữ, mở rộng cơ hội kinh tế cho phụ nữ, đóng góp vào sự phát triển của quốc gia và nền kinh tế toàn cầu. Hội nghị cũng là cầu nối giữa những người hoạch định chính sách và doanh nhân, là nơi khơi nguồn cho những ý tưởng, sáng kiến hợp tác kinh tế và kết nối doanh nhân nữ.
Tôi cho rằng một trong những điểm mấu chốt làm nên thành công của hội nghị đó chính là các chủ đề thảo luận hàng năm luôn mang tính thời sự, gắn liền với những chuyển động của tình hình thế giới, vừa thiết thực, vừa gợi mở những ý tưởng mới, nguồn cảm hứng mới về cơ hội và thách thức đặt ra cho phụ nữ, như “Phụ nữ-tạo ra những nền kinh tế mới”, “Phụ nữ: Xây dựng một nền kinh tế toàn diện trong thời đại kỹ thuật số”, “Học thuyết kinh tế phụ nữ,...”
Chủ đề của hội nghị năm nay về “Xây dựng các nền kinh tế chia sẻ giá trị chung” vừa tiếp nối hợp lý với các chủ đề trước đây, vừa đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Quá trình toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ không phải luôn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, mà đã xuất hiện không ít hoang mang, nghi ngại cùng với sự nổi lên của phong trào chống toàn cầu hóa, các chính sách hướng nội, chủ nghĩa dân túy, thậm chí các cuộc chiến thương mại... Có lẽ không ít doanh nghiệp có mặt ở hội nghị hôm nay cũng đang phải chịu những tác động không nhỏ từ những hiện tượng này.
Tôi rất nhất trí với câu nói của Nguyên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan: “Phản đối toàn cầu hóa cũng giống như phản đối lại định luật vạn vật hấp dẫn”. Toàn cầu hóa, liên kết kinh tế rõ ràng là một xu thế không thể đảo ngược và có thể tạo ra những cơ hội lớn lao, giúp doanh nghiệp và quốc gia phát huy hết được sức mạnh của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Chúng ta không mơ hồ trước những thách thức nhiều chiều của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, đúng như Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull (Man-côm Tơn-bun) đã nói: “Tự do hóa thương mại mới là chìa khóa. Chủ nghĩa bảo hộ không phải là cái thang giúp chúng ta ra khỏi bẫy tăng trưởng thấp, mà chính là cái xẻng đào bẫy thêm sâu”.
Chính với mong muốn tăng cường liên kết, hợp tác vì những lợi ích chung, Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức ở Việt Nam năm 2017 đã lấy chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và đề ra bốn ưu tiên chung, gồm có: (1) Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; (2) Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng: (3) Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số; (4) Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, trong Tuần lễ cấp cao APEC đã có hơn 4.000 lượt doanh nghiệp tham gia, thể hiện tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp, sáng tạo của APEC, khẳng định APEC là diễn đàn vì người dân và doanh nghiệp, đồng thời mở ra triển vọng mới về sự tăng trưởng đầu tư, thương mại và kinh doanh cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Việt Nam chúng tôi.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, trong khuôn khổ APEC 2017, chúng tôi đã thúc đẩy nhiều hoạt động, trong đó có “Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC”, đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các thành viên APEC với sáng kiến “Hướng dẫn lồng ghép giới trong APEC”.
Cũng với tinh thần đó, cách đây hơn một tháng, chính ở thành phố Sydney này, các nhà lãnh đạo ASEAN và Australia đã khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác, liên kết kinh tế, kể cả trong khuôn khổ các thể chế kinh tế đa phương, cũng như đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp để có thể phát huy tối đa những lợi ích của toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại.
Tôi được biết, Chính phủ Australia và nhiều chính phủ của các quý vị có mặt ở đây đã và đang nỗ lực ủng hộ tăng cường các cơ chế liên kết toàn cầu và khu vực, xem đó là động lực của tăng trưởng, tạo việc làm và mang đến cho người tiêu dùng toàn cầu những hàng hóa, dịch vụ tốt nhất với giá cả hợp lý nhất.
Thưa các quý vị, Phụ nữ có thể đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy quản trị toàn cầu, phát triển bao trùm, bền vững và xây dựng những nền kinh tế chia sẻ giá trị chung. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đánh giá rằng tăng cơ hội kinh tế cho phụ nữ giúp tăng trưởng nhanh và bền vững hơn.
Đó cũng chính là lý do khiến bảo đảm bình đẳng giới, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ là một trong những trọng tâm của Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững và chiến lược phát triển của các quốc gia. Tôi mong muốn được nghe kinh nghiệm của các quý vị trong việc tạo cơ hội và phát huy vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế.
Ở Việt Nam, tăng cường vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế luôn được ưu tiên trong các chính sách phát triển. Hiện nay, phụ nữ chiếm khoảng 48% lực lượng lao động và có những đóng góp quan trọng vào nền kinh tế quốc gia. Theo thống kê của Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG), Việt Nam có sự đa dạng giới cao trong khu vực; ở lĩnh vực kinh doanh với khoảng 25% CEO hoặc thành viên Hội đồng quản trị là nữ.
Các nữ doanh nhân có điều kiện để tiếp cận khoa học công nghệ, tri thức của nhân loại, mô hình phát triển, thị trường quốc tế; tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu và đóng góp vào những giá trị chung của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi với tác động mạnh mẽ của cách mạng 4.0, ảnh hưởng của kỷ nguyên số, các doanh nhân nữ Việt Nam vẫn còn gặp muôn vàn khó khăn, đặc biệt trong việc tiếp cận vốn, tài sản, thị trường toàn cầu, khả năng cạnh tranh, cập nhật kiến thức, kỹ năng mới,... để có thể bắt kịp với những chuyển động mạnh mẽ của kinh tế thế giới.