Hội thảo là hoạt động thiết thực kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng; Phó trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tô Thị Bích Châu; Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi đồng chủ chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cho biết, đồng chí Nguyễn Lương Bằng sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại thôn Đông, xã Đoàn Lâm, tổng Đoàn Lâm (nay là thôn Đông, xã Thanh Tùng), huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Đồng chí là đảng viên lớp đầu tiên thời dựng Đảng, Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Trên hành trình vừa lao động kiếm sống và tự học văn hóa, vừa tìm con đường đấu tranh yêu nước, năm 1925, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Ngay sau khi hoàn thành khóa huấn luyện ở Quảng Châu, đồng chí xung phong về nước hoạt động để thiết lập hệ thống liên lạc giữa trong nước với nước ngoài, xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán, gây dựng các cơ sở, tổ chức cách mạng cả trong và ngoài nước. Tháng 10/1929, tại Hong Kong, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng và là một trong những đảng viên cộng sản thế hệ đầu tiên.
Trong 20 năm hoạt động cách mạng dưới chế độ thực dân, đồng chí bị bắt ba lần và hai lần tổ chức vượt ngục để trở về hoạt động cách mạng. Sau khi vượt ngục thành công lần thứ hai (1943), đồng chí được chỉ định tham gia Trung ương phụ trách công tác tài chính, binh vận và mặt trận, tham gia Ban Lãnh đạo của Tổng bộ Việt Minh.
Tại Hội nghị toàn quốc của Đảng, đồng chí được bầu bổ sung làm Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng và được Đại hội Quốc dân Tân Trào bầu vào Ban Thường trực của Ủy ban Dân tộc giải phóng gồm 5 người do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Đồng chí đã tham gia lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công và tham gia phái đoàn của chính quyền cách mạng tiếp nhận sự thoái vị của Bảo Đại - vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến ở nước ta.
Sau khi đất nước giành được độc lập, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước, như: Trưởng Ban Kinh tế - Tài chính Trung ương (1947); Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (1951 - 1952); Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Liên Xô (1952 - 1956); Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương (1955 - 1969), Tổng Thanh tra Chính phủ (1956 - 1965); Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1969 - 1976) và Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1976 - 1979).
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn đi tiên phong trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ mới của cách mạng. Khi được giao trọng trách Trưởng Ban Kinh tế - Tài chính Trung ương, đồng chí đã có nhiều đóng góp với nhiều thành tựu quan trọng như: xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy kinh tế - tài chính từ Trung ương đến các khu, tỉnh; nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn về kinh tế - tài chính được triển khai thực hiện; xây dựng được đội ngũ cán bộ tài chính của Đảng có phẩm chất, năng lực, đóng góp những cán bộ cốt cán cho các ngành kinh tế và tài chính nước nhà.
Khi được giao nhiệm vụ Tổng Giám đốc Ngân hàng quốc gia Việt Nam, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã dồn hết tâm trí và sức lực vào việc xây dựng nền móng vững chắc cho hoạt động của Ngân hàng. Chỉ một tháng sau khi thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, dưới sự lãnh đạo, điều hành của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, giấy bạc ngân hàng đã được phát hành và nhanh chóng được nhân dân hưởng ứng. Giấy bạc ngân hàng theo cán bộ địch hậu đi sâu vào vùng địch tạm chiếm đẩy lùi giấy bạc Đông Dương, khẳng định chủ quyền tiền tệ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trên cương vị Đại sứ đầu tiên của nước ta tại Liên Xô từ năm 1952, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã tích cực góp phần vào việc làm cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân Liên Xô hiểu rõ và ủng hộ cuộc kháng chiến chống xâm lược của Việt Nam, tạo điều kiện để hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đoàn kết, gắn bó. Thực hiện nhiệm vụ là Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương, Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã chỉ đạo sâu sát công tác kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ nghiêm kỷ luật Đảng, nhất là những nội dung liên quan đến công tác cán bộ và chỉnh đốn tổ chức, vấn đề cải cách ruộng đất, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Khi trở thành Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa từ năm 1969 và Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1976, đồng chí Nguyễn Lương Bằng có những đóng góp quan trọng trên nhiều mặt: tập trung vào mục tiêu cao nhất là xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; xây dựng, kiện toàn bộ máy Nhà nước; chăm lo công tác xây dựng Đảng; công tác đối ngoại; xây dựng phát triển lực lượng vũ trang; phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng là tấm gương cao đẹp của một người cộng sản mẫu mực, là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân. Trong lao tù đế quốc, đồng chí không quản ngại hy sinh, gian khổ; kiên cường, bất khuất trước kẻ thù. Khi chính quyền cách mạng non trẻ vừa mới ra đời, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, khi thành lập Chính phủ liên hiệp, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng một số đồng chí lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh tự nguyện rút khỏi Chính phủ lâm thời để nhường chỗ cho những nhân sĩ, trí thức tiêu biểu tham gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học”.
Khi giữ vị trí, chức vụ cao trong Đảng, Nhà nước, đồng chí luôn là tấm gương về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói đi đôi với làm; sống khiêm tốn, giản dị, có tình nghĩa, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào. Đồng nghiệp, bạn bè đã dành cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng những tên gọi thân thương như "Sao Đỏ”, “Anh Cả", coi đó là "biểu tượng của sự mẫu mực, sự trong sáng của tình đồng chí, tình anh em".
Hải Dương là một vùng đất giàu giá trị văn hóa truyền thống và lịch sử. Chính truyền thống tốt đẹp của quê hương là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng để hình thành nhân cách và chí hướng của người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Lương Bằng. Sau này, trên bước đường công tác, đồng chí luôn dành cho quê hương những tình cảm tốt đẹp nhất, vẫn dành thời gian về thăm, làm việc với Đảng bộ và nhân dân tỉnh.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng khẳng định, Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân Hải Dương luôn tự hào, ra sức học tập tấm gương của đồng chí Nguyễn Lương Bằng và các bậc tiên liệt, phấn đấu đưa phấn đấu đưa Hải Dương đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. Qua nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025, kinh tế Hải Dương tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) giai đoạn 2021 - 2023 ước tăng bình quân 8,58%/năm. Năm 2023, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh đã đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch, trong đó, tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 8,2%, xếp thứ 13/63 toàn quốc và đứng thứ 6/11 vùng đồng bằng sông Hồng.
Hội thảo nhằm ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, góp phần tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng thời, là dịp để thể hiện sự tri ân sâu sắc của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người Cộng sản kiên trung, mẫu mực, Nhà Lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Hải Dương.